• Zalo

Chuyên gia: Nếu lơ là, cách ly 100 ngày vẫn lây nhiễm COVID-19

Bệnh và thuốcThứ Sáu, 30/04/2021 14:19:23 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nếu không quản lý chặt việc cách ly thì dù có nâng thời gian cách ly lên 100 ngày hay thậm chí cả 1.000 ngày cũng vẫn còn khả năng lây nhiễm COVID-19.

Nhiều ý kiến trái chiều đang tranh luận về việc có nên tăng số ngày cách ly bắt buộc để phòng COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

Cách ly 14 ngày là đủ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, không cần thiết phải tăng số ngày cách ly từ 14 lên thêm bởi xét về tiến trình của bệnh thì chỉ cần 14 ngày là đủ.

Nếu làm đúng, thực hiện đủ thì chỉ cần 14 ngày. Còn nếu không thực hiện cách ly đúng, hời hợt, không quản lý chặt chẽ thì dù có cách ly lên 100 ngày hay thậm chí cả 1.000 ngày cũng vẫn lây nhiễm và chẳng có ý nghĩa gì cả”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Khanh, BN2899 tại Hà Nam đã không thực hiện đúng quy định về cách ly. Bởi theo quy định, sau khi hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, người dân vẫn phải về tiếp tục cách ly tại nhà trong 14 ngày. Tuy nhiên, khi về nhà, BN2899 đã đi rất nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người nên mới để xảy ra sự lây lan dịch bệnh. “Cá nhân tôi thấy với những trường hợp này phải xử phạt thật nghiêm để làm gương”.

Chuyên gia: Nếu lơ là, cách ly 100 ngày vẫn lây nhiễm COVID-19 - 1

Đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở nơi bệnh nhân COVID-19 cư trú tại thôn Quan Nhân, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, không chỉ có Việt Nam mà trên thế giới hay khuyến cáo của WHO đều quy định cách ly 14 ngày đối với những người trở về từ vùng dịch.

Sở dĩ có quyết định như vậy là bởi tiến trình phát triển của virus trong cơ thể người nhiễm từ 7 đến 8 ngày sẽ yếu đi, khả năng lây nhiễm cũng thấp dần. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn không có nguy cơ lây nhiễm, WHO và các chuyên gia trên thế giới đều khuyến cáo cách ly 14 ngày.

Theo ông Nga, xét về nguyên tắc bệnh học, nếu như một người thuộc diện cách ly thực hiện đủ các quy trình và tuân thủ chặt chẽ các quy định về cách ly thì chỉ cần cách ly 14 ngày vẫn sẽ đảm bảo an toàn.

Tại Việt Nam cũng vậy. Sau khi cách ly tập trung 14 ngày ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân tự cách ly tại nhà 14 ngày. Thời gian này người dân vẫn phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch như khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ và hạn chế ra ngoài, tiếp xúc đông người. Tuy nhiên, trường hợp BN2899 ở Hà Nam đã không thực hiện điều này mà đã di chuyển tới rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người để rồi làm lây bệnh cho những người khác. Đây chính là bài học cho tất cả mọi người phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp cách ly để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Nga nói.

Nhiều nguy cơ bùng dịch

Theo PSG.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nước ta đang đối diện với rất nhiều nguy cơ bùng dịch, đặc biệt là ổ dịch tại Hà Nam diễn biến khó lường bởi các ca bệnh tại đây được đánh giá lây lan nhanh.

Nguy hiểm hơn, trước khi được xác định mắc COVID-19, họ đã đi lại nhiều nơi bằng các phương tiện công cộng và tiếp xúc với rất nhiều người.

“Như chúng ta đã thấy, từ một trường hợp BN2899 giờ đã lây cho cả nhà. Các tỉnh/thành phố như Hà Nội, TP.HCM và Hưng Yên hiện cũng đã ghi nhận ca bệnh liên quan tới bệnh nhân trên. Do vậy, có thể nói tốc độ lây lan lần này rất nhanh. Tuy nhiên, nhanh đến đâu thì còn phải chờ kết quả giải trình tự gene của Bộ Y tế”, ông Phu nói.

Chuyên gia: Nếu lơ là, cách ly 100 ngày vẫn lây nhiễm COVID-19 - 2

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Theo ông Phu, trong đợt dịch này, Việt Nam phải đối diện với rất nhiều nguy cơ. Ngoài ổ dịch tại Hà Nam, tình hình dịch tại một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia hay Lào…cũng đang rất phức tạp. Đặc biệt, Ấn Độ hằng ngày vẫn ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong do COVID-19…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trải qua kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 kéo dài tới 4 ngày. Đây là thời điểm rất nhạy cảm, bởi nhu cầu đi lại và tập trung đông người rất cao. Chỉ cần một số người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thì sẽ rất nguy hiểm.

“Như vậy có thể nói, nước ta đang phải đối diện với nguy cơ dịch xâm nhập từ nguồn nhập cảnh hợp pháp và cả không hợp pháp. Cộng với tình hình dịch trong nước và quốc tế, Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều nguy cơ. Thực trạng này càng khiến mỗi chúng ta không được chủ quan. Bởi chỉ cần chủ quan, lơ là thì dịch bệnh có thể xảy đến bất cứ lúc nào và ở bất kỳ tỉnh/thành phố nào”, ông Phu nhấn mạnh.

Vị chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng, trong kỳ nghỉ lễ dài, do nhu cầu đi lại tăng cao, mọi người dân cần tự ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch như hạn chế tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, khai báo y tế đầy đủ, hạn chế tổ chức các sự kiện không cần thiết.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn