• Zalo

Bộ trưởng Công Thương: ‘Xuất nhập khẩu Việt Nam lần đầu đạt trên 500 tỷ USD’

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Sáu, 27/12/2019 14:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc hơn 500 tỷ USD, giúp cán cân thương mại thặng dư gần 10 tỷ USD.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết như trên tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 27/12. Theo đó, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức trên 500 tỷ USD.

Cụ thể, tính đến hết tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 263,5 tỷ USD, tăng 8,1% so với 2018, trong khi nhập khẩu khoảng 253,5 tỷ USD, giúp thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD.

Bộ trưởng Công Thương: ‘Xuất nhập khẩu Việt Nam lần đầu đạt trên 500 tỷ USD’ - 1

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Moit)

Tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đáng chú ý, khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5%, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 9,7% so với cùng kỳ trong ki nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% của năm 2017.

Hiện có 32 mặt hàng, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: ASEAN (tăng 2%), Hàn Quốc (tăng 8,3%), Ấn Độ (tăng 2,1%), New Zealand (tăng 9,7%).

Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU… Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Về thị trường trong nước, năm 2019, lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước và trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm như ngày lễ, Tết Nguyên đán.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, ước cả năm đạt khoảng 4.940,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,86% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra năm 2019 là tăng 11,5-12% so với năm 2018.

Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, 1 FTA đã ký kết và chờ phê chuẩn (FTA Việt Nam - EU) và 03 FTA đang đàm phán .

Các FTA này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường toàn cầu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

“Trước bối cảnh giảm sút tổng cầu, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, bảo hộ mậu dịch gia tăng, việc Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp giúp dự trữ ngoại hối duy trì mức cao, ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên những thành công kể trên thì vẫn còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra cho ngành Công Thương, đòi hỏi phải giải quyết, khắc phục những tồn tại, bất cập, khó khăn. Trong đó, có vấn đề về chiến lược phát triển, công tác điều hành, quản lý nhà nước đặc biệt là những nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế và pháp luật.

Theo Bộ trưởng, năm 2020 sẽ là một năm bản lề quyết định, một năm có nhiệm vụ quan trọng trong việc kết thúc chiến lược 10 năm của đất nước cũng như 5 năm trong kế hoạch nhiệm kỳ của Chính phủ.

Từ đó, ông Tuấn Anh cho biết cần phải đánh giá một cách thực chất các vấn đề đang ở mức thấp trong các hoạt động và phát triển của ngành Công Thương để từ đó có những giải pháp thực hiện dưới sự chỉ đạo chung của Chính phủ để xử lý và tháo gỡ để tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng của cả nước theo hướng bền vững.

Đồng thời có điều kiện để thoát ra khỏi được cái bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia phát triển trong thời gian tới. và trong đó là tập trung phải giải quyết cho được các vấn đề chuyển đổi cơ cấu công nghiệp  và xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.

“Chúng ta đã có hàng loạt những đề án lớn về chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững cũng như tái cơ cấu các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng bền vững”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn