• Zalo

Chồng giấu giếm ôm tiền đi đầu tư, khi gặp rủi ro vợ có đòi được tài sản?

Tài chínhThứ Tư, 17/07/2024 14:48:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Trên mạng xã hội, nhiều người tranh luận về tình huống vợ/chồng giấu đối phương để đầu tư chứng khoán, mua bảo hiểm…có phạm luật, nếu rủi ro thì có đòi được tiền?

Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law cho biết, theo quy định của luật hiện hành, khi vợ hoặc chồng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung thì phải có sự thỏa thuận giữa vợ và chồng. Ngoài ra, vợ chồng phải có nghĩa vụ chung về tài sản phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Luật Hôn nhân & gia đình. Do đó, nếu vợ hoặc chồng đầu tư tài chính với số tiền lớn từ tài sản chung thì đối phương phải được biết và thỏa thuận rõ với nhau về nghĩa vụ.

nguyen-thanh-ha.jpg

nguyen-thanh-ha.jpg

Trong trường hợp không có sự đồng ý của bên còn lại mà vợ/chồng tự ý dùng tài sản chung để đầu tư nhằm mục đích kinh doanh thì giao dịch này bị xem là vô hiệu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law

Tại Điều 36 Luật Hôn nhân & gia đình quy định về tài sản chung của vợ chồng được đưa vào kinh doanh như sau:

"Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản”.

Như vậy, theo quy định trên, nếu giữa vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có thể sử dụng tài sản chung của vợ chồng để đầu tư chứng khoán, mua bảo hiểm...

Tuy nhiên, cần lưu ý, thỏa thuận này phải lập thành văn bản, nội dung cần thể hiện rõ được đối tượng của thỏa thuận bao gồm loại tài sản, số lượng tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh.

Do đó, việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng phải được cả hai vợ chồng thỏa thuận. Nếu số tiền này là tài sản chung của vợ chồng thì việc vợ/chồng tự định đoạt giao tài sản cho người khác là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, khi vợ/chồng tự ý sử dụng tiền để đầu tư mà không cho người còn lại biết thì người còn lại có quyền khởi kiện để đòi lại tài sản hoặc làm thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

“Có thể thấy, để một bên vợ/chồng được lấy tài sản chung để đầu tư thì phải được bên còn lại đồng ý. Trong trường hợp không có sự đồng ý của bên còn lại mà vợ/chồng tự ý dùng tài sản chung để đầu tư nhằm mục đích kinh doanh thì giao dịch này bị xem là vô hiệu”, luật sư Hà khẳng định.

Theo Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản; Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Theo đó, việc sử dụng tài sản chung của vợ chồng phải có sự thoả thuận của cả hai. Điều này đồng nghĩa với việc đối phương sẽ ý thức được tài sản chung sẽ được dùng vào việc gì. 

Tuy nhiên, trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân & gia đình (Khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tương tự, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc văn phòng luật Minh Bạch cũng cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ và chồng có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản chung, việc thực hiện quyền về tài sản của vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người còn lại, phải được sự đồng ý của bên còn lại.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung gây thiệt hại cho người vợ hoặc chồng còn lại thì có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Ngoài ra, theo luật sư Trần Tuấn Anh, Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Trong giao dịch với người thứ ba thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.

Theo quy định này, việc sử dụng động sản không phải đăng ký để thực hiện giao dịch như: tiền mặt (động sản không phải đăng ký)/ tài khoản ngân hàng/tài khoản chứng khoán đứng tên vợ/chồng không cần phải được sự đồng ý của người còn lại.

Mặt khác, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn, không bắt buộc vợ/chồng cùng đăng ký để mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán.

Có thể lấy lại tiền đầu tư đã mất không?

Trả lời câu hỏi trong trường hợp đầu tư gặp rủi ro, vợ hoặc chồng (người không biết) có thể lấy lại được tiền hay không, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, căn cứ Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản:

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

Đối chiếu quy định trên, để xác định vợ hoặc chồng (người không biết) có thể lấy lại tiền được không thì cần xác định tiền bị mang đi đầu tư có phải là tài sản chung không. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP nêu rõ:

“Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”, ông Hà dẫn giải.

Trong khi đó, luật sư Trần Tuấn Anh phân tích: Khi người vợ/chồng sử dụng tài sản không phải đăng ký như tiền/tài khoản ngân hàng/tài khoản chứng khoán để mua cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm mà gặp rủi ro thì khả năng người còn lại không thể thực hiện đòi tiền đối với người thứ ba.

tran-tuan-anh.jpg

tran-tuan-anh.jpg

Người vợ/chồng có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch đó vô hiệu đối với phần tài sản của mình. Tuy nhiên trên thực tế rất khó để tuyên giao dịch đó vô hiệu nên việc đòi lại tiền từ người thứ ba là gần như không thể

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc văn phòng luật Minh Bạch

Ngoại trừ trường hợp, nếu người xác lập giao dịch với người vợ/chồng khi đã được người đó hoặc người còn lại cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ/chồng theo các quy định trên mà vẫn cố tình xác lập thì giao dịch đó vô hiệu. Người vợ/chồng có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch đó vô hiệu đối với phần tài sản của mình.

"Tuy nhiên trên thực tế rất khó để tuyên giao dịch đó vô hiệu nên việc đòi lại tiền từ người thứ ba là gần như không thể", ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Ông dẫn giải, Điều 8 Nghị định 126/2014/NĐ-CP “Người thứ ba không ngay tình khi xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu.

Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:

Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;

Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng”

Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.

"Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu".

Phòng "bệnh" hơn chữa "bệnh"

Để bảo vệ tài sản, quyền lợi của mình trong đời sống chung vợ/chồng, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo, việc bảo vệ tài sản và quyền lợi trong đời sống chung vợ chồng nên bắt đầu từ việc hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hôn nhân gia đình.

Trước hết, các cặp đôi nên cân nhắc ký kết hợp đồng tiền hôn nhân để thỏa thuận về tài sản. Hợp đồng có thể mang nội dung xác định rõ ràng tài sản riêng và tài sản chung của mỗi người trước khi bước vào hôn nhân, từ đó tránh được những tranh chấp không đáng có về tài sản sau này. Pháp luật cũng cho phép vợ chồng được thỏa thuận về tài sản trước hôn nhân tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

Trong thời kỳ hôn nhân, việc quản lý tài sản chung cũng là một yếu tố quan trọng, cặp vợ chồng nên thảo luận và thống nhất về cách thức quản lý tài sản chung, có thể mở tài khoản ngân hàng chung để chi tiêu cho gia đình và có các thỏa thuận rõ ràng về việc chi tiêu riêng. Điều này giúp đảm bảo rằng cả hai bên đều có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau trong việc sử dụng tài sản chung, đồng thời giúp tránh những xung đột về tài chính.

Cả vợ và chồng đều nên trang bị cho mình những kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình để bảo vệ quyền lợi của mình nếu có tranh chấp xảy ra. Điều này bao gồm việc biết rõ các quyền về sở hữu tài sản, quyền và nghĩa vụ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, cũng như quyền được tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình. Nhưng cốt lõi vẫn là việc giữ gìn sự tin tưởng, trung thực và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ vợ chồng để bảo vệ tài sản và quyền lợi của mỗi bên cũng như quan hệ hôn nhân.

Còn luật sư Trần Tuấn Anh khuyến cáo, rất nhiều trường hợp người vợ/chồng đem toàn bộ tài sản của gia đình đi “đầu tư” nhưng thua lỗ, người còn lại cũng không còn tài sản mà đôi khi còn phải “gánh” những khoản nợ mà người kia tạo nên, dẫn đến không thể đảm bảo cuộc sống cho gia đình, nuôi dạy con cái.

“Chúng ta nên thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Điều này có thể giảm thiểu trách nhiệm liên đới của người còn lại trong các giao dịch với người thứ ba khi chứng minh được việc đầu tư của vợ/chồng không đóng góp vào khối tài sản chung.

Điều này cũng phần nào gắn trách nhiệm cho người vợ/chồng trước khi quyết định thực hiện các giao dịch mang tính rủi ro cao, và anh ta/chị ta phải thông tin về chế độ tài sản cho người thứ ba biết.

Tuy nhiên, theo quan niệm văn hoá gia đình của Việt Nam, hầu hết mọi người đều ngại đề cập đến thoả thuận tài sản trước khi khi kết hôn, sợ bị đối phương đánh giá quá “sòng phẳng” “thực dụng”. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi quan điểm sống này", ông nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo luật sư vợ chồng nên tôn trọng nhau, thống nhất thỏa thuận quản lý tài sản chung, thống nhất đầu tư…tài sản cho phù hợp với công việc kinh doanh của nhau cũng như đảm bảo duy trì cuộc sống gia đình ổn định. Hoặc vợ chồng có thể đồng sở hữu một tài khoản ngân hàng, khi thực hiện một giao dịch, bắt buộc phải được sự đồng ý của 2 vợ chồng.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn