Thay mặt các cơ quan báo chí, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - khẳng định ngày 27/2 đã được chọn là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để toàn xã hội ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của đội ngũ những người công tác trong ngành Y tế đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
“Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy gian nan và thử thách trong 3 năm qua đã chứng kiến biết bao nghĩa cử cao đẹp, sự nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái của đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế không ngại gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, họ vẫn dấn thân.
Rất nhiều người đang ngồi trong hội trường này đã xung phong vào tâm dịch, tiếp xúc với những mối nguy hiểm, nhận về mình rủi ro, hết lòng phục vụ, chăm sóc cho bệnh nhân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến… Và đã có cán bộ y tế mãi mãi không trở về. Người dân trong cả nước luôn ghi nhớ và biết ơn những đóng góp vô cùng to lớn đó”, ông Lê Quốc Minh nói.
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, sau đại dịch COVID-19, ngành Y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Những vấn đề đó đã được các cơ quan báo chí phản ánh liên tục trong thời gian gần đây. Đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; bất cập về cơ chế tài chính cho cơ sở y tế công lập; hay đó là chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa thỏa đáng, thậm chí còn thấp… dẫn tới việc đã có nhiều người nghỉ việc, chuyển ra làm việc cho các cơ sở y tế ngoài công lập...
Với vai trò là các cơ quan báo chí chủ lực, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, về các hoạt động của ngành Y tế, của những người thầy thuốc.
Thay mặt ngành Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên gửi lời cám ơn tới các cơ quan báo chí đã đồng hành và hỗ trợ hết mình để công tác truyền thông y tế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn chống dịch COVID-19 cam go.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, sự vào cuộc của hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí đã tạo dòng chảy thông tin chính thống góp phần truyền tải nhanh chóng, chính xác các quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh của mình trong vai trò tham mưu, đề xuất và triển khai nhiều giải pháp truyền thông đồng bộ giúp định hướng, xử lý thông tin trên mọi hạ tầng, mọi phương thức liên quan đến công tác truyền thông phòng, chống dịch.
“Ngay từ những ngày chống dịch đầu tiên, các cơ quan thông tấn, báo chí đều đã chủ động nhập cuộc, tăng thêm thời lượng, mở thêm chuyên mục, bố trí thêm phóng viên, biên tập viên để khai thác mọi chủ đề của đời sống liên quan tới dịch bệnh, không ngại các điểm nóng, ổ dịch, thực hiện cập nhật thông tin 24/7, làm sao để có được những thông tin chỉ đạo điều hành, tình hình dịch bệnh, khuyến cáo phòng ngừa mới nhất, cập nhật nhất để phục vụ nhu cầu của công chúng.
Nhờ đó mà các thông tin chính thống, chính xác về phòng, chống dịch tạo một dòng chảy chủ đạo của truyền thông trong phòng chống đại dịch, tạo được niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, sự tham gia của các cấp, các ngành”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Tại chương trình tri ân cũng diễn ra 2 cuộc toạ đàm với chủ đề “Nỗ lực vì sức khoẻ nhân dân” và “Y tế vượt khó”. Qua đó, các chuyên gia, lãnh đạo ngành y tế đã chia sẻ về những đóng góp của những người làm ngành Y, đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng đầy vinh quanh và tự hào. Đồng thời, các chuyên gia cũng trao đổi về những khó khăn của ngành y và những nỗ lực để khắc phục, để tiếp tục phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất.
Bình luận