• Zalo

Chính trường Italia sẽ thay đổi ra sao khi liên minh trung hữu chiến thắng?

Thời sự quốc tế Thứ Hai, 26/09/2022 15:09:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Hơn 2 tháng kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố từ chức, liên minh trung hữu đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội ở Italia.

Thắng lợi này đã được dự báo trước khi liên minh trung hữu Italia liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử. Kết quả bầu cử sơ bộ tại Italia rạng sáng 26/9 (theo giờ Việt Nam) cho thấy (dự kiến) liên minh trung hữu đã giành thắng lợi khá cách biệt so với liên minh trung tả và liên minh trung dung.

Chính trường Italia sẽ thay đổi ra sao khi liên minh trung hữu chiến thắng? - 1

Liên minh trung hữu Italia. (Ảnh: Repubblica)

Đây chưa phải là kết quả chính thức mà mới chỉ là kết quả của các cuộc thăm dò dư luận do các hãng thực hiện đối với các cử tri Italia ngay sau khi bỏ phiếu (exit poll) nên mặc dù các kết quả này thường tương đối chính xác nhưng đây vẫn chưa phải là các con số cuối cùng. Về tỷ lệ phiếu mà các đảng phái giành được thì có thể thấy là không có bất ngờ quá lớn, khi liên minh trung hữu do đảng cực hữu “Những người anh em Italia” dẫn dắt đã giành số phiếu cao nhất, từ 41-45%, trong đó riêng đảng cực hữu “Những người anh em Italia” của bà Giorgia Meloni dự kiến giành từ 22-26%, trở thành chính đảng lớn nhất Italia.

Điều tương đối đáng chú ý là trong liên minh trung hữu, đảng “Tiến lên Italia” của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, trước đây vốn là đảng cánh hữu lớn nhất, lại chỉ giành số phiếu rất khiêm tốn là 6-8%, thấp nhất trong 3 đảng liên minh. Điều này sẽ khiến ông Silvio Berlusconi khó có hy vọng cạnh tranh vị trí Thủ tướng với bà Giorgia Meloni. 

Nhìn chung, giới phân tích tại Italia và châu Âu cho rằng kết quả cuộc bầu cử này không bất ngờ bởi tỷ lệ phiếu mà các đảng giành được khá sát với các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm cho rằng, đảng Dân chủ (PD) trụ cột bên cánh tả dù thất bại nhưng cũng giành số phiếu cao hơn dự đoán, từ 17-21%, cách biệt không quá xa so với đảng “Những người anh em Italia” và điều này cho thấy là nếu đảng Dân chủ có chiến lược hợp lý hơn từ đầu chiến dịch tranh cử, đặc biệt là việc kết nối lại được liên minh với đảng “Phong trào 5 sao” (M5S) thì liên minh trung tả cũng có cơ hội chiến thắng, bởi đảng M5S cũng đã có dấu hiệu phục hồi ảnh hưởng, nhất là tại miền Nam Italia, với số phiếu giành được dao động từ 13,5% đến 17,5%, tức là đảng lớn thứ 3 tại Italia.    

Chính phủ mới của Italia sẽ toàn là những nhân vật cánh hữu?

Trong số các cường quốc kinh tế tại châu Âu thì Italia luôn có truyền thống bất ổn chính trị. Nhiều nhà phân tích chính trị tại Italia và châu Âu còn coi đây là đặc tính nổi bật nhất của nền chính trị Italia, với các con số rất khó hình dung ở các nước khác, như việc Italia đã trải qua đến 43 đời thủ tướng kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới 2 và sắp có Thủ tướng thứ 4 trong vòng 4 năm qua.

Do đó, việc chính trường Italia ghi nhận các sự kiện bất ngờ không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, việc trong vài năm qua, liên tiếp các đảng dân tuý và giờ đây là các đảng cực hữu, có quá khứ phát-xít lên nắm quyền cho thấy, các nền tảng chính trị truyền thống của Italia đang bị lung lay mạnh. Đảng Dân chủ, lá cờ đầu bên cánh tả giờ đây đã suy yếu, và nhiều nhà quan sát cho rằng đảng này đã biến thành một đảng của tầng lớp trung lưu và ngày càng xa rời tầng lớp lao động.

Bên cánh hữu, đảng nổi bật nhất là đảng “Tiến lên Italia” cũng đã đánh mất vai trò, thể hiện qua hình ảnh của chính lãnh đạo đảng này là cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi năm nay đã 86 tuổi. Vì thế, bức tranh chính trường Italia ngày nay là hệ quả của việc các đảng phái truyền thống đánh mất ảnh hưởng của mình, không đáp ứng được với các đòi hỏi ngày càng lớn của các cử tri, nhất là các bức xúc về việc gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, vấn nạn nhập cư, tham nhũng, tội phạm…. cũng như không thích ứng được với các biến động xã hội và địa chính trị lớn tại châu Âu và trên thế giới. 

Với chính phủ mới tại Italia, đây sẽ là chính phủ thiên hữu nhất tại Italia kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và 3 đảng trong liên minh cánh hữu này, gồm đảng “Những người anh em Italia” của bà Giorgia Meloni, đảng “Tiến lên Italia” của ông Silvio Berlusconi và đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini chia sẻ rất nhiều quan điểm tương đồng trong việc siết chặt, thậm chí là sẽ có những chính sách cực đoan về nhập cư.

Tiếp đến, các đảng này cũng sẽ có đường lối dân tộc chủ nghĩa mạnh hơn, bảo hộ mạnh hơn trước sự can thiệp từ Uỷ ban châu Âu. Rất nhiều người đã bắt đầu so sánh bà Giorgia Meloni như là một phiên bản nữ của Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban, tức là theo đuổi các chính sách dân tộc chủ nghĩa, bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống, chống nhập cư, chống xu hướng đồng tính, chống các trào lưu văn hoá bị xem là đe doạ đến nền tảng của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây. Đây sẽ là các thay đổi rất lớn tại một trong những nước là thành viên sáng lập EU. 

Phản ứng của EU trước tình hình chính trị Italia

Việc chính phủ của ông Mario Draghi sụp đổ tháng 07/2022 là một cú sốc lớn với Liên minh châu Âu bởi ông Mario Draghi là một nhà kỹ trị ủng hộ tuyệt đối châu Âu. Ngược lại, kịch bản lãnh đạo đảng có quá khứ phát xít là bà Giorgia Meloni lên làm Thủ tướng chính là kịch bản mà châu Âu không mong muốn nhất. Mặc dù bà Meloni cũng sẽ không theo đuổi các chính sách cực đoan như đưa Italia ra khỏi EU hay ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone nhưng có ít nhất 2 lĩnh vực mà châu Âu đang chờ đợi một cách hết sức lo âu, đó là chính sách với người tị nạn và chính sách kinh tế.

Về vấn đề tị nạn, một khi liên minh cánh hữu nắm quyền thì gần như chắc chắn Italia sẽ thực thi các chính sách vô cùng khắc nghiệt để chấm dứt làn sóng tị nạn đổ về nước này. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều bi kịch nhân đạo mà EU không thể làm ngơ bởi do vị trí địa lý của mình, Italia chính là một trong những điểm nóng nhất về nhập cư và tị nạn của châu Âu. Vì thế, các chính sách mới về nhập cư của Italia có thể sẽ đi ngược lại chính sách chung của EU và làm phá sản các kế hoạch của EU. 

Lo ngại lớn thứ hai của EU là về chính sách kinh tế của chính phủ mới tại Italia. Trong chiến dịch tranh cử, bà Giorgia Meloni từng nhiều lần tuyên bố muốn xoá bỏ hoàn toàn các quy định vàng của EU về kỷ luật ngân sách như việc không thâm hụt ngân sách hàng năm quá 3% GDP hay nợ công không quá 60%. Tiếp đến, Italia là nước được hưởng lợi nhất từ gói phục hồi kinh tế hậu đại dịch trị giá 750 tỷ euro mà EU triển khai từ năm 2021 nên châu Âu luôn theo dõi rất sát các cải cách tại Italia, xem Italia như là nơi để kiểm nghiệm chính xác nhất tính hiệu quả của gói 750 tỷ euro.

Dưới thời ông Mario Draghi, vốn là một nhà kỹ trị và từng đứng đầu Ngân hàng trung ương châu Âu – ECB, Italia được xem là đang đi đúng hướng, với các kế hoạch cải cách rất nghiêm ngặt và bài bản nhưng với chính phủ mới tại Italia, Uỷ ban châu Âu thực sự lo lắng rằng các nguồn tiền phục hồi hàng trăm tỷ euro mà châu Âu cấp cho Italia sẽ bị phung phí bởi nạn quan liêu và tham nhũng. Đó là lí do mà bà Ursula von der Leyen đưa ra cảnh báo với liên minh cánh hữu tại Italia, với ngầm ý rằng nếu chính phủ mới tại Italia đi sai đường thì châu Âu có thể sẽ cắt nguồn tiền khổng lồ này.

Cuối cùng, châu Âu còn đang rất bất an về các quan điểm của liên minh trung hữu Italia với xung đột Nga-Ukraine. Dù bà Giorgia Meloni nêu cao quan điểm tiếp tục ủng hộ Ukraine nhưng lãnh đạo hai đảng còn lại là ông Silvio Berlusconi và Matteo Salvini đều thể hiện công khai thiện cảm với Nga. Cách đây vài ngày, ông Silvio Berlusconi đã lên tiếng bảo vệ Tổng thống Nga Vladimir Putin trên truyền hình trong khi ông Matteo Salvini từng nhiều lần phản đối các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt này chỉ khiến nền kinh tế Italia phải quỵ gối. Do đó, sự mập mờ trong các chính sách của liên minh trung hữu Italia là điều khiến châu Âu cảm thấy rất bất an.

Quang Dũng(VOV-Paris)
Bình luận
vtcnews.vn