• Zalo

Bộ GTVT yêu cầu tổng thầu cam kết mốc vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Kinh tếThứ Hai, 16/09/2019 14:37:00 +07:00 Google News

Trong văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ GTVT yêu cầu tổng thầu cam kết mốc vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản số 8467/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trả lời kiến nghị cử tri của địa phương gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Nội dung kiến nghị của cử tri nêu băn khoăn và muốn biết khi nào tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào hoạt động.

cat-linh-ha-dong

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được khởi công từ tháng 11/2011.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, khối lượng xây dựng toàn bộ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt được 99%, thiết bị đã cơ bản được lắp đặt hoàn chỉnh phục vụ công tác vận hành thử. 

Cũng theo Bộ GTVT, trong quá trình xây dựng, Bộ và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo, nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành chuyển sang chạy thương mại và nguy cơ kéo dài do tổng thầu chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ. 

Những khó khăn, vướng mắc của dự án đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết trong thời gian tới.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri của địa phương gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ GTVT cho biết: Được sự thống nhất cao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ đã phối hợp cùng Tham tán công sứ thương mại - Đại sứ quán Trung Quốc tiến hành họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án 2 tuần/lần nhằm đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan quyết liệt triển khai thực hiện, sớm hoàn thành, bàn giao đưa dự án vào khai thác thương mại. 

Bộ cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn giám sát và tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch tiến độ hoàn thành dự án; đồng thời yêu cầu tổng thầu cam kết mốc thời gian cụ thể đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, làm cơ sở để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và phối hợp với các bên liên quan (UBND TP Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước...) để nghiệm thu, bàn giao dự án. 

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, với điều kiện chỉ định Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Tư vấn giám sát là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc).

Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải, trong đó Ban Quản lý dự án Đường sắt được giao trực tiếp quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư. Dự án có 12 nhà ga với tổng chiều dài tuyến đi trên cao là 13,1 km, thời gian chạy tàu từ 5-23 giờ. Cấu tạo đoàn tàu gồm 4 toa, năng lực vận tải 960 người/tàu, tốc độ chạy bình quân 35km/h với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông được khởi công năm 2011, sau 8 lần sai hẹn về đích mà lần gần nhất theo cam kết của Bộ GTVT là vào tháng 4/2019 nhưng bất thành. Mặc dù dự án đã hoàn thành 99% khối lượng nhưng Bộ cũng chưa hứa thời gian cụ thể để đưa dự án vào khai thác. 

Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức vốn đầu tư dự án được thống kê gần nhất là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Đầu năm 2016, đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến được đưa vào vận hành, khai thác thương mại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra một mốc thời gian vận hành cụ thể. 

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn