• Zalo

Chuyện ảnh xúc động của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam được đánh giá 'đặc biệt xuất sắc'

Thời sựChủ Nhật, 03/02/2019 10:20:00 +07:00 Google News

Những tấm ảnh đầy kỷ niệm của Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga trong thời gian làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan, một trong những quốc gia nghèo khó nhất thế giới đang chìm trong chiến sự.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) vừa hoàn thành nhiệm vụ sĩ quan tham mưu phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Nam Sudan, trở về Việt Nam ngày 8/1. Chị là 1 trong 2 sĩ quan nằm trong nhóm 2% được LHQ đánh giá là hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ.

1

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga và các em nhỏ ở Nam Sudan

Cô gái Hà Nội Đỗ Thị Hằng Nga (SN 1981) đã hoàn thành nhiệm kỳ tham mưu các hoạt động quân sự ở Nam Sudan với một năm rất ý nghĩa.

Với nhiệm kỳ một năm thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, trong vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự, công việc của Hằng Nga là tổng hợp và cập nhật bản đồ tình hình tác chiến tại các phân khu được chỉ định; trực ban tại Trung tâm tác chiến, Sở chỉ huy Phái bộ; chuẩn bị các báo cáo đặc biệt và gửi điện tín về các sự cố xảy ra trên địa bàn; liên lạc với các cơ quan liên quan để đưa ra các thông báo về tai nạn, thương vong; theo dõi các tài liệu trong hệ thống dữ liệu tác chiến của phái bộ.... Bên cạnh đó là đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu của phái bộ, không kể thời gian ngày hay đêm.

Tổng cộng thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga phải đảm trách trung bình 12-15 đầu việc tại Phái bộ Nam Sudan. Chị cho biết ngoài những công việc và kiến thức mà chị thu thập được thì phần lớn thời gian rảnh vào cuối tuần, ngoài giờ chị có thời gian ra tiếp xúc với người dân.

Là nữ quân nhân đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, chị cho biết khác với nhiệm vụ của các đồng nghiệp nam giới khác là tuần tra, nhiệm vụ của chị gần như làm 24/7 và không có thời gian rảnh để đi ra nhà dân, nên khi thấy chị, nhiều người dân bản địa rất bỡ ngỡ và hỏi chị đến từ đâu.

"Khi tôi giới thiệu tôi đến từ Việt Nam, tình cảm họ dành cho tôi còn nhiều hơn. Họ nói rằng biết rất nhiều về đất nước của chúng ta qua các cuộc chiến tranh, biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không ngờ hôm nay gặp một phụ nữ Việt Nam bằng xương bằng thịt và giúp họ trong suốt thời gian vừa qua" - chị Nga chia sẻ.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga cho biết thực chất công việc của chị là sĩ quan tham mưu thì chỉ làm việc trong căn cứ của LHQ, chỉ thuần túy làm nhiệm vụ chuyên môn tại phái bộ, nhưng ngoài giờ làm chị lại quyết định đến với những người dân nghèo tại Nam Sudan và giúp đỡ họ vì ngoài học hỏi kiến thức chuyên môn gìn giữ hòa bình, chị cũng muốn tìm hiểu về cuộc sống của người dân.

"Bộ đội chúng ta luôn có truyền thống dân vận rất tốt, gần gũi nhân dân. Chính vì vậy tôi dành phần lớn thời gian rảnh của chúng tôi để tiếp xúc với người dân bản địa"- chị cho biết.

Thiếu tá Hằng Nga chia sẻ thời gian đầu, chị đi tìm hiểu về cuộc sống của người dân cũng nhằm làm vơi đi nỗi nhớ nhà khi mới sang Nam Sudan, chơi với trẻ con có cảm giác như chị đang chơi với các con ở nhà. Thấy tình trạng vệ sinh của nhiều em nhỏ không được tốt, chị muốn hướng dẫn các em cách giữ vệ sinh cho bản thân, chia sẻ khó khăn với các em và mẹ các em.

"Tôi rất đau lòng khi thấy em nhỏ sốt rất cao nhưng mẹ không có nhiều kiến thức, để em ngoài trời nắng, hay những em nhỏ bị tương ở da, sâu vào gần như trong xương mà không có thuốc thang gì, ngay hôm sau chúng tôi mang thuốc sang"- chị kể.

Chính vì sự chia sẻ, quan tâm đó, nhiều người dân bản địa đã đón nhận nữ sĩ quan của Việt Nam như người trong gia đình. Càng ngày, tình cảm càng gắn bó, thôi thúc Hằng Nga và các bạn dành phần lớn thời gian ra giúp đỡ họ. Chị đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với người dân ở đất nước xa xôi. Và một phần tình cảm gắn bó đó thể hiện trong những tấm ảnh kỷ niệm.

Trên tấm hình sau đây là thiếu tá Hằng Nga đứng cùng các em nhỏ trong ngôi trường Queen School cách căn cứ Phái bộ 3 km.

Khi đến, chị rất xúc động bởi trường gần như không có gì, ảnh hưởng rất nhiều của cuộc nội chiến nhưng thầy trò ở đây vẫn hăng say học tập. Sau đó, chị tranh thủ giờ nghỉ trưa để thăm khác em, đã mang một số hộp màu, giấy vẽ, chuồn chuồn của Việt Nam tặng. Các em rất cảm động vì lâu lắm mới có người thăm và tặng quà và để các em vẽ những ước mơ của các em về tương lai của mình.

2 12

 

3 3

Chị tặng các em những con chuồn chuồn tre... 

4 3

 ... và hộp màu, giấy vẽ chị mang từ Việt Nam sang

Thiếu tá Hằng Nga xúc động khi nhắc tới tấm ảnh chị được các em nhỏ "làm đẹp" cho: "Tôi có 1 năm thường xuyên ra thăm các em nên mỗi lần đến các em vây quanh làm đẹp cho tôi. Cả em trai em gái đều tranh nhau: "Bây giờ Đỗ hãy ngồi để các em tết tóc cho chị xinh đẹp hơn"".

5 5

Các em nhỏ thi nhau làm đẹp cho nữ quân nhân VIệt Nam

Tiếp theo là ảnh cuối giờ làm của chị, khoảng 5 giờ chiều, chị ra thăm một gia đình cạnh căn cứ phái bộ, là một cặp vợ chồng và các con của họ. Đằng xa có một mâm thịt bò, lâu lắm họ mới mua được nhiều thịt bò đến vậy, bình thường họ chỉ ăn ít rau trồng xung quanh nhà hay ít lạc. Hôm đó thì có thịt bò nên họ mời chị ở lại cùng nấu ăn dùng bữa tối với gia đình. Họ rất vui và sự nhiệt tình của họ khiến chị cố nán lại cùng nấu ăn và cùng chia sẻ niềm vui với gia đình.

6 5

Bữa cơm hạnh phúc của một gia đình nghèo

Một số hình ảnh khác về thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga khi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan:

7 7

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga trong chuyến bay của LHQ từ Uganda sang Nam Sudan, sau một tuần làm các thủ tục theo yêu cầu của LHQ trước khi nhận nhiệm vụ

8 7

 

9 9

 

10 9

Ngoài giờ làm, thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga thường đến các khu dân cư để gặp gỡ người dân Nam Sudan.

11 11

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga (đứng ngoài cùng bên phải) giao lưu cùng sĩ quan các nước

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn