Các loại dịch vụ phải trả phí
Phí chuyển tiền, phí rút tiền, phí quản lý tài khoản, phí dịch vụ tinh nhắn hay phí thường niên cho thẻ tín dụng là những khoản chi mặc định khi khách sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Các loại phí thẻ tín dụng
Phí thường niên: Thông thường thẻ tín dụng sẽ phát sinh phí thường niên sau khi thẻ được phát hành, đây là phí khách cần phải trả mỗi năm để duy trì tài khoản thẻ tín dụng và để tận hưởng các ưu đãi từ việc sử dụng thẻ này.
Lưu ý khách có thể vẫn phải thanh toán phí thường niên và phí phát hành thẻ dù thẻ tín dụng của bạn chưa được kích hoạt. Còn các loại phí khác chỉ phát sinh trong các trường hợp cụ thể.
Phí ứng tiền mặt thẻ tín dụng: Khi khách rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng tại máy ATM, sẽ có phí ứng tiền mặt phát sinh. Phí này thường sẽ tính bằng % trên số tiền được rút, với một khoản phí tối thiểu được quy định trước.
Phí chậm thanh toán thẻ tín dụng: Phí này phát sinh khi bạn trả chậm số dư nợ thẻ tín dụng hàng tháng. Mỗi ngân hàng có một mức phí quy định khác nhau. Khách cũng sẽ phải chịu một khoản tiền lãi nếu bạn trả ít hơn mức thanh toán tối thiểu được thể hiện trên bảng sao kê thẻ tín dụng.
Phí vượt quá hạn mức tín dụng: Hạn mức tín dụng thẻ là số tiền mà ngân hàng phát hành thẻ cấp cho khách, để khách sử dụng cho việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp pháp và tuân theo điều khoản, điều kiện sử dụng thẻ với ngân hàng.
Khi khách sử dụng thẻ vượt quá hạn mức được cấp, phí vượt quá hạn mức thẻ tín dụng sẽ phát sinh. Mức phí này có thể thay đổi theo từng loại thẻ tại từng ngân hàng.
Phí chuyển đổi ngoại tệ thẻ tín dụng: Đây loại phí phát sinh với giao dịch không phải là tiền VND hoặc khi bạn thực hiện giao dịch thẻ tín dụng ở nước ngoài. Ví dụ như khi khách sử dụng thẻ hoặc rút tiền mặt bằng thẻ ở nước ngoài hoặc khi thanh toán online bằng thẻ tín dụng tại các trang thương mại điện tử nước ngoài như Amazon.
Mẹo giúp giảm các loại phí ngân hàng
- Theo dõi chặt chính sách phí ngân hàng: Nhiều ngân hàng áp dụng chính sách miễn phí quản lý tài khoản thanh toán, phí chuyển tiền, rút tiền nội ngoại mạng. Khách hàng nên lưu tâm đến chính sách trong từng thời kỳ nhà băng.
Hiện, nhiều ngân hàng không thu phí chuyển tiền ngoại mạng, nếu bạn duy trì một số dư nhất định trong tài khoản thanh toán.
- Không quên lịch thanh toán thẻ tín dụng: Các nhà băng luôn có sao kê, email và tin nhắn nhưng nhiếu khách hàng vẫn quên lịch thanh toán thẻ tín dụng; dù chỉ một ngày cũng có thể khiến bạn phải nộp tiền lãi và phí phạt ngoài mong muốn. Không ít trường hợp số dư nợ trong kỳ thanh toán chỉ vài trăm nghìn nhưng số tiền phạt cũng tương đương.
Chưa kể chủ tài khoản có thể bị nhảy nhóm nợ trên hệ thống quản lý thông tin tín dụng quốc gia - CIC. Do đó, bạn nên đặt lịch thanh toán tự động và nên có thói quen kiểm tra khoản chi tiêu tín dụng của mình trên ngân hàng trực tuyến.
- Ưu tiên rút tiền ở ATM nội mạng: Rút tiền tại cây ATM nội mạng (của ngân hàng phát hành thẻ) luôn là phương án tối ưu nhất về phí bởi hiện nay, phần lớn các nhà băng đều đã thu phí rút tiền ngoại mạng. Nếu thường xuyên phải rút tiền, bạn nên tìm đến ATM nội mạng để tránh bị thu phí.
- Chi tiêu bằng thẻ: Theo các chuyên gia tài chính, người tiêu dùng nên thay đổi thói quen tiêu tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ vì hình thức này có độ an toàn cao, thuận tiện…
Sự cạnh tranh trên thị trường đang khiến các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi chi tiêu, mua sắm bằng thẻ lên tới 50% mà người dùng hầu như không phải mất thêm khoản phí nào.
Thay vì phải mất phí rút tiền, đối mặt với rủi ro khi cầm tiền mặt, bạn có thể quẹt thẻ thanh toán nội địa lẫn quốc tế tại nhiều đơn vị chấp nhận thẻ.
Bình luận