• Zalo

'Cắt giảm đăng ký kinh doanh phải thực chất chứ không chỉ là con số đưa ra cho đẹp'

Kinh tếThứ Bảy, 14/10/2017 12:46:00 +07:00 Google News

Đó là câu nói của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong buổi họp của Ban soạn thảo về cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh ngày 13/10.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, đừng nhìn vào các con số mà nhìn vào thực tế. 675, 700 thậm chí 1.000 – con số đó chẳng nói lên điều gì cả nếu vẫn “hành” doanh nghiệp.

 Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, hiện số lượng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý của Bộ ước tính đã cắt được 22% nên kế hoạch cắt giảm toàn bộ sẽ hoàn thành và trình Chính phủ chậm nhất vào cuối tháng 10 này.

Theo ông Tân, quan trọng nhất là cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết bám sát phương án theo Quyết định 3610A về việc loại bỏ 675 điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Công Thương.

bo-truong-tran-tuan-anh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Công Lý)

Tại cuộc họp sáng 13/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận sự cố gắng, vượt kế hoạch được giao của các Cục, Vụ trong việc rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm.

"Tôi rất hiểu những nổ lực của các thành viên trong ban soạn thảo khi phải vừa đáp ứng về mặt thời gian, tiến độ, vừa phải đáp ứng yêu cầu cấp bách của xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng. Kết quả có được đến giờ phút này tôi đánh giá cao công tác phối hợp cũng như sự nhất trí đồng lòng của tất cả chúng ta trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh tiêu chí rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương kiên trì thực hiện trên cơ sở 5 nguyên tắc cơ bản:

Thứ nhất, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh,

Thứ hai, tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Thứ tư, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.

Thứ năm, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, gỡ khó cho doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của tất cả các bộ ngành thuộc mọi lĩnh vực và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo chứ không phải của riêng cá nhân hay Bộ ngành nào. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành thì mục tiêu chung rất khó đặt được.

“Đừng nhìn vào các con số mà nhìn vào thực tế. 675, 700 thậm chí 1.000 – con số đó chẳng nói lên điều gì cả. Con số có thể cao hơn hoặc cũng có thể thấp hơn, điều đó không quan trọng mà quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không có tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp hay không. Cắt giảm là thực chất chứ không phải đưa các con số ra cho đẹp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Video: Hé lộ chuyện đi đêm của doanh nghiệm FDI

Bộ trưởng cũng khẳng định, các lĩnh vực quản lí nhà nước khác mà Bộ Công Thương chưa nêu trong đề án cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này cũng như trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn mà Bộ đã và đang xây dựng thì vẫn sẽ tiếp tục được rà soát và triển khai trong thời gian tới.

 Trước băn khoăn của Đại diện VCCI và Bộ Tư pháp về việc tại sao Bộ Công Thương không sớm có sự điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83/NĐ -CP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "không phải chúng tôi không làm mà là sẽ làm sau khi có sự rà soát, xem xét một cách kỹ lưỡng, đầy đủ bởi xăng dầu là một lĩnh vực có đặc trưng rất riêng, liên quan đến các các thành phần, lĩnh vực kinh tế của đất nước".

Bộ trưởng nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi không cầu toàn mà xác định cái gì làm được ngay thì làm trước, nếu chưa thì làm lần lượt theo một quy trình, có sự xem xét một cách chi tiết, cụ thể, đảm bảo khi đã có sự điều chỉnh thì phải có sự phù hợp và đúng đắn".

Theo Bộ trưởng, trong kinh doanh các ngành hàng như rượu, thuốc lá, xăng dầu, khí... từ trước đến nay, các văn bản của chúng ta thường xây dựng theo quan điểm của những người làm luật là cơ quan hành chính, quản lý nhà nước và chỉ hướng về mục tiêu đơn giản là quản cho chặt mà nhiều khi không đánh giá lại và thực hiện đúng nội hàm quản lý nhà nước là gì. Vì vậy, trong quá trình rà soát, sửa đổi, cần chú ý đến tính thực tiễn hơn nữa.

PV
Bình luận
vtcnews.vn