• Zalo

Cõi Tây phương cực lạc ở đâu?

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 27/03/2024 06:45:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Tây phương cực lạc là thế giới mà Phật tử hướng đến, được hình dung là chỉ có niềm vui, hoan hỷ, không có thống khổ hay bi ai, vậy cõi Tây phương cực lạc nằm ở đâu?

Bầu trời không mưa đá, không có sương tuyết, chỉ có hoa mạn đà la năm sắc và hương thơm thoang thoảng. Cả miền quốc thổ được kết bằng lưu ly, đường sá toàn bằng vàng ròng. Hoa trời thơm ngát, cây cối chỉnh tể và được trang sức bằng những vật châu báu như vàng, bạc…  

Đó là những miêu tả về cõi Tây phương cực lạc, nơi còn có tên là Tịnh Độ quốc, An Lạc quốc.

Cõi Tây phương cực lạc là gì, ở đâu?

Theo kinh sách Phật giáo, Tây phương cực lạc là một thế giới được tạo nên nhờ nguyện lực và công đức tu tập của Đức Phật A Di Đà. Trong một kiếp sống khi chưa thành Phật, ngài - lúc đó là nhà tu hành Pháp Tạng, phát nguyện rằng sau khi đắc quả Phật sẽ tạo ra một thế giới, biến nó thành một trong những vương quốc thanh tịnh và đẹp đẽ nhất.

Sau khi thành Phật A Di Đà, ngài hoàn thành lời nguyện này và cư ngụ tại thế giới đã tịnh hoá đó, nơi được gọi là Thế giới cực lạc, tịnh độ ở phương Tây. Ngài cùng các vị bồ tát tiếp dẫn chúng sinh đến nơi này. 

Cõi Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà được hình dung là nơi “mười phương cõi Phật cảnh nào cũng thua”, là thế giới chỉ có sự hoan hỷ, không hề tồn tại bi ai, thống khổ, cảnh sắc luôn là mùa xuân trăm hoa đua nở.

“Chúng sinh trong nước ấy không phải chịu nỗi khổ nào mà được thụ hưởng toàn sung sướng an lạc, nên gọi là cực lạc”, kinh Đại A Di Đà chép.

Chúng sinh ở cõi Tây phương cực lạc được giải thoát hoàn toàn khỏi những nỗi đau khổ lớn như sinh - lão - bệnh - tử, ái biệt ly (phải rời bỏ thứ mà mình ưa thích, xa lìa người mà mình thương yêu), oán tăng hội (phải ở gần, ở cùng những người mình ghét), sở cầu bất đắc (không đạt được những điều mình mong cầu)…

Tranh vẽ Phật A Di Đà ở cõi Tây phương cực lạc (xuất xứ Tây Tạng khoảng năm 1700) được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật San Antonio.

Tranh vẽ Phật A Di Đà ở cõi Tây phương cực lạc (xuất xứ Tây Tạng khoảng năm 1700) được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật San Antonio.

Theo kinh Vô lượng thọ, người được vãng sinh đến cõi Tây phương cực lạc sẽ sống ở cung điện, muốn ăn uống thì chén bát tự nhiên hiện ra, tất cả đều làm bằng vàng, bạc, lưu ly…

Để được tới cõi Tây phương cực lạc, chúng sinh cần phát tâm nguyện được vãng sinh vào thế giới này, tin và niệm danh hiệu Phật A Di Đà, sống theo những lời chư Phật chỉ dạy…

Cõi Tây phương cực lạc ở đâu? Theo các kinh sách, thế giới Tây phương cực lạc hay Tây phương tịnh độ là một thế giới nằm ở phương Tây, cách thế giới ta bà của chúng ta 10 vạn ức cõi Phật.

Đối với Phật tử, đây là một thế giới siêu hình và không thể tìm kiếm bằng mắt thường hay đi tới theo cách thức di chuyển thông thường, nhưng chắc chắn hiện hữu. Phật A Di Đà là giáo chủ cai quản thế giới này.

Phật A Di Đà là ai?

A Di Đà là vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. Tên của ngài có nghĩa là Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng công đức. Ngài xuất hiện trước đức Phật Thích Ca rất lâu, còn được gọi là Tiếp dẫn đạo sư (vị đạo sư tiếp dẫn chúng sinh).

Theo kinh Đại A Di Đà, thời rất xa xưa, sau khi nghe một vị Phật thuyết pháp, vị quốc vương tên là Kiều Thi Ca dứt khoát từ bỏ ngai vàng để xuất gia tu hành, lấy hiệu là Pháp Tạng.

Ngài phát ra 48 lời nguyện cứu độ chúng sinh, trong đó có nguyện lớn rằng sau khi tu thành Phật sẽ tịnh hoá một thế giới và biến nó thành một trong những vương quốc thanh tịnh và đẹp đẽ nhất, chúng sinh nào hướng niệm đến ngài sẽ được tiếp dẫn để vãng sinh ở đó.

Sau này ngài hoàn thành đại nguyện và thành Phật A Di Đà. Thế giới tịnh hóa của ngài thường được Phật tử hình dung là chốn Tây phương cực lạc.

Trong các ngôi chùa, bạn có thể nhận ra tượng Phật A Di Đà qua các đặc điểm sau: Trên trên đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, khoác trên người áo cà sa màu đỏ.

Phật A Di Đà có thể ở tư thế đứng, tay phải đưa ngang vai, chỉ lên, tay trái đưa ngang bụng, chỉ xuống, hai lòng bàn tay hướng về phía trước; trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau làm thành vòng tròn.

Một cách phân biệt rõ ràng nhất là Phật A Di Đà trước ngực có chữ Vạn.

NGUYỆT ÁNH(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn