Ngày 21/4 (tức 10/3 âm lịch), rất nhiều người dân xếp hàng từ 3h sáng để được dâng hương lên các vị Vua Hùng. Đến 5h, dòng người đổ về mỗi lúc một đông.
Trong gần 20.000 người có mặt tại Đền Hùng có vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Tạo (ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ). Năm nay đã 90 tuổi, thế nhưng ông bà vẫn quyết định thực hiện hành trình leo trăm bậc thang lên đền Thượng. Đi vài phút, họ ngồi xuống nghỉ, hết mệt ông lại nắm tay bà dẫn bà đi tiếp.
Hơn 10 năm nay, năm nào cụ ông và cụ bà cũng có mặt ở đây để dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương. Dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng ông bà vẫn nói con cháu đưa mình đi hội.
Ông bà cho biết, những người ở cái tuổi "gần đất xa trời" thường có xu hướng tìm về cội nguồn, chẳng biết sống được bao lâu nữa nên tranh thủ đi đâu được thì đi.
"Được về đây, hướng về tổ tiên vào những ngày trọng đại làm tôi thấy nôn nao nhớ về thủa còn chiến tranh. Bây giờ chiến tranh đã đi qua, tôi lại càng thêm biết ơn những người đã quên mình mở mang bờ cõi, giành độc lập cho dân tộc... Thật yêu biết bao khoảnh khắc yên bình này.
"Tôi thấy lễ hội Đền Hùng là dịp để người dân cả nước hướng về nguồn cội, mãi khắc ghi lời dạy "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" của Hồ Chủ Tịch", ông Tạo nói.
11h trưa, dòng người đổ về đền Thượng vẫn rất đông, men theo lối đi hướng về đền, bà Nguyễn Thị Hoài (82 tuổi, quê Hòa Bình) được con gái dìu lên. Bà Hoài kể, gần chục năm nay, vào ngày giỗ Tổ, bà và con cháu đều về đây để dâng hương.
Vượt quãng đường khoảng 100km từ Hòa Bình về Phú Thọ, đợi từ 3h sáng, chờ trong khoảng thời gian dài để được làm lễ, khuôn mặt bà có phần mệt mỏi. Tuy nhiên, bà vẫn chống gậy leo từng bậc thang dài dâng hương.
“Tôi không quản đường xa về vùng đất Tổ để hòa cùng nhịp đập nguồn cội của hàng triệu người con đất Việt. Thấy tôi ngỏ ý muốn được về đất Tổ dâng hương, các con lo lắng lắm, sợ tôi mệt không đủ sức đi, nhưng rồi thấy tôi cương quyết muốn đi nên cũng vui vẻ dẫn tôi về đây làm lễ", bà cho hay.
Tại Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ có rất đông cụ ông, cụ bà tuổi đã cao song vẫn muốn về đây để dâng hương, tỏ lòng thành kính với những người đã khuất.
Đa phần, những người già sẽ đi theo từng nhóm và thường có con cháu đi theo để tiện chăm sóc. Họ đều là những du khách từ phương xa về đây, mang theo niềm tự hào, tự tôn của dân tộc, niềm mong ước thế hệ trẻ sẽ thay bước họ xây dựng đất nước.
Bên cạnh đó cũng có những người già đi lễ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống.
Theo một du khách, khi đến những nơi linh thiêng, hòa vào dòng người hành lễ, mỗi người sẽ cảm nhận được sự giao hòa của Trời - Đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản...
Bình luận