Ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Trọng Phương (37 tuổi, trú ở Ba Đình, Hà Nội) về tội Khủng bố.
Đối tượng Trần Anh Thuận (36 tuổi, ở Bắc Ninh) bị khởi tố về tội Không tố giác tội phạm. Cả 2 liên quan đến việc nhắn tin đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và nhiều lãnh đạo tỉnh gây xôn xao dư luận. Vụ việc khiến lãnh đạo tỉnh này phải cầu cứu Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi các đối tượng bị khởi tố, nhiều ý kiến dư luận cho rằng khởi tố đối tượng Phương tội Khủng bố là chưa phù hợp.
Để làm rõ ý kiến trái chiều này, VTC News đã có cuộc trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật Giang Thanh, đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Luật sư Thanh cho biết, đầu tiên cần phải khẳng định, hành vi nhắn tin chửi bới, xúc phạm, đe dọa người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý những người thực hiện hành vi này một cách nghiêm minh là cần thiết để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên chế tài xử lý được áp dụng là hành chính hay hình sự thì còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ, nội dung, mục đích nhắn tin.
Trong vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố người nhắn tin là Nguyễn Trọng Phương về tội "Khủng bố" và Trần Anh Thuận về tội "Không tố giác tội phạm".
“Với những thông tin mà báo chí đăng tải, trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng về mặt lý luận, hành vi của Nguyễn Trọng Phương không phù hợp với tội danh này” – luật sư Thanh bày tỏ.
Luật sư phân tích, theo Điều 230a Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi 2009, tội khủng bố được quy định: "Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá huỷ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình".
Như vậy, ý thức chủ quan của người phạm tội này đầu tiên là phải nhằm mục đích gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng.
Theo quy định của pháp luật, tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.
Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố quy định tại Điều 230a có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người như quảng trường, ngã ba, ngã tư đường giao thông, tại các bến, nhà ga các phương tiện giao thông, trên các phương tiện giao thông, tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, tại các tòa nhà, cơ sở hạ tầng khác mà người dân có thể đến với nhiều mục đích khác nhau.
Đối chiếu với cách hiểu này, hành vi của Nguyễn Trọng Phương không phù hợp với tội danh Khủng bố.
Video: Về nơi cát tặc lộng hành đến mức Chủ tịch Bắc Ninh phải cầu cứu
Theo luật sư, trên thực tế, nhiều người nhắn tin chửi bới, xúc phạm, đe dọa người khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/1/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, cụ thể là theo khoản 3 Điều 66 Nghị định này:
"Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;"
Luật sư nói thêm: “Tuy nhiên, có thể Cơ quan điều tra còn nhiều tài liệu khác chứng minh tội phạm nên đã quyết định khởi tố Nguyễn Trọng Phương. Do vậy nhận định trên của tôi chỉ là căn cứ vào những thông tin mà báo chí đăng tải.”
Trong số các lãnh đạo tỉnh, huyện thuộc Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa, có ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, bị kẻ lạ mặt đe dọa từ trước Tết Nguyên Đán. Ngoài ra, còn có lãnh đạo huyện Quế Võ, Sở Tài nguyên Môi trường; với các nội dung như “Để yên để người khác làm ăn”, hay “Ông làm vừa phải thôi”…
Bình luận