• Zalo

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Sử dụng trẻ em biểu diễn ở các phiên chợ là trái luật

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 05/06/2024 16:21:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định sử dụng trẻ em biểu diễn ở phiên chợ vùng cao là hành vi trái luật; nếu sự việc này xảy ra ở vùng nào thì địa phương đó phải quản lý.

Trong phiên chất vấn chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao. Bà nêu cụ thể nhiều trẻ em nhỏ không được đi học mà phải biểu diễn, nhảy múa dưới trời mưa rét để xin tiền du khách hay nhiều em nhỏ mới vài tháng tuổi đã bị mẹ địu trên lưng, ra chợ xin tiền.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nêu giải pháp để vừa bảo tồn nét đẹp văn hóa, vừa bảo vệ quyền trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chất vấn về hiện tượng lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chất vấn về hiện tượng lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đó là hành vi trái luật. Hơn nữa, các phiên chợ cũng không phải là địa điểm biểu diễn nghệ thuật. Nếu hành vi này xảy ra ở vùng nào thì địa phương đó phải quản lý.

Ông Hùng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc xây dựng các khu chợ văn minh, giữ được văn hóa. Với trẻ em có năng khiếu, Bộ trưởng đề nghị địa phương đưa các em vào đơn vị đào tạo, bồi dưỡng để sau này phát huy tài năng của các em.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Bộ cũng có một phần trách nhiệm, nhưng Bộ không phải là cấp xử lý vấn đề này. Khi phát hiện được các nội dung nêu trên, chúng tôi sẽ có văn bản trao đổi với các địa phương”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị các cơ quan có liên quan phải tuyên truyền, giáo dục về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Cũng trong phiên chất vấn chiều 5/6, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, điện ảnh là một phương thức rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước nói chung và xúc tiến du lịch nói riêng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trong thời gian tới, Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ ngành điện ảnh Việt Nam cũng như giải pháp gì để những phim do Nhà nước đến được với công chúng.

Đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên chất vấn về vấn đề điện ảnh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên chất vấn về vấn đề điện ảnh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sau khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành các nghị định. Điện ảnh Việt Nam bắt đầu có bước khởi sắc.

Nền điện ảnh đang được triển khai theo đúng lộ trình, nhất là tập trung vào việc thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam bởi nước ta có phim trường tự nhiên rất đẹp để tổ chức xây dựng các bộ phim. Cùng với đó cũng đề nghị các nhà làm phim kết hợp để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam.

Đơn cử như bộ phim về tình yêu của khách du lịch do bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với nhà làm phim nước ngoài, phim được đưa lên Netflix và quảng bá được du lịch rất tốt.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Vừa qua, Bộ VHTTDL phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng bộ phim về du lịch đã tạo hiệu ứng lan toả, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vùng đất, vẻ đẹp con người Việt Nam. Năm 2023, Bộ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch qua điện ảnh cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp ký kết sản xuất phim về vấn đề này.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần tiếp tục phát huy lợi thế, vẻ đẹp tự nhiên của đất nước, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách trong Luật Điện ảnh. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất điều chỉnh Nghị định của Chính phủ để có thể công bố bán vé phim do Nhà nước hàng.

Về phim trong nước, ông Hùng cho rằng phim là của tư nhân, còn Nhà nước, ngân sách không nhiều. Một năm bố trí ngân sách cũng không nhiều, chỉ có khoảng 60-70 tỷ đồng cho phim đặt hàng nên các đơn vị phải cố gắng chuẩn bị thật tốt.

Theo ông Hùng, phim Nhà nước có điểm nghẽn là không được bán vé: "Chúng tôi sẽ cố gắng lựa chọn, làm các bộ phim chất lượng như "Đào, phở và piano". Với phim nhà nước đặt hàng, chúng tôi phát hiện ra điểm nghẽn là phim không được bán vé vì có nhà nước đầu tư. Chúng tôi đang đề xuất sửa đổi quy định, để các bộ phim tốt được bán vé, có nguồn thu và đầu tư lại cho các phim khác", lãnh đạo Bộ Văn hóa chia sẻ.

Bình luận
vtcnews.vn