• Zalo

Có nên cho người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch?

Bất động sảnThứ Bảy, 15/08/2020 13:03:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, nên để người nước ngoài sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam, chỉ hạn chế ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý về việc nên hay không nên nới giới hạn “trần” sở hữu nhà trong dự án nhà ở thương mại với tổ chức, cá nhân nước ngoài bao gồm cả việc mua căn hộ du lịch (condotel). Nội dung này nhận được nhiều ý kiến từ giới chuyên gia.

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Việc mở cửa thị trường cho người nước ngoài sở hữu là một kênh thu hút vốn hiệu quả.

TS. Hiếu phân tích, đối với loại hình nhà ở thương mại, nên dỡ bỏ trần sở hữu, không phải 30% mà có thể hơn. Trước đây, nhiều ý kiến lo ngại cho người nước ngoài sở hữu vượt 30% sẽ tạo ra một “làng” riêng, khó quản lý hành chính. Tuy nhiên, họ sống trên đất Việt Nam, chịu sự quản lý của chính quyền địa phương và phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, nên nới trần là điều không đáng lo ngại.

Còn đối với bất động sản nghỉ dưỡng, nên dỡ rào cản, cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài làm việc lâu dài ở Việt Nam (từ 3 năm trở lên) được mua loại hình BĐS này. Đây chính là lời giải cho bài toán BĐS nghỉ dưỡng trong thời điểm khó khăn hiện nay, khi nhà đầu tư trong nước thờ ơ với condotel, khách du lịch nước ngoài chưa trở lại Việt Nam được.

"Để người nước ngoài sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam, chỉ nên hạn chế ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng và có yếu tố chính trị" TS. Hiếu nêu ý kiến.

Trong khi đó, trả lời VTC News, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, hiện nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào dự án du lịch dưới dạng condotel, mặc dù pháp luật còn chưa rõ ràng nhưng nhà đầu tư nước ngoài đồng ý với thời hạn sử dụng đất 50 năm và họ có tiền đầu tư thì không có gì cản trở.

"Điều này tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu sản phẩm như mô hình ngôi nhà thứ 2, để từ đó họ tham gia vào kinh doanh với tư cách cá nhân, khai thác lợi nhuận từ sản phẩm mà mình sở hữu, đó là điều pháp luật cần mở rộng", ông Võ nói.

Có nên cho người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch? - 1

Có nên cho người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch? (Ảnh minh họa)

Số liệu mới đây của HoREA cho thấy, tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 5 năm qua (2015-2020) của 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn, có tổng cộng 12.335 ngôi nhà, căn hộ đã được bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, riêng TP. HCM là 10.020 ngôi nhà và căn hộ, chiếm 81,2%.

HoREA nhìn nhận, nếu 17 tập đoàn và doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 70%-80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài thì có thể ước lượng số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua trên phạm vi cả nước vào khoảng 14.800 - 16.000 căn.

Đối chiếu với số liệu trong báo cáo thị trường BĐS cả nước 10 năm (2009-2019) của Bộ Xây dựng cho thấy, đã có 5.000 dự án nhà ở với 3,774 triệu căn nhà, bình quân mỗi 5 năm phát triển được khoảng 787.000 căn nhà. Nếu so sánh với số lượng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua, chỉ chiếm 2% tổng số nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA nói rằng, sở dĩ số lượng người nước ngoài mua căn hộ không nhiều như kỳ vọng bởi phần lớn người Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản… thường lựa chọn thuê nhà.

Người nước ngoài có xu hướng mua nhà thường đến từ một số nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn