Trả lời phỏng vấn VTC News, BLV Ngô Quang Tùng cho rằng tiền bạc chỉ là một phần lý do khiến SC Heerenveen không giữ Văn Hậu. Mấu chốt là đội bóng Hà Lan không nhìn thấy khả năng sinh lợi nhuận từ thương vụ Văn Hậu nên mới không đi đến thỏa thuận chung với Hà Nội FC.
- Trong tuyên bố chia tay, phía Heerenveen nói dù Hậu có khả năng nhưng CLB không có tiền trả lương cho Hậu. Điều đó có mâu thuẫn không khi Hà Nội FC tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ trả lương cho Văn Hậu, đi kèm điều kiện chuyên môn?
Vấn đề là Hà Nội FC, Văn Hậu và Heerenveen không tìm được tiếng nói chung trong việc ký tiếp thỏa thuận cho mượn này. Tôi cho rằng vấn đề tài chính quyết định nhất, nhưng không chỉ là tiền, mà còn là chuyên môn.
Heerenveen là đội bóng mua cầu thủ trẻ ở độ 19-21, đào tạo vài năm rồi sẽ bán. Họ tìm kiếm con số dương trong các thương vụ chuyển nhượng, đấy là yếu tố ảnh hưởng, bởi có thể Heerenveen không nhìn thấy lợi nhuận và tiềm năng thành công ở thương vụ đầu tư cho Văn Hậu.
Nếu đã đầu tư cho Văn Hậu, Heerenveen phải thu được hoặc là tiền bạc, hoặc là chuyên môn. Nếu không thu được một trong hai giá trị đó, làm sao Heerenveen có thể ký bản hợp đồng có lợi cho Văn Hậu được?
Việc SC Heerenveen mượn Văn Hậu, Hà Nội FC cam kết hỗ trợ lương là thực tiễn, nhưng rõ ràng là yêu cầu Hà Nội FC gửi đến CLB đang dùng Văn Hậu là rất khó.
BLV Quang Tùng
SC Heerenveen không có trách nhiệm đào tạo hộ Hà Nội FC hay bóng đá Việt Nam. Họ cần Văn Hậu đá cho đội hình chính, đá trong 6 tháng đến 1 năm, sau đó mua lại bản hợp đồng của Văn Hậu, nâng cấp cậu ấy rồi bán được. Mục tiêu đó thiết thực nhất với CLB như Heerenveen.
Đó là truyền thống, đường đi của họ với cầu thủ trẻ.
Nên khi quyết định trả Văn Hậu về, vấn đề của Heerenveen là tiền rồi, nhưng có thể có những phần trăm nữa là Heerenveen không chắc thương vụ ấy ở khả năng nâng cấp Hậu cho tương lai để bán cho bên khác. Nếu Heerenveen tiếp tục mượn Văn Hậu, điều đó có nghĩa Hà Nội FC thành công khi đội bóng thu lại lợi nhuận, cầu thủ đá được ở giải Hà Lan, có đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Nhưng với Heerenveen, họ mua cầu thủ để nâng cấp và bán. Đó là lý do họ không nhận. Họ thấy rủi ro, không nhìn ra khả năng gia tăng giá trị của Văn Hậu. Heerenveen không đá để vô địch Hà Lan, nhiệm vụ này chắc chỉ chiếm 5% đến 10% mục tiêu của họ.
Đây là đội mà nhiều người cho rằng cân bằng tài chính tốt nhất Hà Lan. Họ sống nhờ kinh doanh cầu thủ, nhắm những cái tên tiềm năng, nâng cấp xong bán với giá gấp chục lần.
- Vậy có phải Hà Nội FC đặt yêu cầu về lộ trình chuyên môn quá cao khiến Heerenveen phải giữ vị thế, không thể xuống nước nhận tiền chấp nhận?
Vấn đề đó cực kỳ khó đàm phán. Không đội nào mượn cầu thủ rồi phải cam kết như vậy, trong khi họ phải bỏ tiền ra. Đây là điều khoản rất khó đàm phán. Nếu HLV chấp nhận điều khoản này, coi như họ mua dây buộc mình. HLV chuyên nghiệp không bao giờ làm thế cả, tự nhiên phải chấp nhận cầu thủ này là phương án số 2, số 3 song phải đảm bảo đá 10-15 trận mỗi năm. Đây là câu chuyện có rủi ro lớn.
