• Zalo

Chống tham nhũng trong Công an, Quân đội: Mệnh lệnh không thể trì hoãn

Thời sựThứ Hai, 02/07/2018 10:02:00 +07:00 Google News

Ai có sai phạm, kể cả lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh trong ngành Công an, quân đội đều bị xử lý… là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm “không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng”.

Công cuộc chống tham nhũng từ lâu đã được Đảng ta quan tâm và quyết tâm này đã được thể hiện trong nhiều chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật.

Sau Đại hội Đảng XII, công tác phòng chống tham nhũng có những bước phát triển mới, có thể nói là đột phá với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và người đứng đầu Đảng đã đạt được nhiều kết quả, tạo sự hy vọng, tin tưởng trong người dân, tạo động lực để phát triển đất nước.

Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XII bế mạc, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại, rất khổ tâm, đau xót.

Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật một vài người để cứu muôn người.

1a

UBKT Trung ương yêu cầu xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng đối với Thượng tướng Phương Minh Hòa (ảnh trái) và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh. 

UBKT Trung ương yêu cầu xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng đối với Thượng tướng Phương Minh Hòa (ảnh trái) và Trung tướng  Nguyễn Văn Thanh. Tại nhiều cuộc họp khác, những chỉ đạo của Tổng Bí thư “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, “Ai đã nhúng chàm thì sớm gột rửa”, "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn", "Đừng sợ làm mà mất uy tín, đừng sợ khuyết điểm, và làm để lấy lại uy tín"… đã trở thành kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành cùng vào cuộc, tạo không khí đấu tranh quyết liệt với quốc nạn này.

Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lại mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay. Trong thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, của người đứng đầu Đảng ta, nhiều vụ án lớn, dư luận có lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt, còn băn khoăn, nghi ngại đều được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử công minh như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank; vụ án Phan Văn Anh Vũ…

Ai có sai phạm, kể cả cán bộ đương chức hay nghỉ hưu, lãnh đạo cấp cao, thậm chí cả cán bộ cấp cao của Đảng là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đều được xem xét, xử lý đúng người, đúng tội. Những hành động này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng đến cùng của Đảng ta và người đứng đầu Đảng, không có “vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng.

Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm và phòng chống tham nhũng lại càng được minh chứng rõ ràng hơn khi gần đây, hàng loạt cán bộ trong ngành công an, quân đội thoái hóa, biến chất đều bị đưa ra xem xét kỷ luật, kỷ luật, thậm chí đưa ra truy tố, xét xử. Trong số những người này có những vị là cấp tướng, cấp tá trong ngành.

Từ lâu, với hầu hết người dân, công an và quân đội là “vùng cấm” ở nhiều góc độ. Đó là sự tin tưởng gần như tuyệt đối

của người dân vào lực lượng được coi là mẫu mực gồm toàn những người được tôi luyện trong một môi trường nghiêm ngặt, được đào tạo bài bản về đạo đức nghề nghiệp, về lòng yêu Tổ quốc, thậm chí là cả sự sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.

Đó là tổ chức của những người luôn là đội quân tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Đó là trách nhiệm to lớn của lực lượng được coi là thanh bảo kiếm, là nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân và chế độ.

Đó là những quy định đặc thù mà người dân luôn cho rằng, sẽ rất khó để “thâm nhập” được vào 2 lực lượng này khi có vấn đề nào đó xảy ra.

Chính vì thế, trong các cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư với cử tri Hà Nội, nhiều cử tri cũng bày tỏ băn khoăn rằng, việc chống tham nhũng, xử lý cán bộ, nhất là những cán bộ trong ngành công an, quân đội có sợ làm mất uy tín của ngành.

Trả lời những e ngại của cử tri, Tổng Bí thư đã thẳng thắn công khai “có lúc bên công an, quân đội tâm tư, xin xử lý nội bộ hoặc nói thế nào để không làm mất uy tín hai cơ quan này”. Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng ta khẳng định: “Công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương, phải phanh phui nó ra, cắt bỏ nó đi thì mới chống được tệ nạn”.

Những quyết tâm của Tổng Bí thư lại một lần nữa khẳng định, chống tham nhũng không có bất kỳ “vùng cấm” nào, dù là cá nhân nào, ngành nào, kể cả lực lượng công an, quân đội.

Đây không chỉ là quyết tâm của Đảng, của Tổng Bí thư mà đó là mệnh lệnh để toàn dân, toàn hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc.

Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm. Mệnh lệnh không thể trì hoãn.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn