• Zalo

Chủ tịch nước: 'Chúng ta không lệ thuộc vào bất cứ ai'

Thời sựThứ Năm, 26/06/2014 02:18:00 +07:00Google News

Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc cử tri sáng ngày 26/6 tại TP.HCM.

Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc cử tri sáng ngày 26/6 tại TP.HCM.


Hòa bình hữu nghị phải dựa trên sự tôn trọng


Liên quan đến vấn đề Biển Đông, trước mặt hàng trăm cử tri thuộc các nhóm trí thức, tôn giáo, cựu chiến binh, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cái gì của chúng ta là của chúng ta. Chúng ta có cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế. Năm nay chúng ta không giải quyết được thì năm tới, đời này chúng ta không xong thì đời con, đời cháu chúng ta sẽ tiếp tục. Dứt khoát là như vậy!”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cử tri TP.HCM sau kỳ họp Quốc hội.

Trả lời một số câu hỏi của cử tri về cách nhìn nhận quan hệ của nước ta với Trung Quốc, Chủ tịch nước cho biết, kể từ đổi mới đến nay Đảng và Nhà nước nhất quán đường lối đối ngoại "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, cùng hợp tác trên cơ sở bình đẳng các bên cùng có lợi".
 

Chúng ta không lệ thuộc vào bất cứ ai. Trong lãnh đạo có thể có sai sót nhưng đường lối xuyên suốt là không lệ thuộc. Trong tương lai chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn đường lối này

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
 


Chủ tịch nước khẳng định: "Chúng ta không lệ thuộc vào bất cứ ai. Trong lãnh đạo có thể có sai sót nhưng đường lối xuyên suốt là không lệ thuộc. Và cũng nhờ đó mà đất nước chúng ta đã thay da đổi thịt. Trong tương lai chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn đường lối này”.

“Hòa bình không phải là lệ thuộc hay van xin bình đẳng, từ ngàn đời nay cha ông chúng ta đã khẳng định như vậy chứ không phải bây giờ". "Chúng ta hành xử làm sao phải bảo vệ được quốc gia trên cơ sở bình đẳng. Anh không tôn trọng tôi thì sao tôi tôn trọng anh được? Chúng ta luôn luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng điều này phải dựa trên sự tôn trọng, hai bên cùng có lợi” - Chủ tịch nước nói.

Trước những bức xúc của cử tri về việc Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn tại Biển Đông, Chủ tịch nước nhắn gửi: “Tôi biết bà con, anh chị rất bức xúc nhưng việc giữ gìn chủ quyền trong điều kiện hiện nay phải hết sức kiên trì, phải tránh bị khiêu khích. Tình hình càng phức tạp chúng ta càng phải bình tĩnh”. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nói: “Chúng ta phải giữ bằng được chủ quyền, dứt khoát không nhân nhượng!”.

Nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá


Trong buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM sáng nay đã có rất nhiều ý kiến gửi tới đoàn ĐBQH. Trong đó, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho biết, ông ủng hộ đường lối của Đảng trong cách thức đối phó với Trung Quốc, tuy nhiên cần phải làm rõ thêm một số vấn đề.

 Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm ủng hộ đường lối của Đảng trong cách thức đối phó với Trung Quốc.

“Hiện nay nhân dân, đặc biệt là trí thức rất muốn biết Nhà nước thực sự nhìn nhận quan hệ với Trung Quốc như thế nào, có còn “bốn tốt” nữa hay không, hay đây là chiêu bài của Trung Quốc?”. Ông Lê Kế Lâm đặt câu hỏi và cho rằng: “Trên thực tế họ không có gì tốt cả”.

Ông cũng nêu ý kiến đề nghị Nhà nước liên hệ lại các sự kiện nổi bật từ hội nghị Genève 1954 đến nay trong quan hệ với Trung Quốc.

“Trung Quốc đã đối xử với chúng ta như thế nào? Tại sao chúng ta phải công nhận vĩ tuyến 17, rồi từ đó đến nay họ vẫn chèn ép chúng ta… Tôi đề nghị phải thống kê những hành động đó, cho dù đó là xấu, tốt, đúng, sai… Chúng ta nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá” – ông Lê Kế Lâm nói.

Ông Lâm cũng nhận định rằng, Trung Quốc đang muốn "đưa lửa" đến Việt Nam và giàn khoan Hải Dương 981 là để thực hiện điều này. Trung Quốc đang bực tức khi thấy quan hệ giữa Việt Nam với Nhật, Mỹ, Châu Âu tốt lên.

“Trong hội nghị Shangri-la Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã nói, đại ý Việt Nam đang “đi từ sai lầm này tới sai lầm khác và tới đại sai lầm. Trung Quốc như mặt trời đang lên, còn Nhật, Mỹ như mặt trời sắp lặn” là để ám chỉ điều này” - ông Lâm diễn giải.  

Ngoài ra, ông Lâm nêu ra các số liệu nói lên sự áp đảo của Trung Quốc trong các ngành xi măng, nhiệt điện, da dày… và đặt vấn đề Việt Nam cần phải nhìn nhận thực tế.

“So với thiên niên kỷ thứ I và II, tình hình đã có nhiều đổi khác. Chúng ta có nhiều hướng tiếp cận chứ không chỉ có duy nhất một hướng là Trung Quốc như trước kia. Nếu Trung Quốc thật sự hữu hảo thì chúng ta bắt tay, nếu Trung Quốc chơi xấu, chúng ta tìm hướng tiếp cận khác. Chúng ta không để Trung Quốc chèn ép” – ông Lâm nói.

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn