• Zalo

Chuyện thú vị quanh những cây hồng tiến vua sắp tuyệt chủng ở Phú Thọ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 11/10/2019 11:23:00 +07:00 Google News

Phú Thọ có 3 đặc sản tiến vua là gà chín cựa, cá anh vũ và hồng Hạc- một loại hồng cổ có từ xa xưa, chỉ còn vài chục cây cuối cùng.

Miếng ngon nghẹn nơi cuống họng

Tôi viết những dòng này khi trí não vẫn còn hồi tưởng đến vị ngon của mấy miếng hồng Hạc mà ông Nguyễn Hữu Yết, 88 tuổi, ở xóm Quế, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì đưa cho. Ông chính là người có vườn hồng Hạc lớn nhất tỉnh Phú Thọ với 3 cây già 60 - 80 tuổi trong đó 1 cây đang ốm yếu, 10 cây trẻ hơn, chừng 15 - 20 tuổi. Tất cả đều vẫn cho quả nhưng khá thất thường và năng suất rất thấp…

WaterMark_09102019135720812

 Ông Yết đang thưởng hồng.

Quả hồng trên tay ông vừa bổ ra, một chú ong ở đâu đã vo ve bay vào nhăm nhe đòi hút mật. Tôi nhặt miếng hồng đặt lên môi. Giòn sần sật. Ngọt thanh tao. Thơm thoang thoảng. Ăn xong mà các ngón tay vẫn còn chút “cát” đường dấp dính. Trong phút chốc tôi bỗng có cảm giác mình đã trở thành vua với ngai vàng, thị nữ vây quanh thế nhưng lời của ông Yết kéo tôi về với thực tại đầy mong manh của loại đặc sản này.

Hồng hạc là thứ quả độc đáo có một không hai bởi hình dáng vuông vức, chia cạnh rõ bởi thế mâm đội lễ tiến vua thủa xưa xếp được cao có ngọn mà không hề bị xê dịch. Trước ngày hòa bình lập lại, ở vùng ngã ba sông của thành phố Việt Trì tồn tại rặng hồng Hạc trải dài tới 4 - 5km với hàng ngàn cây hồng cổ. Nhà nào có vườn hồng coi như sở hữu một “niêu cơm Thạch Sanh” không bao giờ vơi cạn bởi 1 cây hồng giống thời đó đổi được 3kg gạo, 1kg quả đổi được 1,5kg gạo. 

WaterMark_1010201914141669

 Bổ miếng hồng Hạc có nhiều "cát" bên trong.

Thế rồi những năm mở cửa, nhà máy, lò gạch bung ra, khói tỏa vần vũ cả ngày lẫn đêm trên bầu trời thành phố. Ngột ngạt nhưng người vẫn yêu nhau, sinh con, đẻ cái được còn hồng Hạc thì không. Cành khô, lá rụng, dẫu chúng có ra hoa cũng chẳng thể đậu quả, quả nào còn sót lại thì nhỏ bé, còi cọc đến thảm thương. Các nhà vườn nản lòng, bỏ bê rồi dần dần chặt bỏ hồng Hạc.

Điều tra của UBND thành phố Việt Trì năm 2005 chỉ có 249 cây hồng Hạc có cho thu hoạch trong đó 27 cây được đánh giá là ưu tú và xuất sắc còn khả năng làm giống được, tập trung ở các xã phường Phượng Lâu, Dữu Lâu, Vân Phú, Trưng Vương… Từ năm 2000 đến cuối 2005 toàn thành phố đã trồng mới được trên 5.500 cây theo hai phương thức là dân tự trồng và triển khai từ các chương trình. Năm 2008, Việt Trì còn xây dựng dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển giống hồng Hạc” nhưng không thuyết phục được cấp trên để cho thực hiện.

WaterMark_0910201913574033 3

Để có được mâm hồng Hạc trưng bày thế này, Phú Thọ phải thuyết phục mãi ông Yết mới bán cho. 

Hồng Hạc không chín vào dịp tháng 8 âm lịch như các loại hồng đại trà khác mà sau đó chừng gần 1 tháng bởi thế mà có năm tỉnh Phú Thọ tổ chức thi tuyển cây hồng không hạt đúng vào dịp rằm trung thu, nó đành phải chịu tiếng oan khi chỉ đạt giải ba.

Năm 2017 có 100 cây đầu dòng, bố mẹ được bồi dục gồm 80 cây ở xã Kim Đức và 20 cây ở xã Trưng Vương. Riêng số phận những cây hồng tiến vua có độ tuổi từ 7 - 10 năm ở xã Kim Đức thật hẩm hiu. Chúng được trồng cả trên đồi khô đất cằn, bị bỏ hoang không ai chăm sóc và đang có hiện tượng bị chết dần.

Sau khi tiến hành cấp cứu khẩn cấp bằng tưới bón, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa tạo tán… nhằm đảm bảo sức khỏe chúng được chuyển tới trồng ở các vị trí mới như Phượng Lâu, Tiên Cát, Nông Trang, Trưng Vương, Thanh Miếu. Tổng kinh phí của đợt bảo tồn, hỗ trợ giống và phát triển cây hồng Hạc này là 100 triệu.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Miền núi phía Bắc, cả tỉnh Phú Thọ chỉ còn 249 cây hồng Hạc trên 25 tuổi, nhiều cây trong đó đang bị ốm yếu, lão hóa, số lượng trồng mới gần như không đáng kể.

Năng suất quá thấp nên hồng Hạc gần như không xuất hiện trên thị trường, các nhà vườn hầu như chỉ dành để cho con cháu ăn và biếu họ hàng, người quen là vừa hết.  

Nhạt lòng với hồng cổ

Bởi không có hạt nên từ thượng cổ tới giờ chỉ có mỗi một cách để nhân giống hồng Hạc là cắt rễ ra ươm. Theo kinh nghiệm của ông Yết, mỗi cây lấy hai cái rễ dài 50 - 70cm, to bằng cái đũa rồi cắt nhỏ ra từng đoạn chừng một gang tay dâm vào đất. Năm đầu tiên chỉ 80% số rễ sống sót, năm thứ hai 60%, năm thứ ba 30 - 40%. Ba năm cũng là thời điểm thích hợp để đánh cây lên trồng. Khi trồng xuống rồi tỷ lệ chết của hồng Hạc cũng không ít.

WaterMark_10102019141444682 4

 Quả hồng Hạc hình vuông và chia múi rõ rệt.

Hàng năm ông Yết đều tỉ mẩn lấy đất ruộng phơi khô, đập nhỏ, trộn với phân chuồng bón quanh gốc cho hồng “ăn”, thỉnh thoảng lấy nước giải ngâm kỹ, pha loãng tưới cho hồng “uống”.

Dù chăm bón đến cỡ nào thì cây vẫn chỉ thủng thẳng phát triển một cách chậm rãi không thể chậm rãi hơn. 7 năm chúng mới ra hoa bói. 10 năm mới có tương đối quả.  20 năm mới đào được rễ lên để nhân giống và cách mấy năm mới được đào lại kẻo suy kiệt mà chết bất đắc kỳ tử. Tóm lại, công phu chẳng kém gì trồng cây nhân sâm trong truyện Tây Du Ký cả. 

WaterMark_09102019135746737 5

 Cây hồng 70 tuổi nhà ông Yết.

Mỗi năm ông Yết có thể nhân được vài ba chục cây, mỗi cây bán cỡ 200.000 đồng nhưng chẳng mấy khi có người đặt mua nên gần đây ông cũng không buồn nhân nữa. Đến ngay cả đất tổ của hồng Hạc là xã Trưng Vương thành phố Việt Trì số lượng cây cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay với vài hộ có 1 - 3 cây, duy nhất ông có hơn 10 cây. Mảnh đất hương hỏa năm xưa của bố ông rộng tới 2 mẫu giờ cũng bị phân ra thành 10 mảnh nhỏ cho anh em, con cháu ở.

Vừa rồi tổng kết 10 năm nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ đặt mãi ông Yết mới nể quá bán cho mấy chục kg hồng để trưng bày, biếu cho khách trung ương, các tỉnh đến cùng thưởng thức. Ăn xong nhiều người nhận xét cái giá 50.000 đồng/kg là quá thấp so với chất lượng của hồng tiến vua mà phải cỡ 200.000 đồng/kg trở lên mới xứng đáng.

Trước khi cho chặt hạ một cây hồng cổ để xây nhà, ông Yết đều đắn đo, cân nhắc. Vết dao chặt vào thân cây như cứa vào chính da thịt mình bởi ông nhớ lời bố dặn trước lúc lìa đời rằng: “Hễ cây nào già yếu quá thì con cố gắng trồng mới vào một cây thay thế chứ không có việc gì thì đừng chặt”. Thời mưa bom, bão đạn chống Mỹ bố con ông phải đào hầm chữ A trong vườn nhưng vẫn tránh từ cái rễ tránh đi nhưng thời buổi này, người sinh ra mà đất không đẻ được. Lời bố dặn ông vẫn nằm lòng mà không thể làm sao khác được…

Tháng hai lây phây mưa bụi cũng là lúc vườn hồng Hạc khẳng khiu, trụi lá bỗng bật lộc. Chồi ra đến đâu hoa nảy đến đó. Quả hồng nhu nhú thành hình, mới đầu chỉ nhỏ như một hạt ngô non. Hít khí trời, uống dưỡng chất từ đất chúng bắt đầu lớn, căng nây từ sau rằm tháng tám đến giữa tháng 9.

Ông Yết tiết lộ, muốn có vị ngọt, ngon thơm, ăn giòn sần sật sau khi thu hái hồng Hạc phải để một ngày cho khô hết nhựa bên trong rồi mới đem ngâm, nếu ngâm ngay sẽ bị long “tai”. Nước ngâm cũng phải thật sạch, thường là nước giếng đồi chứ ít khi dùng nước máy, nước sông và dụng cụ để ngâm tốt nhất phải là vại sành…

Thời gian của quả hồng chìm nổi trong nước là 2 ngày 3 đêm nếu thu hoạch trong tháng 8 và 3 ngày 3 đêm nếu thu hoạch trong tháng 9. Hễ thiếu thì chát mà thừa dễ hỏng. Hồng ngâm xong, vớt ra lại phải để 1 ngày 1 đêm cho thật ráo nước mới sẵn sàng cho thưởng thức.

WaterMark_09102019135754285 6

 Một cây hồng Hạc mới được di thực về.

Xưa, đĩa hồng Hạc đầu vụ trước tiên để dâng lên cúng ông bà rồi mới chia cho con cháu. Thời khắc thưởng thức loại đặc sản này ngắn ngủi chỉ có khoảng 15 - 20 ngày trong năm lại không phải cứ có tiền mà mua được nhưng người nào đã có dịp ăn đều háo hức chờ đợi vụ hồng năm sau. Nếu may mắn, biết đâu đấy, lại tìm thấy hồng Hạc như được gặp một cố nhân.

Nguồn: Dương Đình Tường (Nông nghiệp Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn