Cho rằng There's No One At All ra mắt tối 28/4 của Sơn Tùng M-TP ảnh hưởng xấu đến thế trẻ vì hành vi phản cảm, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội mong MV không lan truyền trên không gian mạng. Những hình ảnh tự tử có tính lây lan (hiệu ứng Werther) khiến các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh học theo, làm theo, nhất là từ một người nổi tiếng tự tử.
“Khoan xét về mặt nghệ thuật, nhưng khi tư tưởng của MV không lành mạnh thì phải yêu cầu tác giả gỡ bỏ hoặc tạm khoá để tìm hướng giải quyết”, tiến sĩ Lâm nói.
Theo thạc sĩ Tâm lý học Bùi Thị Nga, chuyên viên tâm lý học Hệ thống giáo dục Nguyễn Bình Khiêm (Hà Nội), có thể nghệ sĩ muốn “ăn theo” xu hướng của xã hội hiện nay, nhưng điều này lại vô tình gây ra những hệ luỵ cho xã hội. Không chỉ MV của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, thời gian qua, mạng xã hội cũng lan truyền những clip liên quan đến vấn đề tự tử. Đó là lời cảnh tỉnh với những hiện tượng, thông điệp từ mạng xã hội ảnh hưởng đến trẻ.
“Trẻ em ở tuổi này rất dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi xã hội, nhất là với những em vốn đang gặp các vấn đề về tâm lý. Xem những MV mang nội dung tiêu cực khiến trẻ quên đi điều tốt đẹp xung quanh, chỉ tập trung vào nỗi buồn, sự lo lắng trong cuộc sống và bản thân sẽ thôi thúc thực hiện hành vi tương tự”, thạc sĩ Nga nói.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, theo nguyên tắc ứng xử trên mạng xã hội, những nội dung đưa lên phải lành mạnh.
“Cuộc sống của ai cũng có những khoảng màu xám, nhưng cần chọn lọc câu chuyện tích cực để đưa lên mạng xã hội - đặc biệt là với người có sức ảnh hưởng lớn. Chúng ta có thể phản ánh, khắc hoạ sự thật của xã hội, song cần đưa đến giải pháp, hay còn gọi là “cái kết có hậu”, PGS Nam nói.
Nhiều người lựa chọn cách đưa câu chuyện mang tính chất đe doạ để thu hút sự chú ý của xã hội, thuận lợi cho việc quảng cáo, mà không nghĩ đến việc những chất liệu như vậy sẽ gây hại cho cộng đồng.
“Với những người nổi tiếng, khi trực tiếp đóng những nhân vật có hành vi tiêu cực có thể khiến trẻ em bắt chước theo. Nhiều trẻ em vì quá hâm mộ nên thường mặc định rằng, hành động tương tự sẽ giúp đến gần hơn với thần tượng. Từ trước đến nay đã có rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra”, chuyên gia cảnh báo.
Ông Nam đề nghị những người sản xuất nội dung trên mạng phải được trải qua một khoá tập huấn về các nguyên tắc sử dụng mạng xã hội. Trong trường hợp muốn làm nội dung phản biệt xã hội thì phải làm theo nguyên tắc sao cho không gây ảnh hưởng đến xã hội.
MV There is no one at all - ca khúc tiếng Anh đầu tiên trong sự nghiệp của Sơn Tùng M-TP được phát hành vào tối 28/4. Sau 5 giờ đồng hồ đăng tải, MV đứng ở vị trí top 1 trending trong danh mục âm nhạc thịnh hành trên Youtube. Tuy nhiên, đoạn kết của MV có cảnh nhảy lầu tự tử khiến phụ huynh lo lắng sẽ gây ra “hiệu ứng domino”. “Sau khi xem xong MV There's No One At All, tôi lập tức yêu cầu con trai 12 tuổi không được truy cập vào Youtube, muốn xem bất kỳ chương trình gì cũng phải được sự đồng ý của bố mẹ”, chị Lê Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định nội dung biểu diễn của bản ghi âm, ghi hình MV này mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, nhất là trẻ em.
Tối 29/4, Sơn Tùng M-TP lên tiếng xin lỗi và chủ động ngừng phát hành MV “There’s No One At All”. Nam ca sĩ chia sẻ anh và ê kíp đã làm việc nghiêm túc và có thành ý với việc xây dựng thông điệp tích cực đối với vấn đề xã hội gây tranh cãi. Tuy nhiên, trước những chỉ trích của dư luận và ý kiến trái chiều, nam ca sĩ tiếp thu và nhận thấy cần ngừng phát hành sản phẩm tâm huyết của mình.
Bình luận