• Zalo

Bộ Tài chính 'nhường' Bộ Công thương quản lý xăng dầu: Chuyên gia lên tiếng

Thị trường Chủ Nhật, 05/02/2023 20:58:24 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Tài chính đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá cho Bộ Công Thương khi Bộ này đang đề xuất nhiều phương án và phân công chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành.

Những thông tin về “quả bóng trách nhiệm” giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lại được xới lên, khi Bộ Tài chính đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá cho Bộ Công Thương, còn Bộ Công Thương đề xuất nhiều phương án, trong đó có phương án giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành trong công tác quản lý đối với mặt hàng xăng dầu như trước…

Đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương tại Dự thảo lần 2 (Văn bản mới nhất) - Tờ trình của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh tới chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành trong công tác quản lý đối với các loại hàng hoá nói chung, mặt hàng kinh doanh có điều kiện như xăng, dầu nói riêng.

Bộ Tài chính 'nhường' Bộ Công thương quản lý xăng dầu: Chuyên gia lên tiếng  - 1

Chuyên gia cho rằng, càng rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu càng tốt.

Từ thực tế thị trường xăng, dầu “hết sức dị biệt” của năm 2022 lại phụ thuộc vào thị trường thế giới ở cả khâu sản xuất và nhập khẩu, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh tới công tác dự báo và điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua còn chưa sát với thực tiễn, lấy cái “bình thường” để điều hành sự “bất thường” là cứng nhắc. Vì vậy, quan trọng không phải chỉ là sửa Nghị định như thế nào, mà vấn đề vẫn là ở sự phối hợp trong công tác quản lý trong chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành có liên quan.

Dẫn chứng từ đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá trong Dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định 95 và Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, PGS. TS Ngô Trí Long nêu quan điểm, qua quá trình điều hành cho thấy 10 ngày cũng vẫn gây sự bất cập trong điều hành giá xăng dầu. 

“Thời gian điều hành dài khiến có những thời điểm giá xăng dầu trong nước ngược với giá thế giới, cho nên theo quan điểm của cơ quan điều hành cũng như Ban soạn thảo Nghị định nên rút xuống, càng rút ngắn được bao nhiêu thì càng tốt. Ngoài tần suất cũng như thời gian điều chỉnh, một vấn đề hết sức quan trọng đối với điều hành giá xăng dầu chính là làm sao phải điều hành sát với giá thị trường”, ông Long nói.

Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính lại đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính trong việc giao việc điều hành giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương, để thống nhất một đầu mối quản lý.

Giá của những mặt hàng mang tính đặc thù Nhà nước hiện đang quản lý như giá xăng dầu, giá vật tư y tế,… sẽ do các cơ quan chủ quản xây dựng và quyết định. Như vậy, nếu theo Luật giá thì trước sau việc điều hành giá xăng dầu cũng sẽ thuộc về Bộ Công Thương.

“Bộ Công Thương là Bộ quản lý chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu, cho nên Bộ Công Thương phải là người giúp cho các DN đầu mối, trung gian và các DN bán lẻ xây dựng nên hệ thống tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho đơn giản, phù hợp nhất đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Việc giao quản lý toàn bộ cho Bộ Công Thương để việc điều phối của Bộ Công Thương với các DN sẽ phù hợp và sát với thực tiễn”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Bộ Tài chính 'nhường' Bộ Công thương quản lý xăng dầu: Chuyên gia lên tiếng  - 2

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh về việc giao Bộ Công Thương làm đầu mối trong quản lý và điều hành giá mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, nếu vẫn để cả 2 Bộ cùng điều hành giá như trước đây sẽ vừa chậm, vừa khó phân định trách nhiệm khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.

Theo phân tích của ông Thỏa, thực chất hiện nay Bộ Công Thương đã chịu trách nhiệm rất nhiều trong việc điều hành lĩnh vực xăng dầu, như chịu trách nhiệm về lập Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch hệ thống kho cảng, kho xăng dầu dự trữ; Cấp phép cho thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, Quy hoạch hạn mức nhập khẩu; Quản lý đăng ký sản xuất xăng dầu trong nước; Tính toán cung - cầu cũng như điều hành giá. Bộ Công Thương cũng chính là cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và điều tiết cung  - cầu và là đơn vị hiểu về sản xuất, kinh doanh về cung - cầu, hiểu về giá thị trường thế giới và thị trường trong nước hơn các bộ khác.

“Không nên làm theo cách như hiện nay, đó là cắt khúc điều hành vì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm điều hành giá nhưng Bộ Tài chính chỉ tính chi phí định mức - một bộ phận trong cơ cấu giá. Nhưng khi điều hành giá, Bộ Công Thương lại phải chờ Bộ Tài chính thông báo rồi mới “lắp” vào giá cơ sở để công bố và điều hành là vô cùng bất cập, không cần thiết. Nên giao tất cả việc điều hành giá cho Bộ Công Thương là phù hợp”, ông Thỏa nêu quan điểm.

Bộ Tài chính 'nhường' Bộ Công thương quản lý xăng dầu: Chuyên gia lên tiếng  - 3

Nhiều chuyên gia nghiêng về phương án giao toàn bộ điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công Thương.

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, theo các chuyên gia có 3 điểm quan trọng cần phải được thực hiện:

Đầu tiên, đó là phải bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt là phải tạo môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường.

Thứ hai, là sắp xếp hợp lý lại hệ thống lưu thông - cung ứng xăng dầu. Thứ ba, vấn đề cốt lõi nhất là rà soát, sửa đổi lại toàn bộ cơ chế điều hành giá xăng, dầu và cơ chế bình ổn giá xăng dầu hiện hành, trong đó có quy định về thời gian giữa hai lần điều chỉnh. Cần tính đến phương án điều hành tiệm cận nhất với biến động giá thế giới và không có chuyện “nghỉ lễ, Tết” trong điều hành giá xăng dầu.

Muốn làm tốt được điều này, cũng cần phải làm tốt 3 điểm. Thứ nhất là phải dự báo sát được tình hình cung - cầu và xây dựng các kịch bản để bảo đảm nguồn cung trong các tình huống khác nhau. Thứ hai là xây dựng các kịch bản điều hành giá và giải pháp bình ổn giá theo các biến động của giá thế giới.

Thứ ba, là toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ phải có sự phối hợp chặt chẽ, ràng buộc với nhau thông qua các hợp đồng kinh tế.

Nguyễn Long(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn