Tính tới cuối ngày 13/3, Việt Nam đã tiêm vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca cho hơn 10.000 người, ghi nhận một số trường hợp gặp phản ứng phụ.
Có 12 người phải xử trí tại bệnh viện với triệu chứng nổi mày đay, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở, kẹt huyết áp... và thậm chí sốc phản vệ. Điều này khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn của vaccine COVID-19 AstraZeneca.
Thuốc nào cũng có phản ứng?
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, như bất kỳ loại thuốc hay vaccine nào khác, vaccine COVID-19 có thể gây một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn... đến mức độ nghiêm trọng như sốc phản vệ.
Tuy nhiên, vaccine là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả. Dù không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100% nhưng chắc chắn 100% số người được tiêm vaccine sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải.
Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng khẳng định, bất cứ thứ thuốc, vaccine hay sinh phẩm gì đưa vào cơ thể đều có nguy cơ gây tác dụng phụ nhất định. Đến nay, tác dụng phụ được ghi nhận nhiều nhất với vaccine COVID-19 là đau ở chỗ tiêm, áp-xe nơi tiêm, nặng nhất là sốc phản vệ…
"Tất cả các thuốc, kể cả vaccine, khi tiêm đều có thể gây sốc phản vệ. Do đó, các cơ sở y tế cần phải chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với các sự cố. Trước khi tiêm vaccine, các đơn vị phải hỏi người được tiêm có tiền sử bệnh nền, dị ứng hay tiền sử sốc phản vệ hay không để xem xét có tiêm được hay không", ông Kính khẳng định.
Mỗi loại vaccine đều có chống chỉ định riêng. Vaccine COVID-19 hiện chưa được nghiên cứu nhiều ở phụ nữ mang thai, chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng với độ tuổi từ 0-18 nên chỉ được khuyến cáo tiêm cho người trên 18 tuổi. Ngoài ra, quá trình thử nghiệm ở các nước cho thấy việc tiêm vaccine cho những người trên 60 tuổi vẫn có hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, để đảm bảo quy trình tiêm vaccine được an toàn, tất cả người đi tiêm chủng lần này tại Việt Nam đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe, phản ứng sau tiêm.
Khi phát hiện những biểu hiện bất thường, họ phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời. Để nhanh chóng triển khai công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế có sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các đơn vị trong nước để đảm bảo tiếp nhận, bảo quản, cung ứng vaccine; hướng dẫn sử dụng vaccine và thực hiện các quy trình tiêm chủng an toàn.
Trong ngưỡng cho phép
Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, đến 12/3, Việt Nam đã tiêm vaccine AstraZeneca cho gần 1.600 người. Trong số đó, 410 người có phản ứng phụ thông thường, chiếm tỷ lệ 26%, 12 trường hợp phải xử trí tại bệnh viện như nổi mày đay, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở, kẹt huyết áp... chiếm tỷ lệ 0,7%.
Trong số này có 6 người được xử trí tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, 5 người tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng và 1 người tại Gia Lai… Nhờ được xử lý theo phác đồ của Bộ Y tế, họ đều có sức khoẻ ổn định sau đó.
Ngoài ra, một số nơi như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hải Dương hay Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng ghi nhận các trường hợp gặp phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine.
Đánh giá việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 trong những ngày qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, các biểu hiện về sức khỏe được theo dõi chặt chẽ và báo cáo đầy đủ hằng ngày cho thấy mọi công tác đều đảm bảo an toàn, hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng hoạt động tích cực, vaccine tiếp tục được triển khai an toàn và các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép.
Theo quy định của Bộ Y tế, do vaccine phòng COVID-19 là vaccine mới nên người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế.
Mặt khác, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vaccine, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Điều tra nguyên nhân là bình thường
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản yêu cầu làm rõ nguyên nhân các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại TP.HCM, Hải Phòng và Gia Lai.
Cục Y tế dự phòng yêu cầu 3 sở y tế khẩn trương xác minh thông tin, lập hội đồng đánh giá tai biến vaccine sau tiêm chủng, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc Bộ Y tế yêu cầu điều tra nguyên nhân gây ra phản ứng phụ không mong muốn của các trường hợp sau tiêm vaccine COVID-19 là điều bình thường. Đây là quy trình được quy định rất rõ trong hoạt động tiêm chủng từ trước tới nay tại Việt Nam.
“Chuyện Bộ Y tế có văn bản yêu cầu điều tra nguyên nhân gây phản ứng không mong muốn sau khi tiêm vaccine tại Việt Nam là việc rất bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi đây là nguyên tắc chung trong tiêm chủng mở rộng đối với tất cả các loại vaccine khi triển khai sử dụng tại Việt Nam chứ không riêng gì vaccine COVID-19”, bác sĩ Khánh nói.
Theo ông, nguyên tắc chung về tiêm chủng được quy định cụ thể trong Thông tư số 34 của Bộ Y tế, theo đó phải đánh giá nguyên nhân đối với các trường hợp: Tai biến nặng sau tiêm chủng; tỷ lệ phản ứng thông thường thực tế vượt quá tỷ lệ thống kê thường gặp; một trường hợp hay một cụm phản ứng có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng.
Trong trường hợp đó, Sở y tế phải có trách nhiệm thành lập, tổ chức họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân gây tai biến nặng sau tiêm chủng trên địa bàn và thông báo nguyên nhân.
Trả lời với VTC News, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, hiện cả nước đã trải qua 5 ngày tiêm vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca, mặc dù đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng phụ từ nhẹ tới sốc phản vệ nhưng nhìn chung tỷ lệ này đều không cao.
Mặt khác, việc Bộ Y tế yêu cầu điều tra nguyên nhân khiến các trường hợp trên gặp phản ứng không mong muốn đã được quy định từ trước. Toàn bộ quá trình kiểm tra, rà soát sau khi có văn bản từ Bộ Y tế sẽ được công khai, minh bạch.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân gây tai biến nặng của các tỉnh/thành phố sẽ điều tra, đánh giá rất cụ thể, sau đó mới đưa ra kết luận cuối cùng.
“Chúng ta sẽ có những đánh giá như trường hợp gặp phản ứng này thế nào, có bệnh lý nền gì không, nếu mắc bệnh lý nền thì xử lý thế nào, có tiêm tiếp hay không? Ví dụ như trường hợp ở Gia Lai là có bệnh lý về hen suyễn nhưng nếu nằm trong quy định cho phép thì vẫn được tiêm, dù có thể sẽ gặp dị ứng nhưng sẽ hết sau đó. Tóm lại, công tác đánh giá sẽ được triển khai rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ và chính xác” ông Phu nói.
Những ngày qua, một số quốc gia ghi nhận có hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Nhiều nước châu Âu như Na Uy, Đan Mạch, Iceland… có thông báo ngừng tiêm vaccine AstraZeneca.
Tại châu Á, Thái Lan cũng vừa có thông báo tạm dừng tiêm loại vaccine này. Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ủng hộ tiếp tục tiêm chủng vaccine AstraZeneca. Hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới vẫn xem xét kỹ từng báo cáo tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca.
Tuy nhiên, theo EMA, hiện không có dấu hiệu nào chứng minh việc tiêm phòng gây ra những tình trạng này. Những biến cố trên cũng chưa được liệt kê vào phần tác dụng ngoại ý trong thông tin kê toa của vaccine COVID-19 AstraZeneca.
Ủy ban Đánh giá Nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) cũng cho biết, họ đã xem xét tất cả các trường hợp thuyên tắc do huyết khối và các tình trạng khác liên quan đến huyết khối được báo cáo sau khi tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca.
Qua đó, PRAC nhận định, số trường hợp thuyên tắc huyết khối ở người được tiêm chủng không cao hơn số lượng được ghi nhận trong dân số nói chung. Cụ thể, đến ngày 10/3, đã có 30 trường hợp biến cố thuyên tắc huyết khối được báo cáo trong số gần 5 triệu người được tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca trong khu vực Kinh tế chung châu Âu (EBA).
Bình luận