Chúng tôi kết nối với Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao để được lắng nghe những chia sẻ của ông về bóng đá Việt Nam, về Liên đoàn bóng đá Việt Nam thì nhận được sự từ chối từ phía ông trong tiếng thở dài.
“Thôi, thôi, tôi không thể trả lời được đâu. Bóng đá nam bây giờ chán lắm rồi. Không thể vực dậy được. Phải năm, bảy, chục năm nữa!”, Giáo sư Dương Nghiệp Chí nói.
Tương tự, chuyên gia Đoàn Minh Xương cũng ngán ngẩn thốt lên: “Trời ơi là trời! Bóng đá Việt Nam bây giờ phải dùng từ “chán không muốn nói”. Nghe cãi nhau quá. Mà người ta đâu có thời gian nghe cãi nhau?!”
Khi được hỏi vì sao bóng đá của ta cứ luẩn quẩn mãi thế? ông Xương cười, rồi bảo: “Tôi cũng không giải thích được. Giờ tôi nghỉ hưu rồi, tự do, làm những công việc tôi cảm thấy yêu thích. Tôi không thích cãi nhau. Cãi nhau chỉ làm xấu thêm hình ảnh bóng đá Việt Nam”.
- PV: Tôi có thống kê, thấy nhiều mục tiêu mà VFF đưa ra trong nhiệm kỳ này đã không hoàn thành. Ông nghĩ sao về điều này?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Vấn đề này cần có tổng kết lại. Thực tế thời gian qua bóng đá Việt Nam làm không có chiến lược. Do đó để đánh giá những gì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã làm được và chưa làm được hết sức khó.
Có những cái VFF đã làm được nhưng chỉ mang tính chất giải quyết phần ngọn chứ không giải quyết được yếu tố nền tảng của bóng đá Việt Nam. Từ hệ thống thi đấu 17 năm chuyên nghiệp đến công tác tuyển chọn, đào tạo cầu thủ trẻ vẫn còn nhiều bất cập.
Thực tế, công tác đào tạo trẻ có nhiều tiến bộ so với trước đây nhưng so với yêu cầu của bóng đá hiện đại vẫn còn hạn chế. Tôi ví dụ, vấn đề thể hình thể lực chưa giải quyết được, hệ thống thi đấu trẻ, cơ sở vật chất cũng vậy.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng chưa đưa ra được một quy trình tuyển chọn, chương trình đào tạo trẻ, hoặc trên cơ sở đào tạo trẻ của các CLB, có đánh giá tổng kết, khuyến cáo về chuyên môn để công tác đào tạo trẻ thống nhất, xuyên suốt, hiệu quả. Hiện này, các CLB tự làm hết, không có gì chung cả.
- Phải chăng trong đầu não bóng đá Việt Nam, tức là VFF, đang thiếu những con người có khả năng hoạch định chiến lược và khả năng quản lý để đi theo chiến lược đó?
Thứ nhất, về mặt tổ chức của VFF còn nhiều vấn đề. Bộ máy cồng kềnh không hiệu quả. Có nhiều bộ phận không cần thiết thì lại có, còn một số bộ phận cần phải có thì không có. Tôi ví dụ giám đốc kỹ thuật – kiến trúc sư hoạch định phát triển bóng đá Việt Nam thì không có (mới có cách đây 2 năm khi ký hợp đồng với ông Jurgen Gede – pv).
Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Tôi cũng ví dụ, Phòng các đội tuyển quốc gia cần phải lập hồ sơ các vận động viên xem có bao nhiêu em, có đánh giá chất lượng, trình độ, điểm mạnh, điểm yếu… để cung cấp, tư vấn cho ban huấn luyện các đội tuyển nhưng chúng ta chưa làm được điều này. Nhiệm vụ chính của phòng là quản lý chuyên môn các đội tuyển chứ không đơn thuần là lo chỗ ăn nghỉ, đặt vé máy bay.
Thứ 3, cái cần nhất của bóng đá chúng ta hiện nay là chiến lược tổng thể từ hệ thống thi đấu cho đến đào tạo trẻ, xây dựng hệ thống các cấp độ đội tuyển Việt Nam, phát triển cơ sở vật chất, khoa học chuyên môn… cũng chưa làm được.
Khi những yếu tố này chưa có thì chắc chắn thành tích của bóng đá Việt Nam sẽ không ổn định, không đánh giá đúng bản chất của nền bóng đá nên có thời điểm tưởng như rất hay nhưng cũng có thời điểm lại không hay.
Video: BLV Quang Huy lo thất bại của U22 Việt Nam bị kéo vào mục đích cá nhân
- Một sự luẩn quẩn nữa tôi muốn hỏi ông. Đó là việc đổ lỗi cho nhau sau mỗi thất bại.
Cái này cũng là do chưa chuyên nghiệp nên không có ràng buộc trách nhiệm cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận