• Zalo

Bộ trưởng KH-ĐT: Cần 48,3 triệu tỷ đồng cho phát triển 4 vùng động lực kinh tế

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Bảy, 07/01/2023 14:28:44 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nước ta sẽ xác định 4 vùng động lực để ưu tiên cả về thể chế và nguồn lực để đầu tư.

Cần 48,3 triệu tỷ đồng cho phát triển 4 vùng động lực kinh tế

Giải trình ý kiến của các đại biểu tại hội trường sáng 7/1 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình phát triển, nếu khai thác được các vùng động lực thì chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng, còn hiện tại sẽ tập trung 4 vùng động lực phát triển kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây nước ta xác định 4 vùng kinh tế trọng điểm, sau đó có 4 cực tăng trưởng với 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm hơn 27,5% diện tích cả nước, 57,1% dân số cả nước. Nhưng các vùng kinh tế trong điểm này chưa thực sự trở thành vùng kinh tế động lực, nhiều địa phương trong vùng động lực này có điều kiện phát triển bằng hoặc thấp hơn trung bình trong cả nước.

Về hình thành và phát triển các vùng động lực, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế… để ưu tiên cả về thể chế và nguồn lực, góp phần tăng trưởng kinh tế, lan toả tích cực cho những vùng xung quanh và trong cả nước. Còn những vùng khác sẽ tiếp tục phát triển sau nếu đủ điều kiện để khai thác được tiềm năng, thế mạnh.

Bộ trưởng KH-ĐT: Cần 48,3 triệu tỷ đồng cho phát triển 4 vùng động lực kinh tế - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng cho biết, nguồn lực và kịch bản cũng như tính khả thi đã được lựa chọn khá chi tiết trên cơ sở đánh giá tác động, phù hợp với thực tiễn và bán sát Nghị quyết Trung ương đề ra.

“Về nguồn lực để thực hiện, chúng ta cần 48,3 triệu tỷ đồng, tương đương với 35% GDP thông qua việc huy động tối đa các nguồn lực từ Nhà nước đến đầu tư tư nhân, đối tác công tư. Để đảm bảo tính khả thi, chúng ta cũng phấn đấu trên tinh thần quyết tâm cao nhất, tận dụng khai thác tất cả các lợi thế của các vùng và cả nước cũng như các cơ hội mới, xu thế mới để phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra”, Bộ trưởng Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua việc đầu tư của chúng ta còn dàn trải, phân tán, kém hiệu quả, làm triệt tiêu các động lực phát triển. Do vậy, quan điểm đầu tư lần này là phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra động lực mới, đồng thời đảm bảo các đề về an sinh xã hội và môi trường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc đầu tư các vùng động lực kinh tế được phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số miền núi nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề cấp thiết

Giải trình ý kiến của các đại biểu về những khó khăn, vướng mắc trong việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây lần đầu tiên chúng ta triển khai quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, có ý nghĩa rất quan trọng nên chưa có kinh nghiệm và còn nhiều bỡ ngỡ.

Bộ trưởng KH-ĐT: Cần 48,3 triệu tỷ đồng cho phát triển 4 vùng động lực kinh tế - 2

Toàn cảnh phiên họp.

Đây là công trinh nghiên cứu rất khoa học, nghiêm túc trong thời gian 2 năm với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học hàng đầu trong nước và thế giới về quy hoạch. Hàng trăm hội nghị, hội thảo được tổ chức, hơn 30 cơ sở trường, viện nghiên cứu tham gia với phương pháp tiếp cận mới, hiện đại gắn với các Nghị quyết của Trung ương, của vùng, địa phương để bổ sung vào quy hoạch này.

“Trong Nghị quyết của Quốc hội đã giao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, chỉnh lý chính xác số liệu, tài liệu, sơ đồ, bản đồ, bảo đảm tính thống nhất theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Do vậy, một số nội dung mà các đại biểu phát biểu tại hội trường hôm nay cơ bản đã được tiếp thu, chỉnh sửa để đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao nhất của quy hoạch. Với tư cách là cơ quan soạn thảo, chúng tôi xin tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa để đảm bảo chính xác, phù hợp hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về sự cần thiết và tính cấp bách của việc xây dựng Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn lại lời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 6 "đây là lần đầu tiên chúng ta làm, công việc rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm xong rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, ngành, địa phương rất mong đợi" và khẳng định "cơ quan soạn thảo sẽ tiến hành khẩn trương nhất".

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn