• Zalo

Có quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn không?

Hòm thư pháp luật Thứ Hai, 27/03/2023 11:45:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng nuôi con, mức cấp dưỡng nuôi con sẽ do tòa án quyết định.

Hỏi:

Luật sư cho tôi hỏi, khi chúng tôi giải quyết ly hôn, không thống nhất được mức cấp dưỡng nuôi con. Vậy hiện nay pháp luật có quy định mức cấp dưỡng nuôi con cụ thể không?

Có quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn không? - 1

Hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng nuôi con, mức cấp dưỡng nuôi con sẽ do tòa án quyết định. (Ảnh minh họa)

Trả lời:

Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn là một nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ bắt buộc phải làm đối với con, nếu con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Khi không là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi đã chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng việc đóng góp tiền hoặc hiện vật tương ứng với nhu cầu thiết yếu của con đồng thời phù hợp với khả năng thực tế của mình để bù đắp những tổn thất về mặt vất chất cho con khi con không được chung sống đồng thời với cha và mẹ.

Hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng nuôi con sẽ do tòa án quyết định theo sự thỏa thuận của hai bên hoặc dựa trên các căn cứ như mức thu nhập của hai bên, điều kiện sống, nhu cầu thiết yếu và học tập của người được cấp dưỡng để ấn định mức cấp dưỡng.

Vì thế, khi ly hôn bạn có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi  thành niên 18 tuổi; nếu con thành niên mà không tự nuôi sống được bản thân do bị tàn tật hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có trách nhiệm cấp dưỡng không thời hạn.

Khi tòa án giải quyết, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”.

Thực tiễn khi giải quyết tranh chấp, các tòa án thường vận dụng hướng dẫn tại Công văn số 24/1999/KHXX của Tòa án nhân dân Tối cao trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con.

Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình được quy định rất mềm dẻo, linh hoạt được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tạo điều kiện cho các bên lựa chọn phương thức dễ dàng, thuận lợi, phù hợp nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Theo đó, cấp dưỡng được thực hiện theo hai phương thức sau đây:

Cấp dưỡng theo định kỳ: Đây là phương thức ưu tiên và thường được sử dụng trên thực tế. Các bên được thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản theo phương thức định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm.

Cấp dưỡng một lần: Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần được quy định rất cụ thể tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 70/2001 của Chính phủ.

Việc lựa chọn phương thức nào trước hết dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết căn cứ vào mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng trừ trường hợp cấp dưỡng cho con sau khi cha mẹ li hôn theo Nghị quyết 02/2000 của HĐTPTANDTC, khi các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Văn phòng luật sư Kết Nối

H.D
Bình luận
vtcnews.vn