• Zalo

Cát tặc côn đồ bị Bộ Công an vây bắt lộng hành thế nào?

Pháp luậtThứ Hai, 10/11/2014 07:15:00 +07:00 Google News

(VTC News) – Cát tặc dưới sự bảo kê của xã hội đen là nỗi khiếp đảm của người dân ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nhiều năm qua.

(VTC News) – Cát tặc dưới sự bảo kê của xã hội đen là nỗi khiếp đảm của người dân ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nhiều năm qua.

Dân khiếp sợ

Như VTC News đã thông tin, rạng sáng 8/11, lực lượng thuộc Bộ Công an đã bất ngờ bao vây, triệt phá hoạt động khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng đoạn đi qua huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu hồi 16 tàu đang hút cát, trên 20 tàu chở hàng, 1 kiếm và nhiều sổ sách liên quan. Cơ quan công an cũng tạm giữ trên 30 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng bảo kê, tổ chức khai thác cát trái phép.

Ngày 9/10, phóng viên VTC News đã đến địa bàn huyện Phúc Thọ để tìm hiểu về hoạt động băng nhóm bảo kê, tổ chức khai thác cát trái phép nói trên. Khi hỏi về nhóm đối tượng này, hầu hết người dân địa phương đều tỏ ra sợ hãi và muốn né tránh những câu hỏi của phóng viên. 

 Một số tàu khai thác và vận chuyển cát trái phép bị bắt giữ tại địa bàn xã Vân Phúc.
Do quá bức xúc, ông C. - người dân xã Vân Phúc đã mạnh dạn kể lại sự lộng hành của nhóm cát tặc nói trên.

Theo người dân này thì hoạt động khai thác cát trái phép trên sông đã diễn ra từ khoảng 5 năm trước. Tuy nhiên, ban đầu chúng chỉ khai thác nhỏ lẻ. Khoảng 2 năm gần đây việc khai thác mới diễn ra rầm rộ với quy mô lớn. 

“Công an bắt được khoảng 30 tàu là chưa hết số tàu khai thác trái phép tại khu vực này. Ngay tại khu vực bến đò Vân Nam, nhiều đêm tôi thấy có tới 60 – 70 chiếc tàu khai thác và vận chuyển cát, đèn điện sáng rực, trông như một thành phố nổi trên sông. Có thể vào thời điểm công an vây bắt, một số tàu đã vận chuyển cát đi nơi khác bán chưa kịp trở lại,” ông C. cho hay.

Hậu quả của việc cát tặc lộng hành trong nhiều năm là tình trạng đất đai hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, sông bị lệch dòng chảy, nước vẩn đục và ô nhiễm…

Video: Cuộc vây ráp cát tặc côn đồ ở sông Hồng tại huyện Phúc Thọ


Nguồn: VTC1

“Trước đây, người dân xã Vân Phúc có một bãi trồng hoa màu lớn ở bên kia sông. Ban đầu, chiều ngang của bãi này dài tới 500m. Nhưng kể từ khi xuất hiện các tàu khai thác cát thì bãi đất trông hoa màu này dần dần bị sạt lở, tới nay chỉ còn khoảng 50m,” ông C. cho hay.

Cũng theo ông C. toàn bộ hoạt động khai thác cái trái phép trên khúc sông này được bảo kể bởi một nhóm xã hội đen thuộc công ty có tên là Biển Đông.

Công ty này có một số tàu thuyền tham gia khai thác và vận chuyển cát. Hàng chục tàu còn lại được chúng bảo kê và phải nộp tiền cho chúng. Thậm chí, những tàu bình thường lưu thông qua khúc sông này cũng phải nộp cho nhóm bảo kê hai trăm nghìn thì chúng mới cho qua. 

Do có sự bảo kê của xã hội đen nên các cuộc đánh chém nhau trên sông xảy ra như cơm bữa, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.

“Việc xô xát, đánh chém nhau xảy ra như cơm bữa. Mỗi khi có sự tranh giành địa bàn khai thác, tranh giành khách, hoặc tàu thuyền nào đó không chịu làm luật… là nhóm người Biển Đông sẵn sàng đánh dằn mặt. Việc này thường xảy ra ở đoạn sông chảy qua địa phận cuối xã Vân Nam.

 Lực lượng công an làm nhiệm vụ hôm 8/11. (Ảnh VTV)

Theo tôi được biết thì đã có 3 người chết, nhiều người khác mang thương tật. Nhưng sau mỗi vụ việc như vậy, chúng lại đem tiền bồi thường cho nạn nhân. Chúng dùng tiền kết hợp với doạ dẫm nên không ai dám hé răng nửa lời để tố cáo hành vi phạm tội của chúng,” ông C. cho hay.

 

... đã có 3 người chết, nhiều người khác mang thương tật. Chúng (những tên côn đồ) dùng tiền kết hợp với doạ dẫm nên không ai dám hé răng nửa lời để tố cáo hành vi phạm tội của chúng.
 
