• Zalo

Châu Âu đau đầu xử lý tài sản tịch thu của tài phiệt Nga            

Thời sự quốc tếThứ Ba, 05/04/2022 17:20:31 +07:00Google News
(VTC News) -

Một số quốc gia châu Âu có ít kinh nghiệm trong việc giải quyết các rắc rối pháp lý liên quan tới việc thu giữ các siêu du thuyền của giới tài phiệt Nga.

Tại một góc yên tĩnh ở vùng French Riviera (Pháp), công ty đóng tàu La Ciotat đang viết hóa đơn tính phí neo dậu của siêu du thuyền Amore Vero mà không biết gửi cho ai. 

Giới chức Pháp trước đó thu giữ du thuyền dài 86 m khi nó chuẩn bị nhổ neo rời cảng vào đêm 2/3, 2 ngày sau khi Liên minh châu Âu thêm Igor Sechin - người đứng đầu công ty dầu khí quốc doanh Nga Rosneft vào danh sách trừng phạt vì chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine.

Bộ Tài chính Pháp cho biết Amore Vero thuộc về công ty do ông Sechin, một trong các đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin kiểm soát.  

Nhưng vị tỷ phú Nga phủ nhận thông tin này. 

Theo Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, chính phủ Pháp sẽ chịu trách nhiệm quản lý du thuyền này trong khi chủ sỡ hữu của nó phải thanh toán các chi phí. 

Châu Âu đau đầu xử lý tài sản tịch thu của tài phiệt Nga             - 1

Siêu du thuyền Amore Vero. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, giới chức Pháp đã không thông báo cho bên thứ ba về tình trạng của con tàu cũng như bên chịu trách nhiệm bảo dưỡng. 

Hóa đơn "vô chủ"

Hiện tại, khi các hóa đơn chồng chất, một giám đốc điều hành tại La Ciotat cho biết họ không biết thu tiền về bằng cách nào.  

"Chúng đang tiếp tục xuất hóa đơn", Alice Boisseau - nhân viên truyền thông của La Ciotat cho biết. Nhưng khi được hỏi ai sẽ là người thanh toán các hóa đơn, bà này thừa nhận: "Chúng tôi không biết".  

Những rắc rối liên quan tới Amore Vero hé lộ bài toàn khó mà giới chức các nước châu Âu phải đối mặt khi thu giữ tài sản của các tài phiệt mà họ cho là đồng minh của ông Putin.

John Dalby, chủ sở hữu công ty Marine Risk Management - đơn vị thay các công ty bảo hiểm và ngân hàng thu hồi tài sản hàng hải cho biết các chính phủ ở khu vực Địa Trung Hải có ít kinh nghiệm khi phải xử lý các rắc rối pháp lý liên quan tới việc tịch thu các siêu du thuyền. 

"Thiếu sự gắn kết trong những gì mọi người đang làm: giữa các tổ chức nhà nước và các bên thứ ba khác, chẳng hạn như các chủ nợ", ông Dalby cho biết.  

Theo Dalby, các chủ nợ của các du thuyền bị tịch thu, ví dụ như các nhà cung cấp nhiên liệu hoặc công ty quản lý thủy thủ đoàn có thể yêu cầu tòa án bán tàu để thu hồi các khoản nợ của họ.

Theo trang web chuyên về du thuyền Superyacht Times, các tỷ phú Nga sở hữu gần 1/10 số siêu du thuyền trên thế giới. 

Một số du thuyền của các nhà tài phiệt Nga bị châu Âu trừng phạt hoặc neo đậu ở các trú ẩn an toàn hoặc di chuyển trong vùng biển quốc tế nằm ngoài phạm vi quyền hạn của các quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt. 

Quyền sở hữu

Amore Vero neo đậu ở cảng của Pháp để tân trang đúng vào thời điểm phương Tây áp lệnh trừng phạt với các tỷ phú Nga. 

MB92 - công ty nhận tân trang cho Amore Vero cho biết họ vẫn đang chờ thông báo từ hải quan Pháp về tình trạng hiện tại của Amore Vero.

Châu Âu đau đầu xử lý tài sản tịch thu của tài phiệt Nga             - 2

Amore Vero neo đậu tại cảng Pháp đúng vào thời điểm phương Tây áp trừng phạt giới tài phiệt Nga. (Ảnh: Reuters)

Theo luật sư hàng hải Pascal Flot, những khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu của du thuyền là một trong những lý do khiến giới chức Pháp không thông báo cho bên thứ 3 về tình trạng của Amore Vero.  

Giới siêu giàu thường kiểm soát tài sản của họ thông qua mạng lưới các công ty bình phong tại các thiên đường thuế nước ngoài. Amore Vero đang vận hành dưới sự quản lý của quần đảo Cayman. 

Ông Flot ước tính, chi phí vận hành các siêu du thuyền lớn nhất thế giới có thể lên tới 10% giá trị của chúng, bao gồm lương của thủy thủ đoàn, tiền sửa chữa, nhiên liệu, thực phẩm, bảo hiểm, phí cầu cảng và các tiện ích hỗ trợ trên đất liền.

Với Sailing Yacht - du thuyền trị giá 540 triệu USD của ông trùm phân bón và than đá Nga Andrei Melnichenko, con số này lên tới hàng triệu USD/tháng. Sailing Yacht bị giới chức Italia thu giữ hồi giữa tháng 3.  

Tại Italia, các tài sản bị phong tỏa do một bên quản trị được chỉ định quản lý và nhà nước chi trả các chi phí bảo trì ban đầu. Sau đó, chủ sở hữu sẽ có trách nhiệm hoàn tiền cho chính phủ Italia hoặc Italia có thể bán tài sản này để bù đắp chi phí. 

Tại Pháp và Tây Ban Nha, chi phí vận hành du thuyền bị tịch thu vẫn thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu. Tuy nhiên, do các quốc gia này đang đóng băng các tài sản của một số tài phiệt Nga, các chủ tàu bị trừng phạt cũng gặp khó trong việc thanh toán. 

Giannis Markogiannis, một luật sư người Hy Lạp chuyên về luật du thuyền quốc tế cho biết một rủi ro khác đối với các chính phủ nằm ở việc các tàu bị thu giữ sai cách.

"Các nước cần phải xử lý cẩn thận một số vấn đề để tránh những bất ngờ khó chịu", ông Markogiannis cho hay.

Song Hy(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn