Ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinacacao cho biết, ở Việt Nam, chocolate vẫn là món ăn của người giàu và chủ yếu bán cho giới trung lưu ở thành thị. Từ trước tới nay, chocolate thường dành để biếu tặng vì chúng được coi là một sản phẩm quý.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy, mỗi người Việt chỉ tiêu thụ khoảng 0,05 kg chocolate/năm, tức khoảng 50 gam/năm. Trong khi đó, mỗi người Singapore tiêu thụ 1 kg chocolate/năm, Nhật Bản là 1,25 kg/năm, Thụy Sĩ là 14 kg/năm. Chính vì vậy, thị trường chocolate của Việt Nam rất tiềm năng với 33% dân số thuộc tầng lớp trung lưu và có đến 16 triệu trẻ em”, ông Liêng nói.
Hiện tại, thị trường chocolate tại Việt Nam đang có giá trị khoảng 250 triệu USD, tức chỉ chiếm 10% giá trị tiềm năng nếu xét theo quy mô dân số và tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, thị trường chocolate thế giới ước đạt khoảng 57 tỷ USD. Nếu Việt Nam phát huy hết tiềm năng thị trường, có thể chiếm 2,4% thị trường thế giới, ước đạt 1,36 tỷ USD.
Chính vì tiềm năng thị trường rất lớn nên Vinacacao đã quyết định ký hợp tác thương mại hai chiều với Công ty Libeert (Bỉ) với mô hình hợp tác, kinh doanh rất mới.
Cụ thể, hai doanh nghiệp sẽ sử dụng phương án “Mua hàng để bán hàng” hay nói cách khác hai đối tác tại hai quốc gia sẽ hoán đổi thị trường, giúp nhau thâm nhập vào hệ thống phân phối tại quốc gia sở tại, qua đó đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối.
Mô hình hợp tác song phương này giải quyết dứt điểm cạnh tranh cùng ngành, chuyển đối thủ thành đối tác, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Lợi nhuận tăng gấp đôi từ chiều mua và chiều bán. Thanh toán bù - trừ nên sẽ không dùng ngoại tệ và cũng không chịu sự chênh lệch tỉ giá ngoại hối giữa mua – bán.
Điều kiện cơ bản để mô hình này thành công là doanh nghiệp tham gia phải phân phối vững vàng tại thị trường gốc và sản phẩm là thành phẩm tiêu dùng, có cùng bản chất hàng hóa.
Thỏa thuận nói trên ra đời trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang hết sức thuận lợi. Lộ trình thuế quan năm 2023 là 6,6%, năm 2024 là 3,3% và 2025 về mức 0%. Truy xuất nguồn gốc Cacao Trace (chống phá rừng) đã được thực hiện tại Việt Nam.
Cacao là nguyên liệu chính để sản xuất chocolate. Theo số liệu thống kê tại Hội nghị Cacao Việt Nam mới đây, ngành công nghiệp chocolate đang tiêu thụ hơn 4 triệu tấn hạt cacao từ khắp nơi trên thế giới, với mức tiêu thụ socola tăng trung bình là 5,7%.
Cacao Việt Nam được Tổ chức Cacao Quốc tế xếp loại “Cacao hảo hạng” vào năm 2015 nhờ hương vị trái cây và độ chua nhẹ. Yếu tố này giúp cacao Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Còn theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ chocolate của người Việt Nam là khoảng hơn 5.000 tấn/năm.
Bình luận