• Zalo

Chen nhau mua tiền lưu niệm 100 đồng, ngân sách Việt Nam đang gặp 'vấn đề'

Kinh tếThứ Bảy, 23/04/2016 06:30:00 +07:00 Google News

Chưa có đề xuất cho phép nhập khẩu gà chính ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam, ngân sách nhà nước của Việt Nam đang thực sự có "vấn đề".

Cục Thú y vừa xác nhận chưa có đề xuất cho phép nhập khẩu gà chính ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam, còn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá ngân sách nhà nước của Việt Nam đang thực sự có "vấn đề".

Dân Sài Gòn chen nhau mua tiền lưu niệm 100 đồng

Trong ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thực hiện việc bán tiền lưu niệm 100 đồng cho người dân đã đăng ký,ngày 22/4, từ sáng sớm người dân đã phải đứng xếp hàng dài, thậm chí rất nhiều người phải xếp hàng chờ cho lượt mua lần sau.

Tại điểm bán tiền lưu niệm còn phải huy động thêm lực lượng công an để đảm bảo trật tự.
Cảnh người dân xếp hàng mua tiền lưu niệm trong ngày phát hành đầu tiên ở Sài Gòn sáng 22/4
Một số người xếp hàng chờ đăng ký mua lần sau cho biết đã gọi điện đến Ngân hàng Nhà nước theo chỉ dẫn hôm trước nhưng không thấy phản hồi.

Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, trong ngày đầu tiên chỉ bán thử nghiệm tiền lưu niệm với 50 khách hàng đã đăng ký nhiều ngày trước. Trong tuần sau sẽ tăng số lượng người mua tiền lưu niệm để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Do số người mua quá đông và tập trung tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại chi nhánh TP.HCM gây khó khăn cho hoạt động giao dịch thường xuyên của ngân hàng. Dự kiến địa điểm bán tiền lưu niệm tại TP.HCM sẽ được chuyển đến nơi khác thuận tiện hơn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ mở bán tiền lưu niệm trong một thời gian dài trong nhiều tuần, kể cả sau ngày kỷ niệm thành lập Ngành Ngân hàng 6/5/2016 cho đến khi kết thúc đợt phát hành tiền lưu niệm.

"Đại gia điếu cày" xác nhận việc đổ nghìn tỷ mua dự án dính 'chàm'

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh vừa xác nhận với báo chí việc đang hoàn tất thương vụ mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land).

Tổng giá trị thương vụ này là 1.500 tỷ đồng, bao gồm khoản mua lại 95% cổ phần tại Cienco 5 Land và các khoản nợ Mường Thanh sẽ đứng ra trả thay cho công ty này.

Đây là doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5). Sau khi thương vụ này, Mường Thanh sẽ kiểm soát dự án Khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông, Hà Nội.
Khu đô thị Thanh Hà gồm 2 dự án thành phần tọa lạc trên địa phận hai xã Phú Lương (dự án Thanh Hà A) và xã Cự Khê (dự án Thanh Hà B) do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Khu đô thị mới Thanh Hà A có diện tích hơn 195 ha, tổng mức đầu tư gần 4.400 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là hơn 2.400 tỷ đồng. Khu đô thị mới Thanh Hà B có diện tích 193 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong thời kỳ sốt nóng của thị trường địa ốc (khoảng 6-7 năm trước), dự án Thanh Hà từng được rất nhiều nhà đầu tư bất động sản quan tâm, nhưng cũng chính vì vậy mà dự án này vướng phải không ít các vụ tranh chấp, lừa đảo.

Trong đó, nổi bật nhất là vụ bán khống đất nền Dự án Thanh Hà của Công ty 1/5, dẫn tới việc hàng loạt lãnh đạo của công ty này vào tù, trong đó có mức án nặng nhất là chung thân.

Chưa có đề xuất cho nhập khẩu gà Trung Quốc

Mới đây, thông tin về đề xuất nhập khẩu gà chính ngạch của Trung Quốc từ Cục thú y đã khiến nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi xôn xao.

Tuy nhiên, đại diện Cục thú y cho biết, do Việt Nam hiện nay đã tham gia vào rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nên các hoạt động xuất nhập khẩu cũng được điều chỉnh bởi pháp luật về thương mại của Việt Nam và các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Cục Thú y cũng khẳng định chưa hề có đề xuất gì về việc nhập khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.
100% gà Trung Quốc qua Việt Nam từ trước đến nay đều qua đường nhập lậu
100% gà Trung Quốc qua Việt Nam từ trước đến nay đều qua đường nhập lậu 
Theo đại diện Cục thú y, trong những năm gần đây đã và đang có hiện tượng buôn bán gà nhập lậu trái phép vào Việt Nam. Đây là hoạt động trái phép nên không hề có bất cứ sự kiểm soát nào về chất lượng, số lượng cũng như về các điều kiện về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Việc kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu (nếu có) từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tương tự như các sản phẩm gia cầm nhập từ các nước khác trên thế giới vào Việt Nam (ví dụ Hoa Kỳ, EU…).

Các sản phẩm gia cầm, gia súc nhập khẩu phải vào Việt Nam được xuất phát từ các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y, điều kiện an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận.

Những vấn đề "trông thấy" của ngân sách nhà nước trong những năm gần đây

Theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố trong ngày 22/4, những năm gần đây ngân sách Nhà nước (NSNN) có mức thâm hụt ngày càng tăng.

Bội chi ngân sách đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 (từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP), tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định.

Theo dự báo, mặc dù bội chi NSNN của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm tới nhưng đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước tương đồng trong ASEAN.

Một điểm đáng lưu ý trong điều hành NSNN của Chính phủ những năm gần đây là chi đầu tư ngày càng giảm, chi thường xuyên và chi khác tăng lên. Là một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, đầu tư công là rất quan trọng để tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho nền kinh tế. Do đó, tỉ lệ chi đầu tư thấp như vậy cũng là một điều đáng lo ngại.

CIEM cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác điều hành ngân sách nhà nước lỏng lẻo, từ đó làm cho các quyết định chi tiêu hay vay nợ trở nên dễ bị tùy tiện và lạm dụng.

Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng, Bộ Tài chính đã không thể quản lý, kiểm soát và thống kê đầy đủ, kịp thời các khoản nợ hiện đang nằm rải rác ở nhiều bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước.

Nợ của của các doanh nghiệp Nhà nước là một rủi ro tiềm ẩn và thực tế Chính phủ đã phải gánh vác nhiều khoản nợ của khối doanh nghiệp này trong giai đoạn vừa qua.

Tiệp Tiệp(tổng hợp)
Bình luận