Đáng chú ý, cũng theo người dân này thì địa bàn bảo kê của Công ty Biển Đông không chỉ gói gọn tại đoạn sông Hồng chảy qua huyện Phúc Thọ, mà còn kéo dài khoảng 30km, vươn tới xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường Vĩnh Phúc (đối diện với xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội, gần TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

“Hoạt động khai thác cát trái phép tập trung tại khúc sông dài khoảng 3km, thuộc địa bàn xã Vân Nam và Vân Phúc. Tuy nhiên, Công ty Biển Đông còn bảo kê khai thác cát trên một địa bàn rộng lớn, kéo dài từ xã Trung Hà (huyện Yên Lạc Vĩnh Phúc, đối diện xã Vân Hà, Phúc Thọ) tới xã Cao Đại, gần cầu Việt Trì,” ông C. cho hay.

Ông C. cho biết thêm, nhóm người Biển Đông là những tên xã hội đen rất manh động. Nhiều tên cạo trọc đầu, thân mình xăm trổ nên người dân đều khiếp đảm, sợ bị trả thù nếu làm gì bất lợi cho chúng.
“Toàn bộ người dân ở đây đều sợ chúng. Khoảng 5 năm trước, xã Vân Phúc có làm một con đường bê tông mới. Vì bê tông chưa khô hẳn, dân làng muốn bảo vệ đường nên đem chướng ngại vật chặn ở đầu đường để không cho các xe tải đi qua.


Lúc này, một chiếc xe tải của Công ty Biển Đông chở cát từ dưới sông lên đã cho người phá bỏ chướng ngại vật rồi ngang nhiên cho xe đi qua. Một người phụ nữ bức xúc nói nhóm người này thì lập tức bị chúng hành hung,” ông C. nói.

Chính quyền địa phương bó tay?

Ông C. cho biết, nhóm xã hội đen bảo kê cát tặc không coi chính quyền địa phương ra gì. “Có lần người dân bức xúc vì việc khai thác cát làm lở đất của họ nên đã yêu cầu lực lượng uỷ ban và an ninh xã ra giải quyết.

Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương ra tới nơi thì nhóm người Biển Đông đã thách thức, thậm chí chửi lại lực lượng chức năng,” ông C. khẳng định.

Cũng theo ông C., ngay từ 5 năm trước, trong các cuộc họp thôn xã, người dân đều kiến nghị, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép nói trên nhưng không có tác dụng gì.

Vài năm trở đây, nhóm cát tặc này ngày càng lộng hành, manh động. Hầu hết người dân địa phương đều sợ chúng. Thậm chí các lãnh đạo trẻ tuổi ở địa phương cũng sợ bị chúng trả thù. 

 Gần 40 tàu thuyền các loại bị bắt giữ.

“Chỉ có những người già cả 60 – 70 tuổi, không sợ cái chết như chúng tôi là dám nói. Cách đây khoảng 6 tháng, ông Trường - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ về địa phương, tôi cũng đã kiến nghị vấn đề này.

Khi đó, ông Trường cho biết là sự việc ngoài tầm xử lý của Công an huyện. Hơn 1 tháng trước, một Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng về xã tiếp xúc cử tri, tôi cũng có phản ánh tình trạng này. 

Chúng tôi nói với đại biểu rằng, bao nhiêu tiền Nhà nước cho để xây dựng bờ kè cũng là vô nghĩa và đổ xuống sông xuống biển hết nếu không dẹp được tình trạng khai thác cát trái phép.

 

Khi công an vây bắt, tên cầm đầu nhóm bảo kê, điều hành hoạt động khai thác cát trên địa bàn đã bỏ trốn. Kẻ cầm đầu này là người hết sức ranh mãnh.
 
Điển hình, mới đây, vì tình trạng sạt lở nghiêm trọng nên Nhà nước có đầu tư để đổ đá kè khoảng 2km bờ sông chạy qua xã Vân Phúc. Thế nhưng, hiện bờ kè này đang có dấu hiệu sụt lún dần. Mỗi ngày họ khai thác hàng nghìn mét khối cát ở dưới lòng sông thì thử hỏi đất đai nào, bờ kè nào chịu cho được,” ông C. nói.

Ông C. cho biết, từ hôm 8/11, khi biết tin Bộ Công an bắt nhóm cát tặc cùng các đối tượng xã hội đen bảo kê, người dân địa phương đều hết sức vui mừng.

Tuy nhiên, theo ông C. khi công an vây bắt, tên cầm đầu nhóm bảo kê, điều hành hoạt động khai thác cát trên địa bàn đã bỏ trốn. Kẻ cầm đầu này là người hết sức ranh mãnh.

“Trước đây anh ta là người đứng đầu Công ty Biển Đông. Nhưng khoảng 1 năm trở lại, cùng với việc đổi tên công ty thành Công ty CP Vân Phúc, đối tượng đã chuyển chức danh của mình cùng các vị trí lãnh đạo công ty cho một số anh em thân cận khác. Thậm chí, ngay cả căn nhà thuộc diện to nhất làng của đối tượng này cũng cho đứng tên một người khác.

Mặc dù trong hồ sơ giấy tờ thì anh ta không còn là lãnh đạo Công ty Biển Đông. Nhưng mọi hoạt động bảo kê, khai thác cát trên sông vẫn đều do anh ta đứng sau điều khiển,” ông C. nói.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn