Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ khoảng 40 ngày, 'chợ mạng' bắt đầu nhộn nhịp đổi tiền mới lì xì Tết. Năm nay, các đầu mối đổi tiền cho biết nguồn tiền mới dự báo hiếm hơn các năm trước, nên đưa thêm nhiều tiền “lướt” vào đổi cho khách có nhu cầu. Theo quảng cáo, đây là loại tiền lọc lại, không cùng seri và mới 90-99%.
So với tiền mới, phí đổi tiền lướt rẻ hơn 50%. Một đầu mối ở Bình Dương cho biết nếu đổi tiền lướt mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, khách chỉ cần trả phí 40 nghìn đồng khi đổi 1 triệu đồng - tức khi đổi 1 triệu đồng, khách trả 1 triệu tiền đổi và 40 nghìn đồng tiền phí.
Với tiền lướt các mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, phí là 15 nghìn đồng/tệp (mỗi tệp 500 nghìn đồng).
Trong khi đó, nếu đổi 1 triệu đồng tiền mới nguyên seri với mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng, phí sẽ ở mức 70 nghìn đồng. Hai mệnh giá này đang có phí cao nhất vì hiếm hơn các mệnh giá khác.
Với 1 triệu đồng tiền mới nguyên seri các mệnh giá 50.000 đồng,100.000 đồng, 200.000 đồng, phí đổi tiền được các đầu mối báo là 50-60 nghìn đồng.
Các mệnh giá nhỏ 2.000 đồng, 5.000 đồng phí đổi 1 triệu đồng cũng khoảng 60 nghìn đồng.
Riêng với tiền 2 USD, giá bán 10 tờ được đầu mối này báo là 590 nghìn đồng.
Các đầu mối đổi tiền cho biết mức phí này là dành cho khách lẻ. Với khách sỉ phí sẽ rẻ hơn tùy vào số lượng tiền đổi.
“Mình có sẵn nguồn tiền tất cả các mệnh giá, khách sỉ cần đổi vài chục triệu cũng phục vụ đủ. Khách có thể nhận tiền ngay tại nhà, nhận tiền tại ngân hàng để đảm bảo đều được”, L.L, một mối đổi tiền đang quảng cáo miễn phí ship ở khu vực Thủ Đức, Dĩ An (Bình Dương) cho biết.
Một đầu mối ở Tân Bình cho biết thời điểm này mới chốt số lượng với khách quen, khách lạ thì nhận cọc chứ chưa có tiền giao ngay mà đến đầu tháng Chạp mới có tiền về. Theo đầu mối này, tiền mới của mình đổi là tiền từ ngân hàng, số lượng lớn nhưng chỉ đổi cho khách lẻ, không nhận khách sỉ.
Lý do chốt trước với khách là do càng sát Tết phí đổi tiền càng tăng lên. Năm nay dự báo lượng tiền mới không nhiều nên phải chốt trước để đảm bảo số lượng và mức phí đổi.
Bên cạnh đó, chị này nói cũng có một số khách quen đổi tiền sớm để có phí thấp, nhưng sợ nhận tiền về xài hết nên chốt số lượng và chuyển khoản một phần hoặc toàn bộ, đến gần Tết mới nhận tiền.
Để tăng lượng khách hàng, mở rộng mạng lưới, các đầu mối đổi tiền cũng liên tục tuyển cộng tác viên.
Một nhân viên một nhà sách ở TP Thủ Đức, cho biết năm nào chị cũng nhận làm cộng tác viên đổi tiền mới để kiếm thêm thu nhập Tết. Ban đầu làm việc này cũng chỉ với mục đích “dư” ít tiền mới về quê lì xì. Nhưng năm ngoái, hoa hồng đổi tiền mới của chị được kha khá, hơn 3 triệu đồng nên năm nay, chị quyết định tự đổi tiền mới với phí dành cho khách sỉ ở các mối quen, rồi đổi lại cho khách lẻ, mong kiếm lời nhiều hơn.
Chị đã gom góp đổi hơn 30 triệu đồng từ đầu tháng 12 và đang nhận đổi lại cho đồng nghiệp, hàng xóm ở chung cư. Chị cho biết khách quen dặn trước cũng tương đương số tiền chị có, nên hy vọng gần Tết, lượng tiền mới chị nhận đổi sẽ tăng thêm.
Bà Duyên, chủ một cửa hàng tạp hóa ở quận Bình Thạnh, cho biết năm nào khách quen cũng nhờ đổi tiền mới. Bà cũng nhờ vả nhiều mối hàng quen để có tiền mới đổi giùm khách nhưng số lượng rất hạn chế. Năm nay, từ tháng 11, bà quyết định tham gia một nhóm đổi tiền mới để “thoải mái” đổi tiền cho người nào có nhu cầu, tất nhiên bà cũng được thêm chi phí.
Hiện bà Duyên chỉ nhận đổi tiền mới khoảng 90% với đủ các mệnh giá. Trong đó, tiền mệnh giá 50.000 đồng phí đổi là 80 nghìn với tệp 5 triệu đồng. Nếu khách đổi lẻ 1 triệu đồng thì phí phải trả là 20 nghìn đồng.
Với mệnh giá 20.000 đồng, phí đổi là 70 nghìn đồng cho tệp 2 triệu đồng; mệnh giá 10.000 đồng thì phí đổi là 35 nghìn đồng cho tệp 1 triệu đồng...
Đổi tiền không đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt
Điều 12, Điều 13 Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định người dân muốn đổi tiền mới có thể đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước để thực hiện.
Cụ thể, NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN được quyền thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân; niêm yết mẫu tiêu biểu và quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; hướng dẫn, kiểm tra việc thu, đổi, tuyển chọn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước được tuyển chọn, phân loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và niêm yết mẫu tiêu biểu, quy định thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại nơi giao dịch.
Như vậy, chỉ NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có thẩm quyền thu, đổi tiền và việc thu, đổi tiền mới chỉ được thực hiện đối với những loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Theo luật sư Nguyễn Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, hiện không có quy định nghiêm cấm cá nhân trao đổi tiền mới với nhau trong dịp Tết. Do đó, hành vi trao đổi tiền mới để lì xì thì không được xem là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cá nhân thực hiện dịch vụ đổi tiền mới có phát sinh chi phí để kiếm lời là đang vi phạm pháp luật. Việc xử phạt sẽ thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.
Ngoài ra theo luật sư Đức, tại Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 15/12/2023, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Bình luận