Ông Calisto là HLV ngoại thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam đến lúc này khi đưa tuyển Việt Nam đến chức vô địch AFF Cup 2008 và U23 Việt Nam giành HCB SEA Games 29. Nhưng thất bại tại bán kết AFF Cup 2010 đã khiến chiến lược gia người Bồ Đào Nha ra đi.
Thực ra, thầy “Tô” rời Việt Nam vì lý do “không còn cảm thấy hạnh phúc” chứ không phải ông không còn hữu dụng. Ông muốn tìm “hạnh phúc” ở nơi mới với những thử thách mới, và Thái Lan trở thành điểm đến tiếp theo của ông.
Không giữ được HLV Calisto nhưng VFF cũng chẳng mất nhiều thời gian để tìm được một ông thầy ngoại mới. HLV Falko Gotze đến Việt Nam với bản lý lịch khiến VFF khó lòng từ chối.
Thế nhưng, những thứ trên giấy tờ không nói hết được năng lực của ông thầy người Đức. Sự ỳ ạch của U23 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games 26 và trận thua bạc nhược U23 Myanmar 1-4 trong trận tranh HCĐ đã buộc VFF chỉ còn nước duy nhất sa thải cựu cầu thủ Bayer Leverkusen trước thời hạn.
Thành công của bóng đá Malaysia trong việc dùng HLV nội ở đấu trường SEA Games lẫn AFF Cup có tác động lớn tới tư duy chọn HLV của VFF. Sau thời kỳ sính ngoại, VFF trở lại với việc dùng thầy nội. HLV Phan Thanh Hùng – người đã có 2 chức vô địch V-League cùng Hà Nội T&T được lựa chọn.
Nhưng VFF và nhiều người cũng sớm vỡ mộng khi HLV Phan Thanh Hùng không thể giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng bảng AFF Cup 2012 trên đất Thái. Đau hơn, sau thất bại ấy, mọi tội vạ đề trút lên đầu chiến lược gia người Đà Nẵng để rồi ngày ông nói lời từ biệt có những điều ứ nghẹn trong cổ mà người ta hiểu rằng, sẽ không bao giờ ông Hùng quay lại đội tuyển nữa.
HLV Phan Thanh Hùng từ chức, ông Hoàng Văn Phúc trở thành người “đóng thế” rồi nhập luôn vai chính sau đó. Dưới bàn tay của chiến lược gia người Hà Nội, bóng đá Việt Nam tiếp tục nhận cái kết đắng. Lần đầu tiên sau 12 năm, U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games.
Niềm tin vào thầy nội sụp đổ sau 2 lần thất bại ê chề, VFF tìm đến đối tác thân quen là bóng đá Nhật Bản trong một xu thế mới – xu thế học bóng đá Nhật Bản có sự gần gũi và tương đồng. Từ đây, HLV Toshiya Miura được giới thiệu tới.
Chiến lược gia sinh năm 1963 gây ấn tượng mạnh ngay ở giải đấu chính thức đầu tiên khi giúp Olympic Việt Nam lần đầu trong lịch sử giành vé vào tứ kết Á vận hội. Sự ấn tượng ấy còn kéo dài tới tận cuối năm để giúp Miura tại vị dù tuyển Việt Nam thất bại tại bán kết AFF Cup 2014.
Thực tế, người ta có lý để thông cảm cho HLV người Nhật trong thất bại này bởi đây là trận đấu tự thua đến khó hiểu của các học trò ông tại chảo lửa Mỹ Đình.
Nhưng cũng từ đây, niềm tin dành cho HLV Miura không còn thống nhất ngay trong nội bộ lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đặc biệt, xuất hiện những ý kiến trái chiều về triết lý bóng đá của ông.
Và khi những mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm cộng với thất bại của tuyển U23 Việt Nam tại bán kết SEA Games 28, của tuyển Việt Nam vòng loại World Cup 2018, ông Miura đã phải ra đi khi hợp đồng vẫn còn 2 tháng.
17 tháng vừa qua là 17 tháng bóng đá Việt Nam dưới bàn tay dẫn dắt của HLV Hữu Thắng. Chiến lược gia người xứ Nghệ được lòng khán giả, được hậu thuẫn lớn từ VFF và có trong tay một lứa cầu thủ đầy tiềm năng.
Nhưng HLV Hữu Thắng cũng không vượt qua được cái bóng của Miura tại đấu trường AFF Cup khi lại thất bại “điên rồ” tại bán kết năm 2016. Đau hơn, ông còn giẫm lên vết xe đổ của những người đồng nghiệp nội là Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc khi U22 Việt Nam không vượt qua vòng bảng SEA Games 29 dù rất được kỳ vọng. Cũng bởi sự kỳ vọng quá lớn ấy mà cựu HLV trưởng SLNA đã phải nói lời từ chức ngay trong phòng họp báo của SEA Games.
Gần 10 năm qua với 6 HLV, bóng đá Việt Nam vẫn trong vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Người ta đang đặt dấu hỏi với VFF rằng, tiếp theo sẽ chọn thầy nội hay thay ngoại? Riêng tôi, tôi đặt dấu hỏi: Sau bầu Đức, ai ở VFF dám đứng ra nhận trách nhiệm và sẵn sàng ra đi khi không làm được việc?
Bình luận