Điều khoản ra sân là thứ khó đàm phán nhất với bất cứ trường hợp nào. Kể cả siêu sao như Eden Hazard cũng không có điều khoản là bắt buộc ra sân bao nhiêu trận cả. Chỉ có những điều khoản như đá 70% số trận thì nhận đủ lương.
Việc Heerenveen mượn Văn Hậu, Hà Nội FC cam kết hỗ trợ lương là thực tiễn, nhưng rõ ràng là yêu cầu Hà Nội FC gửi đến CLB đang dùng Văn Hậu là rất khó. Chúng ta không rõ điều khoản hợp đồng, nhưng đề xuất như vậy là bất khả thi.
- Các CLB Việt Nam nên tìm nền bóng đá phù hợp hơn để xuất khẩu cầu thủ, thay vì tập trung sang châu Âu để đánh bóng tên tuổi?
Với Văn Hậu, cậu ấy có quyền được thử. Heerenveen đã chấp nhận hợp đồng cho mượn. Nếu giờ chúng ta đưa phương án mà không đội nào nhận thì giải quyết được gì đâu. Heerenveen phải có lợi ích thì họ mới nhận. Chúng ta mơ đỉnh cao châu Âu thì tốt thôi, nhưng mục tiêu của chúng ta là cầu thủ phải ở lại.
Văn Hậu rất trẻ, đá vị trí như vậy, trình độ như vậy, được thử sức thì rất nên. Đen đủi là dịch COVID-19 ập xuống nên giải Hà Lan bị hủy, không thì Văn Hậu có thể đá 1, 2 trận gì đấy.
Đó là bài học để bóng đá Việt Nam phải thực tế, đưa cầu thủ đến nền bóng đá gần gũi hơn. Gần ở đây là cả về mặt trình độ, văn hóa, địa lý, thói quen, diễn biến với các giải để đồng bộ với bóng đá Việt Nam. Nếu Hậu đá ở châu Âu, cậu ấy chỉ có thể về ở những đợi FIFA Day, còn lại CLB châu Âu không cho về thì chịu.
Đá ở Hàn Quốc, Nhật Bản có lịch thi đấu tương đồng, Văn Hậu có thể hòa nhập với dòng chảy chung của bóng đá Việt. Ngoài ra, đá ở Hàn, Nhật là tốt lắm rồi, chơi ở các đội hàng đầu châu Á là giỏi lắm rồi. Không có mong muốn nào là sai cả. Sau lần này, các đội phải thực tế, biết mình ở mức nào.
Ở trình độ cao đẳng thì học cao đẳng hay học nghề thôi, học đại học làm gì. Ước mơ thì đúng thôi, với Văn Hậu thì mọi thứ gần lắm rồi, nhưng phải tính toán và thực tế hơn.
- Hà Nội FC đưa Văn Hậu về vào thời điểm này sẽ là cách để cải thiện hình ảnh lẫn phong độ xuống dốc của CLB?
Khi mọi chuyện đi đến bước này, Văn Hậu về là tốt cho cả hai, xét trong phần còn lại của năm 2020. Văn Hậu cũng không thể đi đâu khác, khó có thương vụ nào thuận lợi hơn nữa. Tình trạng bóng đá nhiều nơi còn đóng cửa thì đi về đâu. Nếu không về, Văn Hậu mất nửa năm không đá bóng thì đi về đâu.
Việc Hậu về là tốt cho cả hai. Tôi cho rằng Hà Nội FC sẽ tốt hơn nhiều. Văn Hậu đã vững vàng, dày dạn hơn, có nhiều bài học quý về khát vọng, phong cách chuyên nghiệp. Không được đá, nhưng Văn Hậu được học hỏi, quan sát hàng ngày, có kiến thức về nghề nên chơi bóng ở Việt Nam sẽ chất lượng hơn.
Video: Văn Hậu kiến tạo cho đồng đội ghi bàn trong trận đấu của đội trẻ Heerenveen
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bình luận