Chị Nguyễn Hoài, có con đang học lớp 1, trường Tiểu học Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, buổi học đầu tiên sau Tết, gặp lại các bạn qua màn hình điện thoại, con vui mừng reo hò, thi nhau chuyện trò hỏi thăm. Tuy nhiên học được 3 ngày, các con dần dần có những biểu hiện chán nản khi ngồi nghe cô giảng bài trực tuyến.
Con chị Hoài nói lớp rất ồn, âm thanh không rõ, học trực tuyến thông qua điện thoại chữ bé khó nhìn, có hôm hình ảnh bị nhòe, con phải cố gắng căng mắt nhìn gần mới thấy. Ngồi học trước màn hình hơn 4 tiếng, lâu dần khiến mắt của con mỏi.
Điều đó khiến chị Hoài rất lo lắng. Chị chủ động hỏi một số phụ huynh khác xem các con có tình trạng giống thế không. Ngạc nhiên là tất cả những người được hỏi đều cho biết họ thấy trẻ mệt mỏi khi học online và hầu hết các gia đình đều đang cho con học thông qua điện thoại thông minh.
Dù không biết các con sẽ nghỉ ở nhà bao lâu, nhưng thương con, chị "cắn răng" sắm cho cậu con trai máy tính mới, hơn 10 triệu đồng chỉ để phục vụ việc học online.
Hai con của cô Vũ Thị Lâm Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều là học sinh cuối cấp, đứa lớn đang học lớp 12, đứa bé học lớp 9. Trước đây, nhà chỉ cần một máy tính là đủ vì nhu cầu sử dụng không nhiều, nhưng nay hai con học trực tuyến đều phải dùng máy tính, mà mẹ là giáo viên cấp 1 cũng cần máy tính.
Hai con của cô Trang đều có ca học từ 8h đến 11h30 nên không thể dùng chung máy tính. Cực chẳng đã, mới đầu năm gia đình tốn một khoản tiền 20 triệu đồng để mua hai máy tính mới. Bản thân cô rất lo lắng không biết việc học online sẽ kéo dài đến khi nào, sợ các con không đủ năng lực thi vượt cấp.
Trong khi đó, chị Phạm Thu Giang (Linh Đàm, Hà Nội) phải nhường máy tính làm việc hàng ngày của mình cho cậu con trai lớp 4 học trực tuyến và bắt đầu công việc của mình vào đêm khuya khi con đã ngủ.
Nếu dịch bệnh chưa được khống chế, các con vẫn ở nhà và học trực tuyến dài ngày, thì chị dự định sẽ mua thêm máy tính khoảng 5 -7 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng ở giai đoạn này.
Học sinh, sinh viên học trực tuyến cần có đủ thiết bị như máy tính, loa, tai nghe có micro, máy in - một bộ rẻ nhất cũng xấp xỉ 10 triệu đồng. Đối với những gia đình có hai hoặc ba con cùng học một khung giờ đồng nghĩa phụ huynh phải trang bị hai hoặc ba bộ thiết bị phục vụ cho việc học tập đó.
Điều này khiến các hộ gia đình không có điều kiện kinh tế "than trời". Như với gia đình anh Trần Văn Hợi (Ứng Hòa, Hà Nội) thuộc hộ nghèo của xã, thì việc sắm cho con máy tính 7- 8 triệu đồng để phục vụ học trực tuyến rất khó thành hiện thực. Mà ngay cả mua máy tính về anh Hợi cũng không biết làm thế nào để kết nối cho con học. Giải pháp duy nhất chỉ có thể là mua một chiếc smartphone giá rẻ 3 triệu đồng.
Liên quan việc dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường ưu tiên chọn khung giờ tốt nhất để dạy, đặc biệt là lớp 1, do lứa tuổi còn nhỏ, lại là năm đầu tiên thực hiện chương trình phổ thông mới nên giáo viên phải phối hợp thật tốt với phụ huynh.
Trong những ngày học trực tuyến, hầu hết các trường vẫn dạy qua phần mềm Zoom, nhiều phòng học bị lỗi, cô trò, phụ huynh loay hoay mãi mới vào được lớp. Trong quá trình học, nhiều em bị thoát ra, phải đăng nhập lại. Không có sự giám sát của phụ huynh, trẻ nhỏ tuổi không hoàn toàn tập trung vào bài giảng của giáo viên. Trong khi đó, nhà trường thông báo dạy bài mới đến tuần 22 và không dạy lại bài cũ khi trẻ quay lại trường học.
Bí kíp học trực tuyến hiệu quả
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, với lứa tuổi tiểu học, để học có hiệu quả thì phải có sự tham gia của phụ huynh, đặc biệt với học sinh khối lớp 1, 2 vì các em chưa biết cách sử dụng các thiết bị kết nối mạng, cũng như cách tương tác, sử dụng bài giảng hay liên hệ trực tiếp với giáo viên.
Nhiều phụ huynh cũng không muốn con mình sử dụng điện thoại, máy tính nhiều vì sợ con xem phim, chơi game… Do vậy những lúc học nhiều phụ huynh nên ngồi với con vừa để hướng dẫn con thực hiện các thao tác vừa giảng giải thêm bài học cho con.
Với những khối lớn lớp 3, 4, 5 nếu có ý thức tự giác với việc học thì phụ huynh chỉ cần hướng dẫn con trong thời gian đầu, sau đó các em có thể thao tác được.
Tuy nhiên trên thực tế cũng có một vài phụ huynh ít sử dụng thiết bị công nghệ, thậm chí họ không có các thiết bị có thể kết nối mạng nên việc học của học sinh sẽ bị gián đoạn.
Theo cô, phụ huynh không cần phải ngồi với con liên tục ở tất cả các giờ học, vì thực tế rất nhiều người còn bận công việc. Chỉ cần thời gian đầu, khi con tham gia học trực tuyến, thay vì làm thay phụ huynh hãy hướng dẫn con cách sử dụng máy, cách mở bài giảng, tải bài học về. Chỉ cần 2 - 3 tuần đầu là các em hoàn toàn có thể chủ động được việc học của mình.
Ngoài ra, với những phần học bé chưa hiểu, những bài tập khó nếu không thể hỗ trợ được con phụ huynh có thể liên lạc trực tiếp với giáo viên để được hỗ trợ.
Bình luận