• Zalo

Cúng hóa vàng đầu năm mới là gì?

Gia đìnhThứ Hai, 12/02/2024 07:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Cúng hóa vàng đầu năm mới là một trong những phong tục truyền thống của Việt Nam dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của nghi lễ này.

Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, mùa Tết Nguyên đán bao gồm các hoạt động, nghi lễ sau:

- Ngày 23 tháng Chạp: Cúng ông Công ông Táo, tiễn Táo quân về trời.

- Chiều 30 Tết: Bày biện mâm ngũ quả, bánh mứt và mâm cỗ cúng tất tiên, mời các vị thần linh, tổ tiên ông bà ăn Tết cùng gia chủ.

- Đêm giao thừa: Sắp xếp mâm cơm cúng tiễn các vị quan tướng nhà trời cai quản năm cũ, đón các vị cai quản năm mới, cúng tổ tiên, ông bà. 

- Sáng mùng 1 Tết: Cúng năm mới.

- Mùng 3 Tết (có thể thay đổi tùy từng gia đình): Làm lễ hóa vàng. Trong 3 ngày Tết, các đồ lễ như mâm ngũ quả, bánh mứt sẽ được giữ nguyên trên bàn thờ, sau lễ này mới hạ.

Cúng hóa vàng đầu năm mới là gì?

Lễ hoá vàng hay còn được hiểu là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho tổ tiên hay lễ tạ năm mới. Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn liền với đời sống thường nhật. Ngoài ra, lễ hoá vàng cũng là lễ đón thần Tài về với gia đình, hy vọng một năm mới thuận lợi, hanh thông. 

Ngày nay, quan niệm về đời sống tâm linh đã nhẹ nhàng hơn nên việc chuẩn bị mâm cỗ cúng cũng như bày biện bàn gia tiên ngày càng tối giản, gia chủ không cần bày quá nhiều lễ vật. 

Lễ hóa vàng thường được các gia đình tổ chức từ ngày mùng 3 đến mùng 7 Tết. Một số gia đình có thể làm sớm hoặc muộn hơn, muộn nhất là mùng 10. 

Tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn liền với đời sống thường nhật (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn liền với đời sống thường nhật (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Chuẩn bị mâm cỗ cúng hóa vàng 

Lễ vật cúng hoá vàng đầu năm mới thường được chuẩn bị giống với đồ lễ cúng gia tiên của gia chủ, thường bao gồm: Hương, hoa, mâm ngũ quả, trầu cau, vàng mã, đèn, nến.  Cùng với đó là mâm cỗ mặn hoặc mâm cỗ chay với các món ăn đặc trưng ngày Tết. Theo quan niệm xưa, nếu cúng cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa gà luộc.

Trong lễ hóa vàng, các gia đình thường đốt vàng mã. Nhiều nhà còn cẩn thận mang theo hai cây mía hơ trên phần tiền vàng mới hóa xong, tượng trưng cho đòn gánh để các cụ gánh tiền, gánh vàng về cõi âm.

Phần vàng mã dành cho người mới mất trong năm được hóa cuối cùng.

Lúc hóa xong, tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết thì gia chủ vẩy vào thêm chút rượu, vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm, các cụ mới nhận và tiêu được số tiền đó.

Sau khi đốt vàng mã, hạ mâm cúng, con cháu trong gia đình sẽ tề tựu đông đủ để cùng nhau dùng bữa cơm thân mật. Ngày Tết được coi như kết thúc sau lễ hoá vàng và mọi người bắt đầu trở lại với nhịp sống thường ngày.

Để phong tục cúng hoá vàng đầu năm mới mãi là một nét đẹp văn hoá tâm linh, các gia đình chỉ nên cúng bái và chuẩn bị số lượng vàng mã vừa đủ, tránh đốt nhiều, đốt bừa bãi dễ gây cháy nổ và gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường. 

Khánh An (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn