• Zalo

COVID-19: Trăm bệnh viện Philippines quá tải, Thái Lan lập kỷ lục số người chết

Thời sự quốc tếThứ Ba, 10/08/2021 10:42:39 +07:00 Google News
(VTC News) -

Tình hình dịch bệnh ở các nước Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp khi biến thể Delta tiếp tục lan rộng.

Hôm 9/8, Philippines ghi nhận 8.900 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên 1.667.714 trường hợp. 

Số người chết vì dịch tại Philippines tăng lên 29.128 khi có thêm 6 trường hợp mắc COVID-19 thiệt mạng được báo cáo. 

Philippines, quốc gia với dân số 110 triệu người xét nghiệm cho hơn 16 triệu dân kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020. 

Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết các bệnh nhân nhập viện ở Philippines hiện tại ở đủ mọi lứa tuổi và làn sóng COVID-19 mới đang đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước lên mức nguy cấp một lần nữa. 

COVID-19: Trăm bệnh viện Philippines quá tải, Thái Lan lập kỷ lục số người chết - 1

Số ca bệnh ở Philippines dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới. (Ảnh: Reuters)

Theo Bộ Y tế Philippines, gần 1/5 bệnh viện ở Philippines đã sử dụng gần như hết công suất trong bối cảnh biến thể Delta tăng mạnh. 

Số ca mắc COVID-19 ở cả các nhóm tuổi đã tăng 59% trong hai tuần gần đây trong khi số ca bệnh trong ngày luôn duy trì ở mức 8.000-10.000.

Bà Vergeire dự báo số ca bệnh sẽ còn tăng tăng thời gian tới bất chấp lệnh phong tỏa đang được áp dụng cho vùng đô thị Manila. 

Malaysia hiện là vùng dịch thứ 3 ở Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines. 

Dù là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới, Malaysia vẫn đang phải chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 với số ca mắc và số ca tử vong ở mức cao.

Với 17.236 ca COVID-19 được báo cáo hôm 9/8, nước này hiện có tổng cộng 1.279.776 ca bệnh. 

Số người chết vì dịch tại Malaysia hiện là 10.961 trường hợp. 

Hồi cuối tháng 7, Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah dự đoán dịch bệnh COVID-19 ở nước này sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới/ngày.

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, giới chức y tế Malaysia cho biết nước này sẽ nới lỏng một số hạn chế đối với những người được tiêm chủng đầy đủ ở 8 bang đã đáp ứng các tiêu chí như giảm số ca mắc và tỷ lệ tiêm chủng cao.

Các hoạt động như ăn uống tại nhà hàng, thể thao cá nhân ngoài trời và đi lại tại một số bang, có hiệu lực từ ngày 10/8. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ không được áp dụng tại thủ đô Kuala Lumpur và các khu vực lân cận do tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao nhất cả nước.

Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Malaysia đã tăng lên đáng kể từ tháng 7 vừa qua. Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, đến hết ngày 7/8, nước này đã có gần 8,5 triệu người trưởng thành hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine (chiếm 36,3% dân số), trong khi hơn 15,5 triệu người (khoảng 66,4% dân số) đã tiêm ít nhất 1 mũi.

Lực lượng chuyên trách y tế Thái Lan thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận con số kỷ lục người chết vì dịch, 235 trường hợp. 

Xứ chùa vàng cũng báo cáo thêm 19.843 ca bệnh. 

COVID-19: Trăm bệnh viện Philippines quá tải, Thái Lan lập kỷ lục số người chết - 2

Các nhân viên y tế khử trùng tại khu chợ hải sản ở Samut Sakhon. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Chính phủ Thái Lan vẫn đang siết chặt các biện pháp hạn chế trong đó có lệnh giới nghiêm ở nhiều khu vực trên đất nước. Nhưng tốc độ lây lan chóng mặt và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp của nước này khiến tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại. 

Thủ đô Bangkok - một trong những tâm dịch của Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine cho 70% dân số vào cuối tháng này. 

Singapore có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất Đông Nam Á khi 70% dân số của đảo quốc sư tử đã được chích ngừa đầy đủ. 79% dân số nước này được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. 

“Tiêm phòng vẫn là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19 của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai đủ điều kiện hãy đi tiêm chủng”, Bộ Y tế Singapore kêu gọi. 

Thay vì đặt lịch hẹn tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, người dân Singapore có thể tới bất cứ địa điểm nào trong 20 phòng khám cung cấp vaccine này để chích ngừa. 

Ngoài Pfizer/BioNTech, người dân Singapore cũng có thể lựa chọn tiêm vaccine Moderna.

Từ 10/8, Singapore bắt đầu nới lỏng một số hạn chế chống dịch như cho phép những người tiêm chủng đủ 2 mũi tới ăn uống tại nhà hàng theo từng nhóm 5 người. Số người tối đa được phép tham gia một hoạt động sinh hoạt cộng đồng cũng tăng từ 2 lên 5. 

Singapore đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số vào đầu tháng 9. Các chuyên gia dự đoán đảo quốc sư tử cùng Trung Quốc là 2 quốc gia hiếm hoi của châu Á có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.

So với thời kỳ đỉnh dịch với hơn 50.000 ca bệnh, số ca nhiễm nCoV trong ngày của Indonesia đã giảm một nửa. 

Hôm 9/8, nước này ghi nhận 20.709 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 3.686.740 trường hợp. 

Tuy nhiên, số người chết vì dịch ở quốc gia vạn đảo vẫn tăng mạnh với 1.475 người chết được báo cáo trong 24 giờ qua. Indonesia hiện ghi nhận 108.571 ca tử vong vì COVID-19. 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Tổng thống Indonesia Joko Widodo quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ bốn từ ngày 10-16/8 tại hai hòn đảo Java và Bali đông dân.  

Theo ông Widodo, quyết định trên được đưa ra sau khi cân nhắc diễn tiến của một số chỉ số tính đến ngày 1/8. 

Indonesia mới đây đưa ra một số lưu ý mới với chiến dịch tiêm chủng. 

COVID-19: Trăm bệnh viện Philippines quá tải, Thái Lan lập kỷ lục số người chết - 3

Indonesia hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. (Ảnh: AP)

Theo đó, phụ nữ mang thai được phép tiêm vaccine COVID-19 với lý do đây là một trong những nhóm có nguy cơ phơi nhiễm và mắc các triệu chứng nghiêm trọng.

Đến nay, ít nhất 24,21 triệu người trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia đã được tiêm đủ vaccine. 50,63 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên. 

Tốc độ tiêm chủng hiện tại của Indonesia là 755.765 liều/ngày, thấp hơn mục tiêu mà chính phủ đề ra là 1 triệu liều/ngày. 

Từng là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất Đông Nam Á, Brunei đang phải gồng mình chống đỡ làn sóng COVID-19 mới sau hơn 400 ngày không ghi nhận ca COVID-19 cộng đồng nào. 

Hôm 7/8, nước này báo cáo 7 ca COVID-19 cộng đồng đầu tiên kể từ ngày 6/8/2020. Một ngày sau đó, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm 15 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tới này 9/9, số ca cộng đồng trong ngày tăng lên mức kỷ lục 42 trường hợp. 

"So với đợt bùng dịch năm ngoái, lần này chúng tôi không biết nguồn gốc của nhiều trường hợp", Bộ trưởng Y tế Brunei Mohd Isham Jaafar cho biết. Một số ca nhiễm mới ghi nhận liên quan tới một trung tâm cách ly tại khách sạn.

"Đợt bùng phát mới khiến các trung tâm cách ly nhanh chóng bị lấp đầy và các nhà chức trách đang điều tra khả năng những người vượt biên trái phép giữa Brunei và Malaysia là nguồn gốc gây ra các ca mới", ông này nói thêm. 

Các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đã được gửi tới Singapore để xác nhận họ có nhiễm biến thể Delta hay không. 

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn