• Zalo

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Báo chí góp tiếng nói tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng

Thời sự Thứ Ba, 23/01/2018 09:21:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn có bài viết đánh giá về báo chí nước nhà trong năm qua.

Năm 2017 đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong quá trình phát triển đất nước. Đây là năm mà những quyết sách từ Đại hội XII của Đảng đi vào cuộc sống, củng cố niềm tin và tạo sự hưng phấn, lan tỏa trong lòng dân. Và trong quá trình đó, báo chí đã đóng góp một phần quan trọng.

Với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% mà Quốc hội đã đề ra và vượt dự đoán của các tổ chức quốc tế, năm 2017, kinh tế nước ta đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, cao nhất trong 10 năm qua.

Một trong các động năng đưa tới kết quả này là các cải cách thể chế mà Chính phủ đề ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính, giảm thiểu cơ chế xin - cho qua việc cắt bỏ hàng loạt giấy phép điều kiện kinh doanh, để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng,… đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, vừa góp phần giúp kinh tế tăng trưởng vượt trội, vừa tạo tiền đề cho sự tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn vào những năm tiếp theo.

Trong lĩnh vực kinh tế, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ đã phản ánh rõ nét ở sự chuyển động của thị trường. Số doanh nghiệp mới đăng ký cũng như số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp đều đạt mức kỷ lục: 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 đơn vị quay trở lại hoạt động, thêm 3,16 triệu tỷ đồng được đưa vào sản xuất, kinh doanh.

20170103071933-anh

Năm 2017, báo chí góp tiếng nói tích cực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đồng thời, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân cũng lên tới 17,5 tỷ USD. Bên cạnh đó là tín hiệu lạc quan từ thị trường chứng khoán. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index tăng 43% so cuối năm 2016 - mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây và là mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất tại khu vực châu Á.

Cần nhấn mạnh rằng, năm 2017 được coi là năm của mưa, bão, lũ, thiên tai diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước, chỉ trong sáu tháng cuối năm đã xuất hiện liên tục tới 16 cơn bão, 7 đợt áp thấp nhiệt đới.

Nhưng cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, Đảng, Nhà nước và toàn dân đồng thời nỗ lực phát triển xã hội, đặc biệt là vấn đề an sinh, nổi bật là số hộ thiếu đói giảm 31,7% so năm trước; gần 17 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám, chữa bệnh miễn phí được phát tặng các đối tượng chính sách; cả nước có gần 23 triệu học sinh, sinh viên đến trường; mạng lưới giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phát triển đa dạng về loại hình đào tạo, mô hình hoạt động; khoảng 600 nghìn lao động nông thôn và 19 nghìn người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề... 

Những hiệu quả cụ thể, thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội đã được báo chí phản ánh một cách sinh động, là dòng chủ lưu trên truyền thông trong năm 2017.

Trên báo in và báo điện tử, trên sóng phát thanh và truyền hình, các thành tựu, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tinh thần khởi nghiệp được phản ánh một cách ấn tượng, rõ nét, đa dạng, hấp dẫn.

Việc báo chí phê phán tệ quan liêu, trì trệ trong quản lý, sự bất cập của một số chính sách, sự lộng hành của lợi ích nhóm, tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng,… cũng xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, chấp hành, hưởng ứng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ trong nỗ lực loại bỏ những cản trở trên đường phát triển.

Báo chí luôn đồng hành với quan điểm, đường lối, thái độ kiên quyết, ý chí, sự đoàn kết của Đảng, không tô hồng thành tựu, không bôi đen bất cập, mà phản ánh chân thực bức tranh kinh tế - xã hội và cuộc sống muôn màu, muôn vẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc. 

Cần nhấn mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, loại bỏ lợi ích nhóm đã và đang trở thành cao trào với quyết tâm cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Báo chí không những đồng thuận mà còn góp tiếng nói tích cực, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng này.

Một loạt các cán bộ cấp cao bị đưa ra xét xử đã thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật”, nếu vi phạm pháp luật dù là bất kỳ ai, ở bất kỳ cương vị nào cũng phải chịu sự phân xử nghiêm minh của luật pháp, đồng thời cũng cho thấy không có “vùng cấm” đối với báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thông tin về một số “đại án” được báo chí đề cập đã trực tiếp góp phần khẳng định chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước pháp quyền, khẳng định chế độ chúng ta không dung dưỡng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và không cho phép bất kỳ người nào đứng trên pháp luật.

Dư luận xã hội không khỏi phẫn nộ trước số tài sản khổng lồ của Nhà nước đã bị một số cá nhân làm thất thoát, chúng ta thậm chí đau lòng khi thấy một số người đã từng là cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phải đứng trước Tòa án nhân dân và nhận án tù, nhưng việc báo chí đưa ra ánh sáng sự lộng hành của các nhóm lợi ích nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực,… đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, giúp xã hội trở nên lành mạnh hơn. Đó cũng là dòng thông tin chủ đạo trên báo chí trong cuộc đấu tranh kiên trì và quyết liệt này.

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn khi đề cập những gì không nên, chưa được trong hoạt động báo chí năm 2017. Đó là tình trạng tiêu cực mặc dù giảm mạnh so với năm trước nhưng còn không ít nhức nhối.

Một bộ phận phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất tiếp tục nhũng nhiễu doanh nghiệp, lợi dụng quyền tự do báo chí để mưu đồ lợi ích cá nhân, xâm phạm lợi ích của người khác và của cộng đồng, hoặc biến báo chí thành công cụ phục vụ các nhóm lợi ích lũng đoạn thị trường, trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho các thế lực thù địch công kích chế độ, hạ thấp các thành tựu của đất nước, phát tán tin đồn gây bất an cho nhân dân. Tình trạng đưa tin giật gân câu khách, mô tả các hành vi man rợ, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống dân tộc,… vẫn còn phổ biến.

Đó là một số tờ báo, nhất là báo điện tử vẫn chưa thật sự chuẩn mực trong thông tin, còn tình trạng lựa chọn thông tin “câu khách”; chưa có nhiều bài viết sắc sảo về các điển hình trong hoạt động kinh tế - xã hội, về gương người tốt việc tốt; khi cuộc sống xuất hiện tình huống mới, nhân tố mới thì báo chí chưa có nhiều bình luận sắc sảo, có tính định hướng, có sức thuyết phục; nói cách khác là chưa có nhiều tin tức trên bình diện rộng, phản ánh đa chiều mọi chuyển động của cuộc sống.

Từ thực tế báo chí năm 2017 có thể nói, báo chí của chúng ta vẫn thiên về thông tin mà ít các bình luận, điều tra, bài viết có chất lượng, mang tính phản biện chính sách, phản biện phát ngôn, phản biện các vấn đề mới nảy sinh. Bên cạnh đó là tình trạng, chạy theo thông tin mạng xã hội chưa được kiểm chứng, dẫn tin và bình luận còn cảm tính và hời hợt…

Những vấn đề, hiện tượng này là mặt trái, là sự rủi ro của tự do báo chí. Vì thế, cần nhắc lại rằng, một nền báo chí tự do phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, được làm những việc mà luật pháp không cấm và nhiều hành vi tiêu cực của báo chí không thể chỉ dùng luật pháp để điều chỉnh, mà còn cần đến vai trò của đạo đức nghề nghiệp.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đưa tới sự phổ cập của mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như ở nước ta, báo chí truyền thống và báo chí điện tử không còn là phương tiện thông tin đại chúng “độc quyền” nữa.

Nếu không nâng cao chất lượng thông tin, không cải cách phương thức, kỹ thuật truyền tải thì báo chí rất khó có thể cạnh tranh với thông tin được lan truyền cực kỳ nhanh chóng trên các mạng xã hội.

Đáng mừng trong dòng tin tức cuồn cuộn hàng giờ, hàng phút, báo chí vẫn là nơi tin cậy nhất với người dân, bằng chứng là truyền hình và phát thanh vẫn là những người bạn không thể thiếu trong mỗi gia đình, báo in vẫn duy trì lượng phát hành cao, báo điện tử vẫn có lượng độc giả đông đảo.

Video: Báo chí 2017 - Một năm nhìn lại

Chính sự vươn lên giữ thế thượng phong về thông tin của báo chí đã có tác dụng điều tiết, đẩy lùi các tin giả, tin tức độc hại và thất thiệt tràn lan trên mạng xã hội, nhờ đó cũng góp phần phát huy các yếu tố tích cực và sự hữu dụng của các trang mạng.

Nhiều nhà báo trung thực đồng thời là blogger, facebooker có đông đảo người theo dõi. Có thể nói, chúng ta đang có một đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp tiếp cận với trình độ và công nghệ làm báo hiện đại nhất thế giới.

Không ít nhà báo được công chúng nể trọng về sự chính trực, tính chuyên nghiệp và dũng khí, chính họ là “đầu tàu” của báo chí nước nhà, là người dìu dắt, là tấm gương được các nhà báo trẻ noi theo.

Quan trọng hơn, trước các vấn đề sôi động, nhạy cảm, phức tạp của cuộc sống mà báo chí có nhiệm vụ phản ánh, dù là nhà báo lớp trước hay nhà báo trẻ cũng cần tỉnh táo nhìn nhận đánh giá, tránh a dua, chống xu hướng phe nhóm.

Đồng thời cần chấm dứt tình trạng bám theo doanh nghiệp để trục lợi, quét sạch tình trạng giả danh, mạo danh nhà báo, làm giảm uy tín báo chí và nguy hại cho xã hội. Hơn lúc nào hết, phóng viên báo chí cần tiệm cận cuộc sống nhiều hơn, sâu sát hơn, phải vừa là “người lính xung kích” trong khi đưa ra thông tin có tính phát hiện, cổ vũ, khẳng định có tính thuyết phục mạnh mẽ,… vừa là công dân mẫu mực trong khi tham gia phát triển xã hội với thái độ nghiêm túc cả về chuyên môn và đạo đức người làm báo. 

Năm 2017 đã cho thấy rất rõ một khi đã có được niềm tin yêu của nhân dân đối với báo chí, tự nó đủ sức bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và những người cơ hội chính trị.

Vì thế, cùng với nỗ lực khắc phục hạn chế, thiếu sót, báo chí nước nhà đã và đang chứng minh nền báo chí cách mạng nước ta là nền báo chí tự do đúng nghĩa, một nền báo chí vì dân và do dân.

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn