• Zalo

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đón gió lành từ FTA, xuất khẩu Việt sẽ hái quả ngọt

Đầu TưThứ Sáu, 12/02/2021 06:50:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Với những nền tảng vững chắc có được từ các FTA đã ký kết, kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ phát triển mạnh mẽ cả khía cạnh thương mại quốc tế và xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2020 tuy chịu nhiều tác động song vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Thành quả này một phần do chúng ta tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trả lời VTC News, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, với những nền tảng vững chắc có được từ các FTA đã ký kết, năm 2021 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, trong đó có cả khía cạnh thương mại quốc tế và xuất nhập khẩu.

Mở rộng cửa đón gió lành

- Việt Nam hiện là một trong những nước tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất thế giới. Vì sao chúng ta phải tham gia nhiều FTA như vậy, thưa ông?

Tham gia vào các FTA là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 14 FTA), và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Trong số FTA này, có 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Việc ký kết các FTA là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đón gió lành từ FTA, xuất khẩu Việt sẽ hái quả ngọt - 1

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Moit)

Tôi cho rằng, gia tăng sự hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới là một hướng đi đúng. Còn nhớ vào năm 2016, xuất khẩu của chúng ta mới chiếm tỷ trọng khoảng 80,7% GDP, nhưng đến năm 2019, con số này đã là 107 % GDP và chắc chắn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trên 100%.

Xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng bền vững và đã đóng góp rất to lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô, để chúng ta có điều kiện xoay xở và thực hiện những chiến lược tái cơ cấu lại nền kinh tế; Tiếp tục thực hiện các biện pháp phát triển bền vững cho đất nước; Nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; Đảm bảo những yêu cầu về an ninh trật tự chính trị, trị an và bảo vệ chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Việc mở cửa thị trường liên tục và sôi động như vậy, chúng ta đã tạo điều kiện cho quy mô của nền kinh tế, năng lực sản xuất của các ngành kinh tế được mở rộng liên tục. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế được tiếp tục cải thiện. Tôi lấy ví dụ, vào năm 2016, chúng ta chỉ có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Đến nay, chúng ta đã có 31 sản phẩm có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trước kia chúng ta chỉ có chưa tới 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 5 tỷ USD, nay con số đã lên 17 mặt hàng.

Rõ ràng, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới không chỉ giúp Việt Nam tăng khả năng khai thác nguồn lực và cơ hội toàn cầu để đẩy nhanh công cuộc phát triển mà còn gia cường năng lực thích ứng với đổi thay của đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong một thế giới đầy biến động hiện nay.

- Theo ông, các FTA này bổ trợ cho nhau thế nào? Liệu khó khăn của hiệp định này có thể là thuận lợi của hiệp định kia không?

Cùng với các Hiệp định CPTPP và EVFTA, RCEP là một FTA lớn của Việt Nam trong năm 2020 và bổ trợ quan trọng cho các hiệp định trên.

RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn.

Các FTA sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Mặc dù RCEP bao gồm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia như thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, nhưng nội dung và mức độ cam kết là phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Các nội dung này cũng đã được ta cam kết trong các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA.

Do vậy, mức độ cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP nhìn chung là hài hòa, có cao hơn các FTA ASEAN Cộng hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia là CPTPP và EVFTA.

Về quy mô thị trường, với dân số trong khu vực lên tới hơn 2,2 tỷ người, RCEP có phần nhỉnh hơn so với CPTPP và EVFTA. Đây sẽ là sự bổ sung đáng kể về mặt thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bên cạnh các thị trường được mở ra từ việc ký kết các FTA trước đó.

Ngoài ra, RCEP cũng bổ trợ cho CPTPP và các FTA mà Việt Nam đã ký trước đây với các nền kinh tế lớn trong RCEP, như VJFTA với Nhật Bản, KVFTA với Hàn Quốc, AFTA với ASEAN khi cung cấp thêm lựa chọn cho việc tận dụng các cơ hội và ưu đãi từ cam kết trong các hiệp định này. Ví dụ như việc sử dụng mẫu C/O theo mỗi FTA một cách phù hợp, nhằm có được mức ưu đãi thuế quan cao nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

- Vậy chúng ta đã tận dụng lợi thế do các FTA mang lại như thế nào trong thời gian qua?

Hầu hết FTA đều hàm chứa nhiều quy định và cam kết mới sẽ tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển kinh tế và thương mại. Theo một số nghiên cứu độc lập, ví dụ như nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), việc chúng ta chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, làm cho Việt Nam có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài.

Thứ nữa, các FTA thế hệ mới giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, gia tăng xuất siêu cũng như thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu. Đồng thời, nhờ FTA thế hệ mới, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã thâm nhập được vào các thị trường lớn với mức tăng trưởng tốt như dệt may, giày da, nông sản… Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt mức kỷ lục, vượt mốc 500 tỷ USD.

Theo tính toán, việc tham gia CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Với EVFTA, trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm. GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07 đến 7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó. Hay với việc thực thi RCEP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.

Bên cạnh đó, tham gia các FTA thế hệ mới cũng giúp đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Trái ngọt từ xuất khẩu

- Thủ tướng và nhiều chuyên gia kinh tế ví các FTA mà chúng ta đạt được đã “mở ra những con đường lớn”. Con đường hội nhập càng rộng mở thì cơ hội thịnh vượng càng lớn. Bộ trưởng có kỳ vọng thế nào vào những năm tiếp theo?

Dự buổi lễ ký kết EVFTA, Thủ tướng nói “con đường cao tốc đã được mở ra”. Một ví dụ rất nôm na, rất hình ảnh, nhưng tôi cho rằng rất đầy đủ. Vấn đề là bây giờ chúng ta phải làm gì để cho tất cả mọi phương tiện đều có thể tiếp cận và di chuyển trên hệ thống xa lộ này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đón gió lành từ FTA, xuất khẩu Việt sẽ hái quả ngọt - 2

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký kết RCEP trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 15/11/2020. (Ảnh: Moit)

Bởi, để di chuyển trên hệ thống xa lộ và đường cao tốc này, chúng ta cần phải có hệ thống biển báo hướng dẫn, quy định để tổ chức vận hành cho các luồng giao thông. Chúng ta phải có hệ thống hạ tầng, đường dẫn để kết nối với hệ thống giao thông trên đó. Chúng ta phải có sự đào tạo để cho những chủ thể khai thác tốt, khai thác sớm xa lộ cao tốc.

Như tôi đã nói, với kinh tế thương mại khu vực có liên kết, kết nối thông qua các hiệp định thương mại tự do lên tới 17 FTA hiện nay và còn 3 hiệp định đang đàm phán…, chúng ta hoàn toàn có đủ dư địa, điều kiện để định hướng cho đất nước phát triển bền vững trong chiến lược dài hạn sắp tới.

Vấn đề còn lại là việc tổ chức thực thi các hiệp định này có hiệu quả. Đi cùng với các hiệp định thương mại tự do, chúng ta đều có các chương trình hành động. Đây là sự quyết liệt và có tính trách nhiệm, toàn diện trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Nếu chúng ta làm tốt việc thực thi thì không có vấn đề gì xảy ra cả.

Chúng ta phải có các kế hoạch để thực hiện và cụ thể những đề án, nhất là trong tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tổ chức lại theo quan điểm, cách tiếp cận mới của chuỗi cung ứng trong bối cảnh chúng ta có dư địa, có không gian rộng lớn của hội nhập.

Chắc chắn còn một nhiệm vụ cũng rất quan trọng, đó là tiếp tục thực hiện các cải cách, hoàn thiện về thể chế pháp luật, nhất là theo môi trường kiến tạo và đặc biệt phải hướng vào người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.

- Riêng về xuất khẩu, FTA đã hỗ trợ thế nào đến xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, thương mại đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thưa ông?

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết các FTA đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, các FTA sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu. Việc tìm kiếm và xây dựng thị trường ổn định cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt với các sản phẩm có thế mạnh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn chuẩn bị sẵn sàng, giúp ta ứng phó với những thách thức khó lường trong tương lai.

Chúng ta có thể thấy những cải thiện rất đáng kể năng lực nội tại của nền kinh tế trong khía cạnh sản xuất cũng như xuất nhập khẩu. Thông qua việc thực thi hiệu quả các FTA để gia tăng năng lực xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu duy trì con số từ 8 – 10% trong thập niên qua. Hiện Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới, với tỷ trọng xuất nhập khẩu đứng ở vị trí thứ 26…

Đáng chú ý, thông qua những kết quả đó, Việt Nam đã có cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế và hướng đến phát triển bền vững, không chỉ ở các ngành kinh tế trực tiếp sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp mà cả trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại cũng như các hạ tầng quan trọng của đất nước.

- Ông đánh giá thế nào về triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021?

Trong bối cảnh mới với rất nhiều yếu tố khó lường và khó đoán định của thế giới như chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch, dịch bệnh, thiên tai…, có thể dự đoán, thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động thương mại quốc tế cũng như xuất nhập khẩu của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn tự tin khẳng định, năm 2021 và những năm sắp tới, về cơ bản sẽ có nhiều thuận lợi đến từ chiến lược hội nhập của đất nước, các cơ hội từ FTA đã và sẽ ký kết, những chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong tất cả các khía cạnh, từ tái cơ cấu về kinh tế, chính sách an sinh xã hội, đến cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực hoàn thiện về cơ chế pháp luật, nền tảng chuyển đổi số của nền kinh tế…

Để đạt được mục tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu, Bộ Công Thương xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng. Trong đó, lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch COVID-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu qua việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn để chinh phục đỉnh cao mới.

Tất cả các yếu tố này sẽ mang lại động lực mới cho sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thái Linh
Bình luận
vtcnews.vn