• Zalo

Cảnh báo cho 2022: Giá tăng điên cuồng, sức mua thấp chưa từng có

Thị trườngThứ Hai, 03/01/2022 07:10:26 +07:00 Google News

Đối lập với bức tranh tăng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào là sức mua ảm đạm, đủ làm ‘bay màu’ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang chất chồng gian khó.

Thực tế buồn 2021 chính là cảnh báo cho 2022.

Bát phở của chị Thìn

Buổi sáng những ngày cuối năm dương lịch, chị Nguyễn Thị Thìn (tên nhân vật được thay đổi) ở Long Biên, Hà Nội ngồi lặng lẽ bên quán phở nằm ngay mặt đường Nguyễn Văn Cừ. Hai năm qua, chị nằm trong số hàng triệu người bị COVID-19 làm cho bầm dập.

Chị Thìn đầu tư một nhà hàng bán bún, phở ở Bãi Cháy, Quảng Ninh, nhưng dịch bệnh nên không có khách. Không thể trụ nổi, chị từ bỏ, trở lại Hà Nội với hành trang là “món nợ cả tỷ đồng” rồi mở quán bán đồ ăn sáng gồm phở, bún, cháo trên con phố thuộc quận Long Biên rộng thênh thang.

Nhưng “vận đen” vẫn chưa dừng. Cơn bão COVID-19 tiếp tục đổ bộ. Hà Nội giãn cách 2 tháng trời, quán chị cũng đóng cửa. “Tiền thuê là 10 triệu/tháng. 2 tháng ấy, chủ nhà không lấy tiền. Khi Hà Nội cho phép bán hàng trở lại, tiền thuê nhà được giảm còn 5 triệu đồng trong 3 tháng”, chị kể.

Cảnh báo cho 2022: Giá tăng điên cuồng, sức mua thấp chưa từng có - 1

Dịch COVID-19 với những lần giãn cách xã hội làm nhiều hộ kinh doanh gặp không ít khó khăn. Ảnh minh họa: L.Bằng

Nhưng đến giờ này, khách vẫn thưa thớt. “Tuyến đường này trước xe khách chạy nhiều, giờ vắng hẳn nên cũng không có nhiều khách. Dân cũng tiết kiệm hơn. Họ ăn sáng ở nhà nên chị chỉ bán được cầm chừng. Một ngày mà bán được 100 bát phở chỉ là lấy công làm lãi, còn muốn lãi phải bán được 200-300 bát”, chị nhẩm tính.

Cơn sốc giá cả cũng là một trong những lý do khiến việc làm ăn của chị không được như ý. Nguyên liệu đầu vào tăng, song giá bán không thể tăng khiến mỗi bát phở gánh thêm nhiều chi phí. “Những năm trước, bát phở bán 30.000 thì chi phí khoảng 24.000. Nhưng nay, chi phí tăng lên đến 27.000-28.000 đồng/bát, giá bán giữ nguyên”, chị thở dài. “May là vẫn bán túc tắc được”.

Câu chuyện của chị Thìn không phải là hiếm gặp. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, kéo theo sự tàn phá ngoài sức tưởng tượng, trong đó có ‘bão giá’ càn quét khắp các lĩnh vực.

Những nhà thầu xây lắp "kêu cứu" khi giá thép tăng phi mã. Ngay cả doanh nghiệp thép cũng kêu trời khi giá quặng leo thang chóng mặt, đẩy giá thành thép lên cao. Nhà nông méo mặt vì giá phân bón tăng không có điểm dừng. DN vận tải chưa kịp hoàn hồn sau những lệnh ‘cấm đường’ thì đối mặt giá xăng dầu tăng sốc. Giá đất 'lên đồng' ở nhiều tỉnh thành, khiến giấc mơ có chốn ‘an cư lạc nghiệp’ của bao người trở nên xa vời vợi.

Từ tháng 12/2020, giá thép các loại bỗng sốt giá bất thường, kéo dài đến tháng 6/2021 do biến động giá nguyên liệu đầu vào. Giá phôi thép tháng 5/2021 tăng 62% so với giá tháng 2/2020 (từ 9.433.697 đồng/tấn lên 15.278.360 đồng/tấn) và tăng 41% so với tháng 12/2020 là 41% (từ 10.800.000 đồng/tấn lên 15.278.360 đồng/tấn).

Đối với giá thép cuộn cán nóng HRC, giá thép HRC tháng 5/2021 tăng 94% so với giá tháng 2/2020 (từ 9 triệu lên 17,5 triệu đồng/tấn) và tăng 48% so với tháng 12/2020 (từ 11,8 triệu lên 17,5 triệu đồng/tấn).

Là một trong những mặt hàng ở top đầu về mức tăng giá trong một năm qua, giá xăng dầu biến động mạnh. Trong nước, giá xăng ngày 11/1 là 16.930 đồng/lít xăng RON95 và 15.940 đồng/lít xăng E5. Nhưng đến kỳ điều hành ngày 10/11, giá xăng RON95 đã lên tới 24.990 đồng/lít (tăng tới 8.060 đồng/lít) còn xăng E5 tăng lên 23.660 đồng/lít (tăng 7.720 đồng/lít). Những kỳ điều hành gần đây, giá xăng dầu bắt đầu giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao là 22.080 đồng/lít xăng E5 và 22.800 đồng/lít xăng RON95-III.

Với giá gas, từ đầu năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 9 lần (tháng 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10 và 11) và giảm 2 lần (tháng 4 và 5), với tổng mức tăng là hơn 100.000 đồng/bình 12 kg so với thời điểm cuối năm 2020. Đến đầu tháng 12, giá gas mới giảm được 24.000-24.500 đồng/bình 12 kg sau chuỗi ngày tăng.

Cảnh báo cho 2022: Giá tăng điên cuồng, sức mua thấp chưa từng có - 2

Thu nhập giảm, giá cả tăng khiến người dân phải tằn tiện chi tiêu. Ảnh: L.Bằng

Theo thống kê của Tổ điều hành thị trường trong nước, so với cùng kỳ năm trước, giá hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều tăng cao, từ 2,38-49%, kéo theo giá thức ăn hỗn hợp cho gà tăng gần 28-30%, giá thức ăn cho lợn tăng 32%.

Những mặt hàng kể trên tăng giá nên dễ hiểu khi chi phí cho một bán phở chị Thìn bán cũng tăng.

Sức mua thấp kỷ lục

Đối lập với bức tranh tăng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào đó là một sức mua ảm đạm, đủ làm ‘bay màu’ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh vốn đang chất chồng gian khó.

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và thành mối nguy toàn cầu, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng luôn tăng 10% trở lên. Nhưng sang năm nay, con số doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng lại giảm tới 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,4% (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,8%).

Sức mua thấp cũng là lý do khiến dù giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng rất thấp. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự kiến CPI năm 2021 chỉ tăng 1,9%.

Chính vì thế, một trong những giải pháp để phục hồi kinh tế được bàn luận suốt thời gian qua là áp dụng các biện pháp kích cầu với những hào hứng và lo ngại đan xen. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 11/11 về một số vấn đề liên quan đến gói kích thích phục hồi kinh tế đang được xây dựng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trấn an: “Chúng ta phải rút kinh nghiệm được gì và chưa được gì của gói kích cầu đầu tư những năm 2008-2009, phát huy được những mặt tốt, tránh những khiếm khuyết của chương trình trước đây”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh rất rõ những điểm chưa làm được của gói kích cầu kinh tế năm 2009. Dù tác động của gói này là giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, đạt được mức tăng trưởng dương vào thời điểm đó, nhưng cũng để lại những hệ lụy lớn khi chính sách thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát. Năm 2010, lạm phát của chúng ta là 9,2% còn năm 2011 là 18,6%.

Mục tiêu của gói chính sách đó là kích cầu đầu tư, sản xuất, an sinh xã hội, nhưng không kiểm soát tốt, thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nên khi hỗ trợ lãi suất lớn, tiền không chảy vào sản xuất, mà chảy vào chứng khoán, bất động sản,... Hậu quả là lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô”, ông đánh giá.

Chúng tôi đã rút ra được 4 bài học kinh nghiệm để không lặp lại, làm cơ sở cho nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tới đây”, Bộ trưởng cho hay.

Điều đó cho thấy ‘kích cầu’ đúng và trúng, để tiền chảy vào khu vực sản xuất thay vì vào các thị trường nặng tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản là cần thiết. Nếu các biện pháp ‘kích cầu’ không được kiểm soát tốt, không được “rút kinh nghiệm” như người đứng đầu Bộ KH-ĐT đã chia sẻ, thì lạm phát thấp của năm 2021 chỉ là “khoảng lặng trước cơn bão”.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn