Người bán thận có thể bị lừa đảo
Hiện nay, các hoạt động môi giới mua, bán mô, bộ phận cơ thể như thận, tinh trùng, noãn vẫn đang ngầm diễn ra.
Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động này không hề dễ dàng do bên mua bán có những thỏa thuận ngầm. Pháp luật chỉ được thực thi tốt dựa vào bản lĩnh, đạo đức của bác sĩ, của chính những mỗi người khi ý thức về giá trị của bản thân.
Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Thưa ông, hoạt động mua bán mô, bộ phận cơ thể người, cụ thể là mua bán thận, bán tinh trùng, noãn ngày ngày vẫn diễn ra. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hoạt động này?
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định nghiêm cấm việc lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác. Luật cũng quy định cấm việc ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.
Ngoài ra, hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác hay lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại hay quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại... cũng bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, thực tế, do nhu cầu nhận thận hay tinh trùng, noãn của người sống không cùng huyết thống vẫn có. Việc hiến thận từ những người chết não còn hạn chế. Vì vậy, có cầu ắt có cung nên nhiều người khi quá cần tiền đã rao bán cả thận.
Ở đây, có thể xem thận là loại “hàng hóa” đặc biệt. Việc bán thận cũng là quyền nhân thân và là tài sản riêng của mỗi người.
Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh đạo đức và pháp luật thì việc mua bán thận lại không được phép. Vì khi bán một phần cơ thể của mình có nghĩa là người khó khăn, người nghèo đã phải bán cả sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình cho người có tiền mua thận.
Do đó, việc này đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, đến trật tự, an toàn xã hội.
Mặc dù Luật quy định như vậy, nhưng thực tế nhiều trường hợp cả người mua và người bán mang quốc tịch Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi này. Họ có bị xử phạt không và sẽ xử phạt thế nào, thưa ông?
Về nguyên tắc pháp luật, có quy định về hiệu lực không gian lãnh thổ. Nếu hành vi diễn ra ở Việt Nam thì xử lý theo pháp luật Việt Nam; và nếu hành vi mua bán diễn ra ở nước nào phải xử lý theo pháp luật của nước đó.
Liên quan đến các vụ việc này, nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản riêng công dân hay đưa người ra nước ngoài trái phép diễn ra ở Việt Nam thì vẫn xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Như vậy theo ông nói thì rất khó xử phạt người mua và người bán thận nếu họ đưa nhau ra nước ngoài để ghép. Nhưng nếu họ làm “chui” ở ngay Việt Nam thì sao?
Nếu ghép thận hay bộ phận cơ thể người ở Việt Nam, người bán và người mua có thể lách luật. Người mua và người bán thống nhất khai báo để tạo hồ sơ với những mối quan hệ thân nhân giả mang tính hiến tặng và nếu kiểm soát không chặt chẽ, có thể cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không biết được, vô hình trung thừa nhận thủ tục quan trọng này.
Tuy nhiên, để có hành vi làm chui được như vậy ngoài bên mua, bán thận còn có bên thứ 3 tham gia hoạt động này là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện và được Bộ Y tế cho phép ghép thận hoặc bộ phận cơ thể người.
Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghiêm túc thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục của pháp luật, họ có thể phát hiện ai mua bán, ai hiến tặng thật sự. Ví dụ như một người ở Tiền Giang mà hiến cho một người ở Lào Cai thì cần đặt dấu hỏi giữa họ có mối quan hệ như thế nào?
Do đó, trừ phi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này cố tình làm sai mà thôi.
Thêm vào đó, tôi cho rằng, rất khó để mua chuộc cả một ekip phẫu thuật để họ làm sai quy định. Có thể mua chuộc được 1 người chứ ngần ấy người trong ekip thì khó lắm.
Hơn nữa, các bác sĩ, kỹ thuật viên không dễ dàng làm sai khi phải đánh đổi cả địa vị xã hội, danh tiếng, uy tín của họ để làm việc đó. Với mỗi trường hợp trước khi ghép, bệnh viện còn phải họp hội đồng chuyên môn xem xét về thủ tục hành chính và chuyên môn để thống nhất chứ đâu có đơn giản. Sinh viên Tô Công Luân đã tử vong trước ngày cưới không lâu vì bán thận mình. Luân vì cần tiền cưới vợ đã đồng ý bán và sang Trung Quốc ghép thận. Người ta đã không hay biết Luân mắc chứng bệnh máu khó đông, một trong những chứng bệnh không thể cho thận. Luân được đưa về VN trong tình trạng suy kiệt, vài tuần sau thì qua đời.
Có lẽ vì thế mà người Việt hay chọn giải pháp ra nước ngoài để ghép thận. Thưa ông, những nguy cơ nào khi ghép thận tại nước ngoài?
Pháp luật Việt Nam khuyến khích lấy mô, bộ phận cơ thể từ người chết não nhưng con số này còn rất ít. Nên chủ yếu vẫn là bố mẹ hiến cho con, con cho bố mẹ, anh em cho nhau vì có cùng huyết thống. Do đó, một số người đã thỏa thuận ngầm trước, cùng nhau ra nước ngoài thực hiện việc ghép. Việc lấy, ghép này có nhiều nguy cơ:
Thứ nhất là nguy cơ về sức khỏe. Chỉ nói riêng về việc bán thận, chúng ta hãy hình dung thế này, một người có hai quả thận và cả hai quả thận này đều phải cùng hoạt động thì mới lâu dài, còn nếu như một quả hoạt động thôi thì chắc chắn sẽ phải làm thay cho quả thận kia, từ đó dẫn đến dễ hỏng.
Nói cách khác, trong cơ thể mỗi người có hai quả thận để lọc và thải ra những chất độc hại trong cơ thể, tạo hồng cầu và điều hòa huyết áp (10% người bị cao huyết áp là do bệnh thận).
Thứ hai là nguy cơ về khả năng lao động. Người mất đi một quả thận sẽ mất ít nhất 50% khả năng lao động và 41% sức khỏe, dễ bị suy thận.
Khi ghép thận người ta thường chọn người cho là những thanh niên còn trẻ, khỏe để quả thận dễ thích nghi và ít bị đào thải hơn so với quả thận của những người lớn tuổi…
Hay về hậu phẫu, với một ca mổ để lấy, ghép thận, người bệnh phải được nghỉ ngơi, an dưỡng ít nhất là 3 tháng để sức khỏe trở lại tương đối bình thường và phải mất 6 tháng thì sức khỏe mới thực sự trở lại bình thường.
Thứ ba là nguy cơ về kinh tế, tiền mất tật mang vì khi thực hiện hành vi này rất khó để người mua và người bán tìm đến nhau mà thông thường phải có đường dây. Do đó, người bán chỉ được ít tiền, còn lợi nhuận lại thuộc về người môi giới và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài đó.
Và nếu có ra nước ngoài làm thì người bán thận cũng gặp nhiều rủi ro, trong đó có nguy cơ là nếu bị lấy thận xong chỉ trong một thời gian ngắn đã bị đẩy ra khỏi bệnh viện để về nước mà không kịp phục hồi sức khỏe.
Cần xây dựng hệ thống dữ liệu người hiến tinh trùng
Hoạt động mua bán tinh trùng như ông nói là hành vi bị nghiêm cấm, nhưng thực tế ngoài việc bán tinh trùng, một người có thể bán nhiều lần. Vậy làm sao để tránh hành vi trên?
Về mặt pháp luật là cấm bán tinh trùng, noãn mà chỉ cho hiến, tặng. Khi đến hiến, người hiến sẽ được cơ sở chuyên khoa khám xem có khỏe mạnh hay không. Nếu đáp ứng được về sức khỏe thì kiểm tra chất lượng tinh trùng, noãn. TS. Nguyễn Huy Quang,
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
Sau đó, cơ sở sản khoa sẽ sàng lọc, lưu trữ tinh trùng. Những tinh trùng này sẽ được mã hóa. Như vậy không có chuyện lấy tinh trùng của người này cho trực tiếp người kia mà họ chọn ngẫu nhiên trong hàng ngàn mẫu.
Các cơ sở sản khoa lấy tinh trùng bao giờ cũng phải ghi tên, tuổi, địa chỉ, chứng minh thư hay hộ chiếu của người hiến. Tất nhiên có sàng lọc, một người chỉ hiến được 1 lần tại cơ sở đó. Nếu hiến lần thứ 2 cũng không được vì tên đã được lưu trong cơ sở dữ liệu.
Nhưng nếu người đó đi cơ sở khác bán thì sao, thưa ông?
Trên thực tế cũng có thể có việc này. Hiện nay, Bộ Y tế chưa có cơ sở dữ liệu chung về hiến tinh trùng và được kết nối giữa các cơ sở sản khoa. Năm ngoái, chúng tôi có đề nghị Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cần chủ trì xây dựng hệ thống thông tin giữa các cơ sở sản khoa để có cơ chế giám sát chặt chẽ quản lý vấn đề này.
Hiện có khoảng 13 – 14 cơ sở được phép thụ tinh trong ống nghiệm. Hà Nội có 3 đơn vị: Phụ sản TW, Phụ sản Hà Nội, và Viện Quân y 103. Ngoài ra còn có các cơ sở sản khoa được phép khác ở Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Huế, Bình Dương, Cần Thơ. TP.HCM….
Nếu muốn “lách” để bán được nhiều lần thì người hiến sẽ phải đi rải khắp ngần đấy cơ sở, vừa tốn kém tiền bạc, sức khỏe bị hao mòn, mất thời gian mà tiền bán lại chẳng cao và chuyện này cũng không phải đơn giản.
Nhưng nếu hoạt động mua bán vẫn diễn ra thì có biện pháp gì? Vì thực tế qua điều tra của chúng tôi, tại cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn có một đội ngũ cò móc nối việc mua bán tinh trùng, noãn.
Việc công khai bán tinh trùng ở ngoài cổng bệnh viện tôi cho rằng không nhiều. Tinh trùng tạm gọi là “hàng hóa đặc biệt” và khi hiến cần phải thông qua 1 cơ sở phụ sản để thực hiện. Phải có bên thứ 3 tác động thì cuộc “buôn bán” này mới thành công.
Nếu đúng như thế thì cơ sở sản khoa, bác sỹ, nhân viên y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Và nếu bắt được thì sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Tâm (thực hiện)
Công khai mua bán bộ phận cơ thể: Bộ Y tế nói gì?
(VTC News) – TS. Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chính thức lên tiếng về việc rộ lên tình trạng mua bán cơ thể người như VTC News phản ánh.
(VTC News) – TS. Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chính thức lên tiếng về việc rộ lên tình trạng mua bán cơ thể người như VTC News phản ánh.
TS. Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Nếu có ra nước ngoài, người bán thận cũng gặp nhiều rủi ro, trong đó có nguy cơ: bị lấy thận xong chỉ trong một thời gian ngắn đã bị đẩy ra khỏi bệnh viện để về nước, không kịp phục hồi sức khỏe.
Bình luận