• Zalo

Cha mẹ không hạnh phúc ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của trẻ

Đời sốngThứ Bảy, 05/10/2019 15:08:00 +07:00Google News

Việc lựa chọn tiếp tục cuộc hôn nhân không hạnh phúc để con cái không thiệt thòi đôi khi không phải là quyết định đúng đắn với các bậc cha mẹ.

Nhiều cha mẹ sống với nhau không hạnh phúc nhưng họ vẫn không chia tay, lý do là vì không muốn con cái của mình phải chịu thiệt thòi, sống trong cảnh thiếu bố hoặc thiếu mẹ.

Tuy nhiên, đây chưa hẳn là suy nghĩ đúng đắn. Việc luôn phải đối mặt với những căng thẳng đến từ cha mẹ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách, tâm lý và sự phát triển sau này của trẻ. 

Dưới đây là 10 điều trẻ có thể sẽ gặp nếu như phải sống trong gia đình bố mẹ không hạnh phúc.

1. Chọn cách sống an phận

Trẻ con hay học theo những điều mà cha mẹ chúng làm. Do vậy, khi thấy cha mẹ mình luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, chúng sẽ nghĩ rằng để có một cuộc sống hạnh phúc là điều rất khó. Chúng cho rằng việc đấu tranh để tìm kiếm hạnh phúc dường như là điều vô ích và chỉ mang lại cho bản thân sự thất vọng, do vậy chúng sẽ chọn cách sống "an phận thủ thường".

cha-me-khong-hanh-phuc

(Ảnh minh họa)

2. Lo lắng về tương lai

Ngay cả khi cha mẹ không tranh cãi trực tiếp trước mặt con, chúng vẫn có thể nhận ra điều gì đó khác lạ và trở nên sợ hãi về tương lai. Trẻ không biết rằng liệu đâu sẽ là ngòi nổ khiến cha mẹ chia tay. Chúng cũng lo lắng những điều như nếu cha mẹ chia tay thì mình sẽ ở với ai... Vì vậy, chúng trở nên bị động và lo sợ làm bất cứ điều gì có thể khiến gia đình tan vỡ.

Giao tiếp là chìa khóa giúp ổn định cảm xúc của trẻ. Cha mẹ nên giải thích cho trẻ về những gì xảy ra trong nhà và cho chúng thấy mình sẽ làm tất cả để con cái cảm thấy hạnh phúc.

3. Bị kiểm soát quá mức cần thiết

Khi cha mẹ không còn muốn cuộc hôn nhân này nữa, mọi sự chú ý sẽ dồn vào con cái. Nhiều cha mẹ bắt đầu kiểm soát con mình một cách quá đà. Trong tiềm thức, họ sẽ nảy sinh suy nghĩ muốn nhận lại một điều gì đó từ người con.

Trong khi một số cha mẹ để con cái của mình sống cuộc sống riêng của chúng, một số người khác lại lo lắng khi đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ không cần mình nhiều như trước nên dẫn đến việc kiểm soát mọi hành vi của con. Điều này khiến đứa trẻ vô tình bị bảo vệ và kiểm soát quá mức cần thiết.

4. Không cảm thấy được chăm sóc và an toàn

Trẻ em có thể cảm nhận được không khí căng thẳng từ cha mẹ. Vì vậy, đôi khi chúng thấy như mình đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không thể bảo vệ chúng khỏi những nguy hiểm và cũng không chắc chắn rằng họ sẽ ở bên cạnh chúng trong bao lâu nữa.

Trách nhiệm chính của bất kỳ bậc cha mẹ nào là che chở con mình khỏi mọi vấn đề mà chúng còn quá nhỏ để giải quyết và đảm bảo rằng sẽ cùng chúng đối mặt với tất cả những thay đổi trong cuộc sống sau này.

5. Bị các vấn đề về tâm lý và sức khỏe

Những đứa trẻ sống trong môi trường toàn những thù hằn, ghét bỏ, ngay cả khi mâu thuẫn giữa cha mẹ không thực sự rõ ràng cũng có khả năng bị các vấn đề về sức khỏe và tâm lý. Các nhà tâm lý học cho rằng, sự căng thẳng có thể gây mất cân bằng hormone, tăng nhịp tim, rối loạn giấc ngủ và một số vấn đề tâm lý như trầm cảm.

Ngay cả khi cha mẹ không kéo con mình vào các cuộc xung đột thì đứa trẻ cũng cảm thấy căng thẳng và phải chịu hậu quả từ những cuộc xung đột đó.

6. Không nhìn thấy hình mẫu tốt

Đối với đứa trẻ phải trải qua những cảm xúc tiêu cực về mối quan hệ của cha mẹ từ khi còn nhỏ, chúng sẽ rất khó để xây dựng mối quan hệ bền vững khi trưởng thành. Chúng sẽ cảm thấy rằng ý kiến và cảm xúc của mình không đủ quan trọng và chúng sẽ hy sinh nó để đạt được những mục đích lớn hơn. Do vậy, chúng sẽ tiếp tục đi theo những điều được sắp đặt và không quan tâm liệu rằng điều đó có mang lại hạnh phúc hay không.

Hãy nhớ rằng, trẻ em luôn nhìn vào cha mẹ và học theo cha mẹ những điều cơ bản về tình yêu và sự kết nối cảm xúc - điều sẽ giúp chúng định hướng đời sống tình cảm khi trưởng thành.

7. Cảm thấy có lỗi

Khi thấy cha mẹ không hạnh phúc, trẻ con có thể cho rằng đó là lỗi của mình. Chúng rất nhạy cảm với các cuộc tranh luận và có thể sẽ nhận lỗi về bản thân. Điều này dẫn đến giảm lòng tự trọng, ảnh hưởng tới giấc ngủ và đôi khi có thể khiến chúng tự làm hại bản thân.

Cha mẹ nên giải thích rằng, tình cảm giữa họ không ảnh hưởng đến tình yêu của họ dành cho con và các vấn đề cá nhân của họ cũng không liên quan gì đến con trẻ cả.

8. Không học cách giải quyết vấn đề

Con cái phản ánh hành vi của cha mẹ. Nếu cha mẹ thường xuyên xung đột, thay vì nghĩ cách giải quyết, trẻ có xu hướng sẽ làm giống như vậy khi lớn lên. Trẻ cho rằng việc giữ im lặng hoặc chỉ thể hiện cảm xúc của bản thân nhưng lại không nghĩ cách giải quyết vấn đề là cách cư xử đúng, dẫn đến các vấn đề về giao tiếp.

Cha mẹ nên là tấm gương tốt để giúp trẻ hiểu rằng tất cả các mối quan hệ đều có những thăng trầm, nhưng điều quan trọng là phải tìm đến tiếng nói chung và đảm bảo tất cả mọi người đều hài lòng với cách làm này.

9. Không tự quyết định được cuộc đời của mình

Cha mẹ thường không hỏi ý kiến con về các vấn đề trong gia đình hoặc để chúng tự do thể hiện ý kiến cá nhân. Do vậy, đứa trẻ có thể cảm thấy hơi uất ức nhưng lại không biết làm cách nào để thay đổi điều đó. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng và khả năng đưa ra quyết định trong tương lai của đứa trẻ.

Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải cho con biết tất cả về các vấn đề giữa cha mẹ, nhưng nên để chúng cảm thấy như ý kiến ​​của mình cũng góp phần để giải quyết các vấn đề gia đình.

10. Chịu đựng phương pháp giáo dục nghèo nàn

Làm cha mẹ là điều vô cùng khó. Hầu như cha mẹ không thể nào dành đủ sự quan tâm của mình đối với con cái khi mà chính bản thân họ còn đang phải chịu những sự áp lực để cứu vãn cuộc hôn nhân hoặc tiếp tục sống chung với người mình không còn tình cảm. Nếu như họ đã có cuộc sống riêng và không còn chịu áp lực từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc, họ sẽ nuôi dạy con cái tốt hơn.

Đừng nghĩ rằng phải hy sinh hạnh phúc của bản thân thì mới là điều tốt nhất cho con trẻ. Cha mẹ phải là những người hạnh phúc thì mới có đủ năng lượng để nuôi dạy con khôn lớn và trưởng thành trong điều kiện tốt nhất.

Quỳnh Anh
Bình luận
vtcnews.vn