• Zalo

Bộ Nội vụ đề xuất không thi tuyển, đưa 500 trí thức trẻ về xã làm công chức

Tin tức 24h quaThứ Năm, 26/11/2020 20:40:00 +07:00Google News

Với 500 trí thức trẻ được đưa về xã trong Đề án thí điểm từ năm 2013, Bộ Nội vụ đề xuất phương án tuyển dụng thẳng, không thi tuyển với người hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 26/11, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với các địa phương chuẩn bị hội nghị tổng kết Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.

Đây là đề án được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 9/2013, nhằm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc 34 tỉnh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi.

Có thể tuyển thẳng lên công chức

Sau khi nghe ý kiến từ lãnh đạo các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn kết luận nội dung này và khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện đề án. Từ đó làm rõ hiệu quả, kết quả thực hiện đề án trong 5 năm qua.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, đề án đã có đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - nơi các trí thức trẻ được đưa đến. Bên cạnh đó, đề án còn giúp phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tại các địa phương.

Bộ Nội vụ đề xuất không thi tuyển, đưa 500 trí thức trẻ về xã làm công chức - 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị các địa phương cân đối lại biên chế, dành tỷ lệ nhất định và có lộ trình để bố trí công việc cho các trí thức trẻ được đưa về. (Ảnh: X.Đ)

Đây là đề án thí điểm, khi thống nhất kết thúc phải giải quyết những vấn đề tồn tại. Thời gian để các địa phương thực hiện sắp xếp, bố trí các trí thức trẻ là trong 2 năm, đến hết năm 2022. Trong thời gian này, địa phương cân đối lại biên chế, dành tỷ lệ nhất định và có lộ trình để bố trí công việc cho các em”, ông Tuấn kết luận.

Ông lưu ý trong thời gian này, các trí thức trẻ vẫn làm việc tại đơn vị đang làm để giữ vững niềm tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh tạo tâm lý lo lắng, bất an.

Khi tuyển vào công chức xã, huyện, tỉnh, tôi thống nhất tuyển thẳng, không qua thi tuyển, sát hạch, nếu như địa phương có biên chế, các em hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian thực hiện đề án. Các em đã rèn luyện 5 năm, đủ thời gian để xét tuyển rồi”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, Quyết định 1758 năm 2013 của Thủ tướng đã quy định đội viên tham gia đề án này được tuyển thẳng lên công chức. Vì vậy, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ sau khi tổng kết đề án này ban hành một nghị quyết cho phép các địa phương tuyển thẳng những người thuộc diện trong đề án vào công chức.

Bà Đào Thị Hồng Minh - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, khẳng định việc tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết để tháo gỡ những trường hợp cá biệt này bằng việc tuyển dụng đặc cách hoặc tuyển thẳng những học viên trong 500 trí thức trẻ hoàn toàn làm được.

Không thể "đem con bỏ chợ"

Chia sẻ trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Long Hải đánh giá các trí thức trẻ được đưa về địa phương đã phát huy vai trò rất tốt.

Song ông nêu khó khăn trong phương án bố trí nguồn nhân lực này sau khi đề án kết thúc, bởi vướng mắc ở biên chế và cơ chế tuyển dụng. Vì vậy, ông Hải đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ giải quyết điểm vướng này để các địa phương thực hiện được ngay.

Ông cũng mong Bộ Nội vụ nêu rõ cách thức tuyển dụng và thời hạn sắp xếp bố trí cán bộ trẻ như thế nào để họ yên tâm công tác, tránh tâm lý lo lắng.

Bộ Nội vụ đề xuất không thi tuyển, đưa 500 trí thức trẻ về xã làm công chức - 2

Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ sau khi tổng kết đề án này ban hành một nghị quyết cho phép các địa phương tuyển thẳng các trí thức trẻ trong đề án vào công chức. (Ảnh: X.Đ)

Trong khi đó, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Lân lo lắng khi 414/500 trí thức trẻ tham gia đề án chưa được bố trí công việc. Hiện nay chỉ có 91 đội viên trong đề án được các địa phương có phương án bố trí, còn 323 đội viên chưa có giải pháp bố trí sau khi đề án kết thúc.

Dẫn chứng ngay một số trường hợp ở Kon Tum, ông Lân chia sẻ vướng mắc khi đề án này thực hiện đúng thời điểm triển khai các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.

Do vậy mà các địa phương khó xử lý chứ không phải địa phương không hoàn thành trách nhiệm. Trước đây từ 21 cán bộ xã đến nay giảm chỉ còn 12-14 người, rất khó cho địa phương. Huyện chỉ đạo nhưng xã không cách nào làm được”, ông Lân nói.

Tỉnh Kon Tum đồng ý việc kéo dài đề án khoảng 1-2 năm và thống nhất cho tuyển thẳng các đội viên vào công chức xã, huyện, tỉnh. “Những tỉnh quá khó khăn về biên chế, không thể bổ trí được cho các em thì đề nghị Bộ Nội vụ giao thêm biên chế cho các địa phương”, ông Lân kiến nghị.

Tại Hà Giang, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết có 22 trí thức trẻ và đã bố trí được 7 người, còn 15 người chưa bố trí.

Vấn đề Hà Giang đang gặp vướng mắc là do chưa có hướng dẫn tuyển dụng đối với các cán bộ này lên huyện như thế nào. Vì vậy, Hà Giang đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ có văn bản tạo cơ chế tuyển thẳng các đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phải qua thi tuyển nữa.

Nếu chúng ta dừng ở đây thì đúng là rơi vào tình trạng 'đem con bỏ chợ'. Tôi rất suy nghĩ, rất băn khoăn về điều này”, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang chia sẻ và đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thực hiện đề án thêm 3 năm nữa.

Nghe vậy, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Cuộc họp là đang tìm cách “đưa con về nhà” chứ không phải “đem con bỏ chợ”.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn