• Zalo

Chuyên gia: Chưa phải thời cơ 'vàng' để bỏ giá trần vé máy bay

Thị trườngThứ Hai, 24/05/2021 07:46:06 +07:00 Google News
(VTC News) -

Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay được đa số doanh nghiệp hàng không ủng hộ song giới chuyên gia cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp, cần có lộ trình thích hợp.

Trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ giá trần vé máy bay nội địa với đường bay có 3 hãng trở lên khai thác. Việc này được cho là sẽ tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định, việc bỏ giá trần vé máy bay hiện nay chưa phù hợp, thậm chí là vi phạm quy định của luật. Việc quy định giá tối đa nhằm ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Hàng không là lĩnh vực đặc thù, ít doanh nghiệp tham gia, thống lĩnh thị trườngnên rất cần nhà nước phải quản lý và định giá trần.

Mất công cụ bảo vệ khách hàng

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) thẳng thắn cho rằng đề xuất bỏ giá trần vé máy bay với đường bay có từ 3 hãng khai thác là chưa hợp lý, khó được thông qua vì vi phạm Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh.

“Đề xuất dựa trên số lượng hãng hàng không mà không căn cứ vào tính chất thị trường là không phù hợp với cơ chế quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên nhà nước vẫn phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Long nói.

Chuyên gia: Chưa phải thời cơ 'vàng' để bỏ giá trần vé máy bay - 1

Thị trường hàng không Việt Nam đang được dẫn dắt bởi các "ông lớn" Vietnam Airlines, Vietjet. (Ảnh: CAA)

Thị trường hàng không Việt Nam hiện có 6 hãng đang khai thác là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Tuy nhiên, Vasco và Pacific Airlines là thành viên của Vietnam Airlines, trong khi Vietravel mới gia nhập thị trường.

Hiện ba hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways chiếm trên 80% thị phần. Trong đó riêng đường bay Hà Nội - TP.HCM, Vietnam Airlines và Vietjet cũng đã chiếm trên 50 thị phần.

“Cục Hàng không cho rằng đường bay có trên 3 hãng là cạnh tranh và không cần giá trần là không hợp với quy định của luật pháp”, ông Long nhấn mạnh.

Trước câu hỏi việc giá trần thấp có hạn chế nâng cấp dịch vụ của doanh nghiệp, ông Long cho rằng khi Nhà nước định giá trần là đã tính toán hết các khả năng, dựa trên chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Trường hợp nếu quy định giá trần thấp hơn giá thị trường, các hãng bay có quyền khiếu nại trên cơ sở tính toán theo chi phí sao cho đảm bảo chi phí và có lãi.

Tương tự, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cũng cho rằng vẫn cần quy định giá tối đa với vé máy bay nội địa. Theo chuyên gia này, việc Nhà nước kiểm soát giá tối đa không phải theo số lượng doanh nghiệp hay thành phần kinh tế tham gia, mà theo vị thế thống lĩnh của từng doanh nghiệp. “Việc quy định giá tối đa để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, xâm hại tới quyền lợi người tiêu dùng”, ông Thỏa cho hay.

Trong khi đó, trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, nêu quan điểm, đề xuất bỏ trần giá vé máy bay là phù hợp thị trường cạnh tranh, tuy nhiên thực hiện phải có lộ trình, tránh biến động đột ngột, ảnh hưởng tới khách hàng.

“Tinh thần bỏ trần giá vé máy bay là hợp lý, nhưng nên làm từng bước. Các hãng sẽ cạnh tranh với nhau, ai giá rẻ, dịch vụ tốt thì người dân lựa chọn. Chỉ có cạnh tranh thực sự, hành khách mới được hưởng dịch vụ và giá cả hợp lý”, chuyên gia cho biết.

Một chuyên gia khác trong ngành đề xuất, thay vì bỏ giá trần, Cục Hàng không có thể xem xét bỏ giá trần với khách hạng thương gia, vì đây là nhóm khách có điều kiện, có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao. Hoặc kiến nghị điều chỉnh khung giá trần tăng lên so với khung giá hiện hành.

Trước đó, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc điều chỉnh giá trần, giá sàn vé máy bay phải dựa trên cơ sở phù hợp các điều kiện thực tế và không được vi phạm quy định tại Luật Cạnh tranh và Luật Giá.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải cũng đang nghiên cứu xem xét điều chỉnh một số quy định về mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam. “Quan điểm của Bộ là muốn xem xét điều chỉnh theo hướng đa dạng sản phẩm cung cấp cho hành khách để người dân được hưởng nhiều loại dịch vụ”, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với VTC News, đa số doanh nghiệp hàng không đều ủng hộ đề xuất bỏ giá trần. Theo Vietnam Airlines, việc bỏ giá trần sẽ tạo môi trường kinh doanh minh bạch và giúp tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. “Bỏ giá trần sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ. Khách hàng sẽ là người quyết định dịch vụ mà mình sử dụng”, đại diện Vietnam Airlines nói.

Theo Vietnam Airlines, ngành hàng không hiện nay chưa có các cơ chế giám sát, quản lý để thực hiện các giải pháp chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp vận tải hàng không. Do đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không, làm giảm khả năng cạnh tranh với các hãng nước ngoài và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam.

Vietnam Airlines cũng là hãng từng đề xuất bỏ trần giá vé bởi nó khiến các hãng khó đa dạng giá, giảm giá vé ở một số thời điểm.

Tương tự, đại diện Vietravel Airlines cũng cho rằng nên để thị trường điều tiết giá vé. Doanh nghiệp tham gia thị trường phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, lời ăn, lỗ chịu.

Khách lo giá vé tăng

Trên các diễn đàn về hàng không, nhiều hành khách bày tỏ lo ngại giá vé máy bay đắt hơn khi không có mức trần, nhất là vào dịp lễ, Tết hoặc các đường bay “hot”.

Anh Hoàng Sơn (32 tuổi, Hà Nội), một người thường xuyên bay Hà Nội – TP.HCM cho rằng việc bỏ giá trần có thể khiến giá vé tăng và người tiêu dùng chịu thiệt, nhất là với khách phổ thông.

“Khi không còn khung giá, tức là giá vé sẽ do hãng hàng không tự quyết. Như vậy vào các dịp cao điểm Tết hoặc mua sát ngày bay ở những chặng như chặng Hà Nội – TP.HCM chắc chắn giá vé sẽ tăng cao gấp nhiều lần bây giờ, người có thu nhập trung bình chắc chắn sẽ gặp khó”, anh Sơn nói.

Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Bắc (40 tuổi, Thái Bình) cho biết mấy năm nay gia đình anh hay về quê ăn Tết. Dù kinh tế không khá giả song do đặt mua sớm và giá vé bị kiểm soát bởi khung trần nên không quá cao. “Bỏ giá trần tôi lo giá vé sẽ tăng gấp nhiều lần. Với người lao động làm công ăn lương như chúng tôi sẽ khó có cơ hội được về quê ăn Tết bằng đường hàng không”, anh Bắc lo ngại.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống lại cho rằng không nên quá lo lắng việc các doanh nghiệp bắt tay nhau nâng giá vì khách hàng mới là người quyết định có sử dụng dịch vụ hay không. Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp muốn đưa giá nào thì đưa mà cơ quan quản lý sẽ giám sát và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, nếu có phản ứng từ thị trường.

"Nếu giá vé quá cao, dịch vụ không đáp ứng, khách hàng sẽ từ chối sử dụng dịch vụ. Khi đó cơ quan quản lý sẽ yêu cầu các hãng báo cáo và xem xét mức giá doanh nghiệp đưa ra đã hợp lý chưa", ông Tống nhấn mạnh.

Việt Nam hiện là một trong số ít nước áp giá trần vé máy bay. Cục Hàng không nhiều lần đề xuất bỏ giá trần khi sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng, song chưa được chấp thuận. Mới đây nhất, tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam lại đề nghị sửa đổi Điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.

Cục Hàng không đề xuất, trong trường hợp đường bay có dưới 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông, cơ bản không vượt mức tối đa do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT. Với đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc trần giá vé máy bay được gỡ bỏ.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, dịch vụ vận chuyển hàng không có tính mùa vụ cao. Chuyến bay mùa cao điểm, có giờ “đẹp” sẽ có nhiều hành khách mua vé. Thậm chí, khách sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu.

Ngược lại, chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn thường có giá vé phù hợp nhằm lấp đầy chỗ trống trên máy bay. Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng từ 10 - 15 mức giá. Trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế, và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá của hãng.

Với sự tham gia ngày càng nhiều các hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn