• Zalo

Chiến tranh biên giới Vị Xuyên: Những người hùng ngã xuống

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 21/07/2016 06:35:00 +07:00Google News

Chỉ 1 đại đội quyết đấu với một lực lượng gấp hàng chục lần tràn lên đỉnh núi, quá đông và hung hãn.

Kỳ 3: Ký ức bi hùng

Nhắc lại đợt tấn công thứ 2 của quân Trung Quốc trên cao điểm 1509 (Vị Xuyên, Hà Giang) ngày 28/4/1984, cựu binh Đường Minh Tuấn (Trung đoàn 122, Sư đoàn 313) cho biết: “Hơn 9h sáng, chúng dội pháo như mưa, tưởng như sẽ san phẳng đỉnh núi, rồi kéo hết quân số lên từ mọi ngả định tấn công tổng lực”.

Chỉ 1 đại đội (quân số chưa đến 100 người) quyết đấu với một lực lượng gấp hàng chục lần tràn lên đỉnh núi, quá đông và hung hãn, nhưng các chiến sĩ chốt giữ không ai chịu lùi bước, quyết bắn đến viên đạn cuối cùng.

Cựu binh Đỗ Minh Sáng khẳng định: “Cuộc tấn công của quân Trung Quốc trong ngày 28/4/1984 trên đỉnh 1509 dù lấn chiếm được một số vị trí nhưng tổn thất về quân số thì không thể kể hết. Quân Trung Quốc đã phải kinh hoàng trước khả năng phối hợp chiến đấu và tinh thần kiên cường gan dạ của bộ đội Việt Nam”.

chien-tranh-1979-lo-voi-the-ky-va-coi-xay-thit-nguoi-o-ha-giang-2

 Đỉnh 1509, nơi diễn ra cuộc tử thủ 32 năm trước

Ở đợt tấn công thứ 2, bên phía các chiến sĩ Đại đội 22 đã bắt đầu có thương vong. Khẩu đại liên do bộ binh tên Hải (Tuyên Quang) và trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng đang bắn kịch liệt xuống phía dưới thì bị trúng đạn pháo của địch. Ông Hải hy sinh, ông Sáng bị mảnh đạn găm vào đầu. Ông Sáng băng bó và nén đau tiếp tục chỉ huy chiến đấu.

Mỏm 1 gần đỉnh 1509 vẫn còn nguyên vẹn, nhưng phía đơn vị chốt giữ trên mỏm Cây Khô quân Trung Quốc đã tràn sang lấn chiếm. Ông Sơn, Trung đội trưởng Trung đội 1 chốt giữ ở đó với hơn chục chiến sỹ đã hy sinh. Ngay sau đó, Đại đội 23 đã tiến lên hỗ trợ trên đỉnh. Địch co cụm lại, không còn tấn công ào ạt như lúc đầu nữa mà chia thành nhiều mũi đánh lên.

Cựu binh Đường Minh Tuấn đang xách khẩu AK tỳ vào vách chiến hào lia cả băng về phía trước, bỗng phát hiện ra một tốp 5 tên lính đang lom khom chui qua gốc cây đổ phía dưới, tức khắc chĩa AK bắn tới tấp. Tốp lính đang loay hoay ẩn nấp không ngóc đầu lên được, thì ở gần đó, một chiến sĩ tên Thạch phóng thẳng xuống quả đạn B41, để lại một luồng lửa, cả 5 tên tan xác.

Một quả ĐH 10 (mìn kleymo) bị pháo Trung Quốc bắn văng ra khỏi chiến hào. Chiến sĩ chốt giữ tên Thủ lặng lẽ bò ra lấy lại và cài sẵn trên miệng hào, nằm im chờ cho lính Trung Quốc bò lên đông, lại gần anh mới phát hỏa. Khi mìn nổ xong, mấy anh em chiến sĩ mò ra xem thì thấy sườn đồi không bóng giặc, chỉ còn nghi ngút khói đen.

fghgf

 Đơn vị pháo 105 ly của Trung đoàn 457, Sư đoàn 313 trên chiến trường Vị Xuyên

Ông Tuấn nấp trên đỉnh 1509 bắn xuống hết cả mấy băng đạn, rồi lấy khẩu AK của đồng đội đã hy sinh gần đó bắn tiếp. Ngay lúc đó, chiến sỹ tên Khoát (Vĩnh Phúc) của Đại đội 23 vác khẩu đại liên vừa lên đến nơi, liền dõng dạc tuyên bố: “Vị trí này đẹp, đồng hương để cho tôi chỗ này”, rồi bóp cò liên hồi tưởng như chưa bao giờ được bắn.

Đợt tấn công thứ 2 của quân Trung Quốc bị chặn đứng, lính Tàu dù xua quân tổng lực nhưng vẫn không thể tiến lên nổi, chúng hô hào tản ra xung quanh và tiếp tục gọi pháo kích.

