• Zalo

Bức tâm thư người vợ tự nguyện hiến thận khi còn sống

Sức khỏeThứ Hai, 03/09/2012 08:10:00 +07:00Google News

Một phụ nữ hiến xác cho khoa học khi qua đời và hiến một quả thận lúc còn sống. Chị kêu gọi mọi người hãy có ý thức chia sẻ cho người khác tài sản quý báu này.

Một phụ nữ hiến xác cho khoa học khi qua đời và hiến một quả thận lúc còn sống. Chị kêu gọi mọi người hãy có ý thức chia sẻ cho người khác, đừng bỏ phí những tài sản vô giá.

“…Việc hiến nội tạng là việc làm nhân đạo, đòi hỏi sự nhận thức rất cao, chúng ta hãy sống vì mọi người thì cuộc sống có ý nghĩa hơn cho cá nhân và cho cả dân tộc. Nhà tôi ở ngang chùa và lò thiêu, mỗi lần thấy sự thiêu một xác người là lòng tôi đau như cắt. Tôi tiếc nội tạng quý thiêu thành tro bụi thật phí.


... Chồng tôi chết do tai nạn giao thông, một cú sốc quá lớn trong cuộc đời. Tôi luôn bất hạnh trong cuộc sống, nên tôi xin chia sẻ với bệnh nhân suy thận bằng quả thận của mình.

Tôi chỉ cứu một người, không thể chia hết cho tất cả. Nếu có điều ước tôi ước tất cả bệnh nhân trong chương trình này đều khỏe mạnh và hạnh phúc.

… Muốn làm tốt chương trình này, ngành y tế là vai trò nòng cốt, phải có bác sĩ chuyên khoa sâu, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật cao để bảo quản nhằm phục vụ cho nhân dân. …

Tôi rất mong cơ quan chức năng nên tận dụng cơ hội này và nhân rộng trong cộng đồng để phục vụ cho nhân dân, làm giảm thiểu những cái chết thương tâm và bệnh nhân mắc bệnh mù lòa, bệnh suy tim, bệnh suy thận có thể cứu được nếu có nội tạng thay thế.


(Trích Đơn đăng ký hiến nội tạng của chị Trần Thu Hồng)

Chị Trần Thu Hồng, 52 tuổi, ngụ tại đường Đinh Tiên Hoàng, khóm 3, phường 1, TP Cà Mau có nguyện vọng đặc biệt là xin hiến thận để cứu người.
Chị Trần Thu Hồng, 52 tuổi, ngụ tại đường Đinh Tiên Hoàng, khóm 3, phường 1, TP Cà Mau xác định sẽ hiến thận khi con học xong đại học

Chúng tôi đã liên hệ tìm gặp, trao đổi với chị Hồng và được biết đây không phải là suy nghĩ nông nổi nhất thời mà là tâm nguyện được nung nấu từ lâu.

Từ mất mát riêng nghĩ đến chuyện chung

 
Nhà tôi ở ngang chùa và lò thiêu, mỗi lần thấy sự thiêu một xác người là lòng tôi đau như cắt. Tôi tiếc nội tạng quý thiêu thành tro bụi thật phí.
Chị Trần Thu Hồng
Chị Hồng sinh trưởng trong gia đình nhân hậu, từ nhỏ được mẹ dạy dỗ phải sống nhân ái với mọi người. Ước muốn giúp đỡ chia sẻ với cộng đồng đã thôi thúc chị từ nhiều năm qua, nhất là sau nỗi đau chồng chị mất do tai nạn giao thông.


Chị kể: “Khi ông xã mất, tôi mới thực sự thấm thía ý nghĩa của cuộc sống. Mẹ tôi bảo rằng con người ai cũng chết và sẽ chẳng mang theo được gì, nên khi còn sống hãy làm những gì ý nghĩa nhất.


Ông xã tôi khi còn sống vẫn thường nói về già sẽ đi đăng ký hiến xác cứu người. Anh ấy đã không kịp làm việc đó. Trái tim của anh ấy lẽ ra vẫn sống giúp cho ai đó nhưng đã bị chôn vì không tính trước”.


Mỗi khi thấy phía bên chùa Khmer (đối diện nhà chị) tổ chức hỏa táng, chị lại có cảm giác tiếc nuối. Cộng với thông tin hằng ngày trên báo đài, trên mạng về những hoàn cảnh thương tâm, những người sắp chết vì suy thận, suy tim, hàng ngàn người mổ mắt cần giác mạc…, chị đã đi đến quyết định.

Năm 2011, chị đã bàn với gia đình chuyện hiến xác cho y học. Anh ruột của chị là bác sĩ Trần Thanh Tòng và người chị ruột Trần Hương Lan hưởng ứng ngay.

Bác sĩ Tòng đã tiên phong làm đơn xin hiến nội tạng, cơ thể cho y học. Sau đó, chị Hương Lan và chị Hồng đăng ký hiến toàn bộ nội tạng cho khoa học để cứu giúp những bệnh nhân nghèo.


Hiến thận khi đang còn sống

Lúc đó chị Hồng mới dừng lại ở việc hiến xác sau khi chết. Nhưng gần đây, tham gia chương trình nhân đạo Khát vọng sống, chị đã gặp nhiều hoàn cảnh thương tâm và quyết định hiến một quả thận ngay lúc còn sống.

Chị kể: “Ngày 4/6/2011, tôi cùng đoàn từ thiện đi thăm cha con anh Sơn ở BV Cà Mau. Cả hai cha con cùng bị bệnh suy thận mạn. Con trai anh Sơn chưa được 10 tuổi. Nó mong mau hết bệnh để về đi học. Tôi đã khóc sau câu nói đó. Tôi quyết định hiến một quả thận sau khi con tôi học xong đại học”.


Hiến xác cho y học sau khi mất đã là đáng quý, hiến thận khi còn sống càng quý hơn nhưng điều có ý nghĩa hơn nữa là chị còn muốn kêu gọi một sự chia sẻ lẽ sống trong cộng đồng xã hội.

Về động cơ hiến thận, chị Hồng nói rõ niềm trăn trở của mình: “Hằng ngày có biết bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông, phần lớn là còn trẻ, trong độ tuổi lao động. Trong khi đó hiện có hàng trăm ngàn bệnh nhân cần giác mạc, cần tim, cần thận, cần mô… để được sống, được sáng mắt và được hạnh phúc.

Tôi kêu gọi mọi người hãy quan tâm tận dụng những thứ tài sản vô giá trên thân thể mình, đừng để nó lãng phí như đã qua”.


Nghệ sĩ cải lương Minh Vương đã được thay thận

Nghệ sĩ Minh Vương năm nay 63 tuổi, bị suy thận mạn tính. Cách duy nhất của bệnh nhân là phải thay thận, nếu không phải lọc máu suốt đời. Nhiều tháng qua tên Minh Vương đã được BV Chợ Rẫy đưa vào danh sách bệnh nhân chờ được hiến thận.

Một thanh niên bị tai nạn giao thông, qua đời tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Gia đình quyết định hiến thận của con mình cho nghệ sĩ cải lương Minh Vương. Ca phẫu thuật thay thận đã thành công vào đầu tháng 7 vừa qua. Gia đình hiến nội tạng yêu cầu bệnh viện giữ kín thông tin về danh tính người cho.

Theo Pháp luật TP.HCM

Bình luận
vtcnews.vn