• Zalo

Bỏ túi bạc triệu mỗi ngày nhờ đi săn ‘tôm rừng’ Tây Nguyên

Thị trườngThứ Ba, 07/04/2020 18:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Với thú vui săn sâu nhộng muồng, một loại đặc sản được ví như “tôm rừng” của Tây Nguyên mà người dân nơi đây bỏ túi cả triệu đồng mỗi ngày.

Độ tháng 3 tới tháng 5 hằng năm, Tây Nguyên bước vào mùa khô, người dân nơi đây lại đổ xô vào rừng hay lên rẫy vạch từng thớ lá để tìm bắt kén nhộng, sâu muồng về làm thức ăn hoặc đi bán.

Sở dĩ người ta hay ví sâu và nhộng muồng như “tôm rừng” của Tây Nguyên là vì những món ăn chế biến từ loại sâu này có vị thơm ngậy và đầy chất dinh dưỡng, đặc biệt giá của nó cũng không hề rẻ.

 Bỏ túi bạc triệu mỗi ngày nhờ đi săn ‘tôm rừng’ Tây Nguyên - 1

Nhiều người còn ăn sống cả sâu muồng khi vừa mới bắt xong.

Thường thì người dân sẽ bắt được nhiều sâu nhộng muồng trên thân cây muồng, vì thức ăn chính của loài này là lá muồng, nó không gây hại cho các loại cây trồng khác.

Thời điểm bắt nhiều sâu nhất là ban trưa, do trời nắng gắt, sâu di chuyển từ các cành cây xuống lá tiêu hoặc bất kỳ loại lá nào bám được như lá cà phê, lá chuối. Mỗi ngày một người có thể bắt được 4-5kg kén nhộng muồng và bán với giá từ 170.000-200.000 đồng/kg.

 Bỏ túi bạc triệu mỗi ngày nhờ đi săn ‘tôm rừng’ Tây Nguyên - 2

Mỗi ngày một người có thể bắt được 4-5kg kén nhộng muồng và bán với giá từ 170.000-200.000 đồng/kg. 

Anh Y Nhật Niê (xã Ea H'đing, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Kết thúc những đợt tưới cà phê, cây cối đâm chồi nảy lộc, sâu muồng phát triển mạnh. Khi sâu trưởng thành, chúng rời bỏ ngọn cây, xuống tán lá kéo kén. Cả sâu và nhộng đều có thể chế biến món ăn, nhưng ngon nhất vẫn là nhộng sâu (chế biến cả bao kén). Loài “tôm rừng” này không hề gây hại đến cây trồng, thậm chí còn đem ra nguồn thu nhập kha khá cho nhiều hộ gia đình bằng việc bắt nhộng sâu bán".

Theo chị H'Thoa Mlô (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk), có nhiều cách để chế biến món sâu và nhộng muồng, phổ biến nhất là trộn với sả ớt rồi xào hoặc hấp gừng.

"Việc chế biến khá đơn giản, chỉ cần rửa sạch để ráo nước rồi ướp gia vị, sả, ớt và dùng dầu ăn xào chín tới; hoặc cho vào nồi hấp cách thủy. Nhộng xào sả ớt, hấp gừng có thể làm thức ăn chơi, ăn với cơm hay làm đồ nhậu. Sâu màu đen, kén nhộng màu xanh nhưng khi chế biến xong lại có màu vàng ruộm hết sức bắt mắt", chị H'Thoa Mlô nói.

 Bỏ túi bạc triệu mỗi ngày nhờ đi săn ‘tôm rừng’ Tây Nguyên - 3

Đồng bào Ê Đê cho rằng, sâu muồng còn là phương thuốc ngăn ngừa bệnh sốt rét hiệu quả, giúp tăng cường sức khỏe, bổ thận tráng dương.

Sâu và nhộng muồng là món ăn quen thuộc của người Ê Đê. Tuy nhiên, với những du khách chưa từng ăn món đặc sản này sẽ cảm thấy ghê rợn, nhưng một khi đã được thưởng thức thì sẽ vô cùng thích thú. Sâu nhộng muồng đang dần trở thành đặc sản của người Tây Nguyên, vào cả thực đơn của những nhà hàng sang trọng.

Video:Người Tây Nguyên bắt sâu muồng để làm thức ăn

HIỀN MAI - VY MẾN
Bình luận
vtcnews.vn