• Zalo

Các trường ồ ạt tuyển sinh ngành sức khoẻ: Chất lượng đào tạo có đảm bảo?

Diễn đànThứ Tư, 13/01/2021 11:05:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Mùa tuyển sinh 2021, các đại học tư thục đua nhau mở, tuyển sinh và đào tạo khối ngành sức khoẻ khiến nhiều người lo lắng về chất lượng đạo tạo, trình độ chuyên môn.

Từ năm 2016 trở về trước, khối ngành sức khỏe chỉ được đào tạo ở các trường chuyên về sức khỏe hay một số trường công lập top đầu đào tạo như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ...

Vài năm gần đây, số trường đại học tư thục mở ngành, đào tạo nhóm ngành sức khỏe ngày càng nhiều. Đáng chú ý, mùa tuyển sinh 2021, Đại học Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở đồng loạt 8 ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe, gồm: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em (điều dưỡng), kỹ thuật phục hồi chức năng, quản lý bệnh viện.

Trường này trước từng mở ngành tuyển sinh, đào tạo các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược, điều dưỡng. Trường sẽ có tổng 12 ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Con số này nhiều hơn những trường chuyên đào tạo y dược khác như Đại học Y Hà Nội hay Đại học Y Thái Nguyên...

Trong cuộc "chạy đua" mở ngành sức khỏe, Đại học Văn Lang tuyển mới 2 ngành là y khoa và y học cổ truyền. Như vậy, trường sẽ đào tạo 6 ngành khối sức khỏe.

Đại học Công nghệ TP.HCM dự kiến mở mới 2 ngành khối sức khỏe: điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Ngoài ra, nhiều trường tư thục khác cũng "trăm hoa đua nở" tuyển sinh các khối ngành sức khoẻ như Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Đại Nam, Đại học Duy Tân...

Các trường ồ ạt tuyển sinh ngành sức khoẻ: Chất lượng đào tạo có đảm bảo? - 1

Sinh viên nghiên cứu, học tập. (Ảnh minh hoạ: Q.H)

Việc các trường ồ ạt mở ngành khiến nhiều người lo lắng vì khối ngành sức khoẻ liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, cần quá trình đào tạo bài bản lâu dài. Họ lo liệu các trường có đảm bảo về chất lượng giảng dạy, đội ngũ nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, việc mở ngành mới nói chung cũng như mởi đào tạo khối ngành sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định: "Các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật". Do đó, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, các trường được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới để tổ chức đào tạo.

Để mở ngành đào tạo mới, điều kiện tiên quyết là đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng. Thông tư số 22 năm 2017 quy định về điều kiện, quy trình mở ngành và đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT đã quy định tiêu chí về giảng viên, cơ sở vật chất.

Riêng với khối ngành Sức khỏe, ngoài điều kiện mở ngành thì các trường phải tuân thủ quy định chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành theo quy định tại Nghị định số 111 năm 2017. Theo đó, tất cả các hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới khối ngành Sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện đảm bảo.

Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý và cấp phép mở đào tạo ngành sức khỏe và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ cũng quy định, tất cả các trường xin mở đào tạo ngành sức khỏe phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát.

 

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn