Các nhà khảo cổ tại đảo Sulawesi, Indonesia, cho biết những chú lợn được khắc trên hang động có niên đại ít nhất 45.500 năm tuổi. Bức tranh điêu khắc trên đá này là hình ảnh lâu đời nhất của động vật do con người lưu lại. Tranh được khắc và tô điểm bằng vật liệu màu đỏ son, mô tả một chú lợn đang quan sát cuộc chiến của đồng loại.
Bức điêu khắc được phát hiện ở khu vực có nhiều hang động đá vôi, đây là một trong những điểm đến ưa thích của các nhà khảo cổ. Trước đó, nhiều di sản văn hóa nghệ thuật khác cũng được tìm ra ở khu vực này. Một bức điêu khắc trên đá mô tả cảnh săn bắn có niên đại 43.900 năm được tìm thấy trong một hang động khác của đảo Sulawesi vào cuối năm 2019. Vào năm 2014, một nhóm các nhà khảo cổ khai quật được một loại giấy nến có niên đại 40.000 năm.
Trước đây, bức điêu khắc hang động lâu đời nhất được tìm thấy là một bức tranh tượng hình có từ 40.000 năm trước. Phát hiện mới nhất ở Indonesia đã thay đổi niềm tin rằng nghệ thuật điêu khắc bắt nguồn từ châu Âu.
Nghiên cứu mới cho thấy nghệ thuật tượng hình xuất hiện trước cả khi người Homo sapiens di cư ra khỏi châu Phi tới châu Âu và châu Á hơn 60.000 năm trước. Nghệ thuật ngày càng phổ biến hơn theo bước chân di cư của con người.
Picasso thời tiền sử
Bức tranh điêu khắc hơn 45.000 năm tuổi được hình thành từ những đường nét khá phức tạp. Các nhà khảo cổ khẳng định đây là tranh vẽ lợn do con vật có mõm dài nhô ra trước.
Chú lợn màu đỏ được khắc trên trần một hang động có chiều dài 187 cm, cao 110 cm. Các nghệ sĩ thời tiền sử đã sử dụng đá giàu chất sắt để tạo màu cho bức tranh vẽ bốn chú lợn. Chúng rất có thể là lợn Warty, một giống lợn được thuần hóa từ lâu đời ở Indonesia và vẫn còn phổ biến tại nước này tới ngày nay.
Maxime Aubert, một nhà khảo cổ học kiêm phó giáo sư tại đại học Griffith ở Úc, cho biết hiện chưa khai thác được nhiều thông tin về những người tiền sử đã khắc bức tranh này.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người Homo sapiens di cư đến Đông Nam Á từ 60.000 - 70.000 năm trước. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết họ chưa thể kết luận tác phẩm nghệ thuật điêu khắc này là do người Homo sapiens tạo ra.
“Tổ tiên của chúng ta phải vượt qua vùng biển Wallacea bằng tàu thủy để đến Úc từ ít nhất 65.000 năm trước. Tuy nhiên, phần lớn các đảo ở Wallacean đều chưa được khám phá, bằng chứng khảo cổ được khai quật sớm nhất từ khu vực này có tuổi đời còn trẻ hơn nhiều", nhà khảo cổ Aubert nói.
“Khám phá này nhấn mạnh tính cổ xưa của nghệ thuật điêu khắc đá tại Indonesia và ý nghĩa to lớn của nó trong việc tìm hiểu lịch sử của nghệ thuật và vai trò của nghệ thuật trong lịch sử sơ khai của nhân loại”, ông Adam Brumm, giáo sư tại trung tâm nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người tại đại học Griffith, cho biết.
Lịch sử nghệ thuật điêu khắc sơ khai
Nhà khảo cổ Maxime Aubert cho biết ngoài dấu tích của nghệ thuật tượng hình có niên đại 77.000 năm được tìm ra ở châu Phi, không có tác phẩm nghệ thuật tượng hình nào lâu đời hơn bức điêu khắc được phát hiện ở Indonesia.
Ông Aubert giải thích nguyên nhân là vì rất khó xác định niên đại của tranh điêu khắc hang động. Tuy nhiên, một số tác phẩm khắc trong hang động đá vôi có thể xác định niên đại bằng cách kiểm tra mức độ phân rã phóng xạ của các chất liệu tự nhiên hình thành trên bề mặt hang.
Sau khi áp dụng công nghệ này để kiểm tra bức tranh khắc những chú lợn ở Leang Tedongnge, phía Nam Sulawesi, các nhà nghiên cứu kết luận bức điêu khắc được tạo ra cách đây 45.500 năm. Nghệ thuật điêu khắc hang động có nguồn gốc lâu đời hơn bức tranh rất nhiều.
Các nhà khảo cổ cũng phát hiện một bức điêu khắc lợn khác trong cùng khu vực. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances, tác phẩm này có niên đại ít nhất 32.000 năm và được khắc bằng phương pháp tương tự bức thứ nhất.
Nhóm nghiên cứu hy vọng các phát hiện trong ngành khảo cổ ở Indonesia sẽ giúp giải mã sâu hơn về lịch sử hình thành nghệ thuật điêu khắc đá cổ.
"Chúng tôi đã tìm ra và ghi nhận nhiều hình ảnh nghệ thuật điêu khắc đá ở Sulawesi, hiện chúng vẫn đang chờ xác định niên đại. Chúng tôi hy vọng nghệ thuật điêu khắc đá ở hòn đảo này sẽ mang lại nhiều khám phá quan trọng hơn”, Adhi Agus Oktaviana, nghiên cứu sinh chuyên ngành nghệ thuật khắc đá tại Indonesia, cho biết.
Bình luận