Thấy con được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Lý của trường, anh Đoàn Văn Bình (Đống Đa, Hà Nội) mừng rơn. Trước đây, anh vốn chẳng kỳ vọng nhiều vào cậu con trai “không có ý thức rõ rệt trong học tập” nhưng khi thấy con được cô giáo xếp vào “những bạn có triển vọng về môn Lý”, anh nghĩ ngay đến việc đầu tư cho con thi chuyên. Anh nhờ người tìm thầy dạy Lý giỏi và xin cho con vào học cùng nhóm học sinh đang ôn để thi chuyên Lý.
Ban đầu, bài tập ở lớp chưa nhiều nên Thanh Tú có thời gian luyện Lý, cậu hoàn toàn theo được các bạn giỏi của lớp ôn chuyên này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bài tập trên lớp, bài tập đi học thêm quá nhiều khiến cậu mệt nhoài. Không có thời gian nhiều để làm những bài tập nâng cao của thầy, hơn nữa, càng ngày, kiến thức ôn thi chuyên càng khó khiến cậu vô cùng nản.
Cậu cảm thấy việc thi chuyên là quá sức của mình. Bởi, học với các bạn giỏi, các bạn có “bộ óc siêu đẳng” nên thầy lướt qua kiến thức rất nhanh mà yêu cầu học sinh làm luôn các bài tập khó, vì thế mà học trong lớp nhưng nhiều khi Thanh Tú không hiểu thầy nói gì, không thể hoàn thành các bài tập thầy giao.
Trong khi đó, việc học thêm ở lớp ôn thi chuyên này mất khá nhiều thời gian. Cùng với việc đến lớp luyện chuyên mà nghe thầy giảng như “vịt nghe sấm” khiến Thanh Tú vô cùng chán nản. Cậu dè dặt xin với bố nghỉ lớp ôn thi chuyên để tập trung ôn thi vào lớp 10 nhưng anh Bình quát con ầm ầm. Anh yêu cầu con bằng giá nào cũng phải học thêm để thi chuyên. Anh luôn nó với con “chỉ cần con cố gắng thêm chút nữa thì tương lai con sẽ rất tươi sáng”.
Thanh Tú hiểu khả năng của mình nên không thể cố gắng được thêm. Cậu cảm thấy mình thiếu tố chất của học sinh có thể thi chuyên được, đó là sự đam mê, yêu thích và có khả năng vượt trội về môn học đó, thích mày mò, khám phá các kiến thức mới, các bài tập nâng cao. Thế nhưng, cậu không bao giờ nói được với bố điều này, bởi chỉ cần vừa mới đề cập đến việc nghỉ học thêm, việc không thi chuyên, bố cậu đã quát mắng ầm ĩ mà không cho cậu có cơ hội giải thích.
Với Thanh Tú, việc đi học ôn thi chuyên lúc này không khác gì tra tấn. Cậu không muốn đến lớp, cậu xấu hổ với những bạn học giỏi giải bài tập nâng cao nhoay nhoáy. Thế nên, ca học nào cậu cũng trốn học thêm bằng việc vào lớp muộn nửa tiếng. Thời gian đó, cậu vào quán net chơi game.
Cậu lường được hậu quả của việc trốn học sẽ đến tai bố. Có thể cậu sẽ bị bố mắng chửi nhưng cậu chấp nhận, quan trọng là cậu sẽ không phải ngồi học ở lớp “không dành cho mình”. Với cậu, đây là cách chống lệnh thi chuyên của bố mẹ hiệu quả nhất, còn hơn là lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, áp lực với những thứ dù cố gắng đến mấy, cậu cũng không bao giờ với tới.
Phụ huynh và học sinh từng gặp tình huống tương tự, mời chia sẻ về email: [email protected]
Bình luận