Một trận pháo ác liệt trùm lên đầu các chiến sỹ chốt giữ, những tiếng “xoẹt…oành…” nổ đinh tai nhức óc. Tiếng đạn ĐKZ và B41 của địch bắn trượt rít qua mặt mọi người, pháo nổ liên hồi, nhưng toàn bộ anh em vẫn không ai chịu vào hầm tránh đạn, giữ nguyên vị trí chờ quân Trung Quốc tiến lên để tiêu diệt.

Một quả cối 100 ly nổ ngay trên nóc chiến hào nơi cựu binh Đường Minh Tuấn đang ẩn nấp. Viên đạn nổ khiến ông Tuấn choáng váng, máu trong mồm và mũi chảy ra. Vị trí mà chiến sĩ Khoát đặt khẩu đại liên cách đấy tầm chục mét cũng bị đạn cày xới. Ông Khoát hy sinh khi bị một quả ĐKZ của quân Trung Quốc bên phía đồi Cây Khô bắn sang.

Trung đội trưởng Đỗ Minh Sáng tiếp tục bị thương lần thứ 2 khi đang chiến đấu cùng đồng đội trên mỏm 1. Ông bị một viên đạn xuyên qua bả vai. Chỉ còn một cánh tay lành lặn nhưng vẫn kiên quyết không lùi ra phía sau, tiếp tục chỉ huy anh em chống trả quyết liệt.

Quân Trung Quốc tiếp tục tổ chức đợt tấn công thứ 3 lên đỉnh 1509. Lần này, chúng đưa cả xe ô tô chở quân áp sát vào trận địa, quyết đánh bằng được. Chúng chia làm 2 mũi tấn công lên cao điểm 1509.

Bên phía Việt Nam, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 ra lệnh cho Đại đội 5 đưa lực lượng lên phối hợp phản kích. Hai bên quần thảo, giằng co nhau hàng tiếng đồng hồ trên đỉnh một ngọn núi nhỏ.

13668975_263724417329302_2961922675847773927_n

Cựu binh Sư đoàn 313 bên di ảnh Đại đội trưởng Trần Ngọc Thông 

Lần này, quân Trung Quốc đã tràn lên được mỏm 2,  các chiến sỹ chốt giữ trên mỏm lao vào đánh giáp lá cà với giặc. Đại đội trưởng Đại đội 6 Trần Ngọc Thông (Ý Yên, Nam Định) đang chiến đấu cùng với ông Đường Minh Tuấn và đồng đội ở mỏm 1, thấy mỏm 2 bắn nhau ác liệt quá, tức khắc lao xuống chỉ huy anh em chiến đấu.

Thấy quân Trung Quốc tràn lên đông quá, bên phía mình thương vong cũng khá nhiều, ông Thông ra lệnh cho các đồng đội rút xuống bảo toàn lực lượng, còn bản thân mình thì ở lại. Ông gọi lớn qua đường dây thông tin liên lạc: “Trận địa 105 cứ bắn vào đầu chúng tôi đi, địch ở xung quanh chúng tôi rồi”.

Lúc đó, ta có 2 khẩu cối 120 bố trí ở Bình độ 1200 bắn lên yểm trợ rất tốt, nhưng đến trưa thì không bắn được vì bàn đế bắn nhiều nên lún sâu xuống 1m, nòng bị nóng. Pháo 105 của Trung đoàn 457 đặt ở Nậm Ngặt, không còn mãnh liệt như lúc sáng vì việc vận chuyển đạn dược cực kỳ khó khăn.  

13697269_263724477329296_3652295926459617460_n

 

Đúng lúc ấy, quân Trung Quốc lại tập trung bắn cối 60 và ném lựu đạn như mưa. Đại đội trưởng Trần Ngọc Thông ngã xuống khi mới 27 tuổi. Ở gần đó, xạ thủ B41 Cao Xuân Chiêu bắn tới 17 quả đạn và cũng đã hy sinh tại trận địa.

“Cho đến quá trưa, quân Trung Quốc đã tràn hết lên mỏm 2 và mỏm Cây Khô trên đỉnh 1509, riêng mỏm 1 vẫn được giữ vững. Lúc đó, anh em chúng tôi chỉ còn một ít đạn AK, lựu đạn có mấy thùng đã quăng hết. Trong khi đó, hỏa lực chi viện của chiến trường không lên được đến đỉnh vì địch bắn chặn mọi ngả đường tiếp tế. Địch lại chuẩn bị mở một đợt tấn công mới. Trung đội trưởng trung đội 3 báo cáo xin lệnh của cấp trên và được đồng ý cho rút lui khỏi trận địa, chờ dịp phản kích”, cựu binh Đường Minh Tuấn nhớ lai.

Còn tiếp…

Hải Minh (Theo ký ức Đất mẹ, lời kể của cựu binh Đỗ Minh Sáng, Đường Minh Tuấn, cùng các đồng đội Sư đoàn 313, Mặt trận Vị Xuyên)

Bình luận
vtcnews.vn