• Zalo

Chi hàng tỷ đồng làm đường chỉ phục vụ cho khu nhà không phép?

Bất động sảnThứ Ba, 21/11/2017 08:07:00 +07:00 Google News

Hà Nội đã phải chi hàng tỷ đồng GPMB, làm đường và vỉa hè tại dự án cống hóa mương Thái Hà (quận Đống Đa) nhưng khi làm xong chỉ để phục vụ cho khu nhà không phép cho thuê kinh doanh gây bức xúc dư luận.

Đường làm xong chỉ phục vụ cho quán nhậu

Tuyến mương Thái Hà dài khoảng 400m (chạy dọc theo đường Thái Hà từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đến đầu phố Hoàng Cầu-PV), ban đầu được UBND TP Hà Nội cho Cty CP Taxi Hà Nội thuê đất để thực hiện Dự án cống hóa làm bãi đỗ xe tại Quyết định 1621/QĐ-UBND ngày 29/10/2008. Sau đấy, nhà đầu tư này đã có văn bản xin không triển khai được dự án.

Tháng 5/2013, Hà Nội đã chấp nhận dừng triển khai dự án trên và giao Sở Xây dựng xem xét phê duyệt điều chỉnh bổ sung hạng mục xây dựng cải tạo mương Thái Hà vào Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường thành phố (dự án II).  

Video: Sẽ đấu giá bất động sản bầu Kiên

Sau khi chi hàng tỷ đồng để GPMB và thi công dự án gồm đường và vỉa hè, tuyến mương này trở thành tuyến đường dân sinh có vỉa hè rộng lớn và sạch đẹp. Tuy nhiên, khi tuyến đường hoàn thành thay gì phục vụ cho dân sinh thì nơi đây chủ yếu phục vụ cho khu nhà mặt phố với hàng chục hộ chạy dọc phố Thái Hà kinh doanh buôn bán sầm uất suốt ngày đêm.

“Chúng tôi không hiểu nổi, cả tuyến đường thi công xong giờ trở thành nơi để xe, trông giữ xe phục vụ cho hàng quán, cho các hộ kinh doanh ở đây. Trong khi, vào giờ cao điểm ùn tắc giao thông dân phải leo lên vỉa hè, chen chúc nhau ở trục đường Thái Hà song song với tuyến đường này”, ông Lê Công Hoàng, người dân ở phố Thái Hà bức xúc.

Điều đáng nói, hàng chục ngôi nhà mặt phố này (từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đến đầu phố Hoàng Cầu-PV), là khu phố xây dựng trái phép cao từ 2 đến 4 tầng kiên cố, nằm trong quy hoạch xây dựng Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa (giai đoạn 1), với cái tên thường gọi là dự án Công viên Đống Đa.

Cũng chính từ năm 2013 khi dự án cống hóa làm đường được thực hiện, khu nhà xây dựng trái phép này trở thành khu nhà mặt phố buôn bán tấp nập. Ngoài ra, từ khi ra mặt đường, các hộ kinh doanh “bung” các biển hiệu quảng cáo, ô dù, mái che, mái vẩy lộn xộn gây mất mỹ quan đô thị nơi đây. Trong khi nhiều căn nhà cao tầng, kiên cố khác liên tiếp “mọc” lên dọc tuyến phố. Thậm chí, nhiều hộ kinh doanh ở đây đã tự xây bục, bê tông chặn đường làm nơi trông giữ xe riêng. 

thai_ha_1_dskp

 Một số hộ dân ở khu phố xây không phép này còn dùng cả khúc bê tông để ngăn thành nơi để xe cho khách hàng.

Buông lỏng quản lý, thao túng cho sai phạm

Qua tìm hiểu, để phục vụ cho Dự án xây dựng Công viên Đống Đa (giai đoạn 1), năm 2001 UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6358/QĐ-UB, thu hồi hơn 7 ha đất tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và phường Thành Công (quận Ba Đình).

Thực hiện Quyết định số 6358/QĐ-UB, cuối năm 2001, UBND quận Đống Đa đã thu hồi 2.328m2 đất thuộc ao Thước Thợ, phường Trung Liệt.

Tuy nhiên, đến nay dự án Công viên Đống Đa chưa được triển khai, trong khi hàng nghìn m2 đất trong diện quy hoạch dự án đã bị “xẻ thịt” xây dựng lên hàng trăm ngôi nhà kiên cố cao  từ 1,5 đến 4 tầng mà không có giấy phép xây dựng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, toàn bộ phần đất tiếp giáp mương Thái Hà (từ Trung tâm chiếu phim Quốc gia đến đầu phố Hoàng Cầu), dù đã có quyết định thu hồi đất nhưng hiện trở thành khu phố với một dãy nhà kiên cố (2 đến 4 tầng-PV), hình thành một khu phố hàng ăn, quần áo thời trang hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.  

Điều đáng nói, những công trình không phép này hình thành liên tục từ năm này qua năm khác, nhưng lại không được chính quyền địa phương xử lý kịp thời, dẫn đến công trình vi phạm mọc tràn lan.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa), thừa nhận có tình trạng công trình không phép hình thành trên đất đã có quyết định thu hồi xây dựng Công viên Đống Đa. Vị này cho rằng, đây là sai phạm có yếu tố lịch sử do các thời lãnh đạo trước để lại. 

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn