Các nhà lãnh đạo thế giới hôm nay (5/1) tiếp tục bày tỏ lo ngại cũng như tranh thủ mọi kênh ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3/1, khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Thiếu tướng Qasem Soleimani thiệt mạng.
Tổng thống Iraq Barham Saleh hôm qua (4/1) tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, trong khi Thủ tướng tạm quyền Abdel Mahdi cảnh báo, vụ không kích của Mỹ sẽ khơi mào cho một cuộc chiến tranh tàn khốc tại Iraq.
Bầu không khí căng thẳng bao trùm không chỉ khắp Iraq, Iran, Mỹ mà toàn Trung Đông. Lực lượng dân quân Hachd Al-Chaabi, gồm chủ yếu các tay súng người Hồi giáo dòng Shiite ủng hộ Iran và được sáp nhập vào quân đội chính quy Iraq hồi năm ngoái đã ngay lập tức kêu gọi các tay súng sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite có ảnh hưởng tại Iraq Moqtada Sadr cũng bắt đầu tập hợp lại lực lượng Quân đội Mehdi, bị giải tán cách đây 1 thập niên sau khi quân đội Mỹ rút khỏi năm 2011.
Mọi kênh ngoại giao đều đang được huy động nhằm thúc đẩy các bên kiềm chế các hành vi làm leo thang hơn nữa căng thẳng. Trong khi Ngoại trưởng Qatar Abderrahmane Al-Thani, quốc gia vốn có quan hệ thân thiết với Iran, song cũng là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, đang có mặt tại Iran, thì Quốc vương Saudi Arabia Salman và Tổng thống Pháp Macron cũng liên tục điện đàm với Tổng thống Iraq Berham Saleh. Theo Chính phủ Pháp, nước này sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng ở Iraq và khu vực.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin nhấn mạnh: “Đây là bước tiếp theo của những căng thẳng leo thang trong nhiều tháng qua. Điều đang xảy ra cũng chính là điều mà chúng tôi lo sợ. Ưu tiên hàng đầu lúc này là ổn định khu vực, cũng như tạo điều kiện phù hợp cho hòa bình và ổn định. Chúng tôi sẽ liên lạc với tất cả các đối tác trong khu vực, bởi những căng thẳng này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Đó là hậu quả đối với hòa bình khu vực, đối với liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đối với cuộc chiến toàn cầu chống phổ biến hạt nhân”.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng ngày kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế và giảm leo thang ở Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ Trump ra lệnh không kích sân bay quốc tế Baghdad. Ông Morrison xác nhận Tổng thống Mỹ không cảnh báo trước các đồng minh về cuộc không kích nhưng Australia biết Mỹ lo ngại một số hành động của Iran.
“Australia tiếp tục hối thúc các bên liên quan kiềm chế và duy trì liên lạc thường xuyên với các đối tác. Mục tiêu của chúng tôi vẫn là một Iraq thống nhất và ổn định. Australia sẽ tập trung nỗ lực bảo đảm an toàn cho vào các nhân viên quốc phòng và ngoại giao Australia tại Trung Đông và tiếp tục theo dõi tình hình khu vực hết sức chặt chẽ”, ông Morrison nói.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab kêu gọi tất cả các bên giảm căng thẳng, trong khi Chính phủ Đức một lần nữa bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, đồng thời hối thúc Mỹ và Iran tìm kiếm giải pháp thông qua con đường ngoai giao. Người đứng đầu ngành ngoại giao Liên minh châu Âu Josep Borell thì cảnh báo bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào nữa đều có nguy cơ phá hủy nhiều năm nỗ lực ổn định Iraq.
Bình luận