• Zalo

Bộ GD&ĐT: Các địa phương vùng lũ chủ động lên kế hoạch học bù

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 02/11/2020 06:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các địa phương căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ để điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong chương trình khung kế hoạch năm học 2020-2021 Bộ GD&ĐT luôn tính toán có 2 tuần dự phòng cho những trường hợp khi gặp thiên tai, dịch bệnh.

Với một số tỉnh miền Trung không may xảy ra “bão chồng bão, lũ chồng lũ” và học sinh phải nghỉ dài hơn quỹ thời gian dự phòng, các trường sẽ phải xây dựng phương án dạy bù trong năm học để hoàn thành chương trình.

Tính đến thời điểm này, nhiều học sinh nhiều tỉnh miền Trung nghỉ học hơn 24 ngày. Do vậy, các địa phương phải căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường cho phù hợp.

Ông Thành cho biết, theo thông tin báo cáo về Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế đã ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch giảng dạy. Theo đó, địa phương này điều chỉnh thời gian kiểm tra học kỳ 1 từ tuần 13 dịch chuyển sang tuần 15 và điều chỉnh một số nội dung từ học kỳ 1 sang học kỳ 2 nhằm đảm bảo khi học sinh đến trường trở lại không bị quá tải việc tiếp thu kiến thức.

Với Đà Nẵng, Sở GD&ĐT cũng chủ động điều chỉnh thời gian dạy học để đảm bảo khi học sinh trở lại trường được bố trí lịch học bù một cách phù hợp.

Bộ GD&ĐT: Các địa phương vùng lũ chủ động lên kế hoạch học bù - 1

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, chương trình giáo dục hiện hành được thiết kế dạy học 1 buổi/ngày, do đó, các trường vẫn có thời gian 1 buổi trong ngày để dạy bù. Tuy nhiên, địa phương phải sắp xếp kế hoạch dạy bù, giảm tải phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép, đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ.

Các trường cần vận dụng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục không chỉ trong lớp học mà có thể thực hiện cả ngoài giờ lên lớp, trong phòng thí nghiệm, làm dự án học tập; tổ chức dạy học trực tuyến như thời kỳ nghỉ học do dịch COVID-19, ông Thành cho biết thêm.

13 học sinh, giáo viên thiệt mạng

Theo báo cáo nhanh của Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT, đợt bão lũ trong tháng 10 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... khiến ngành giáo dục địa phương bị thiệt hại nặng về trường lớp, sách vở.

Hà Tĩnh có hơn 20.000 học sinh bị ảnh hưởng vì mưa bão, 2 học sinh bị đuối nước. Thiệt hại về cơ sở vật chất trường lớp học ước tính khoảng 26 tỷ đồng; 150 trường bị ngập, trong đó có 69 trường bị ngập sâu.

Số lượng sách vở, dụng cụ học tập thiết bị dạy học các cấp từ tiểu học đến THPT bị hư hỏng nặng như sách giáo khoa 2715 bộ, vở 92.424 quyển, bút 22.225 chiếc, cặp sách 3.759 chiếc.

Hầu hết các trường ở Quảng Bình đều chịu ảnh hưởng do đợt lũ lụt gây ra; 100% học sinh phải nghỉ học; 3 học sinh bị đuối nước.

Theo ước tính ban đầu, toàn ngành giáo dục Quảng Bình có hàng nghìn thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng; 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập trong nước. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 382,8 tỷ đồng.

Quảng Trị có 5 người bị thiệt mạng, trong đó 1 học sinh bị đuối nước, 3 học sinh bị vùi lấp. Toàn tỉnh ước tính tổng thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh có 309 điểm trường bị ngập/ngập sâu trong nước, thiệt hại 14.000 bộ sách giáo khoa, 40.000 quyển vở, 9.389 cặp sách học sinh.

Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại tổng tài sản ước tính 70,2 tỷ đồng. Nhiều trường bị sụt lún, hư hỏng cơ sở vật chất. Cùng với đó, tỉnh có nhiều thiết bị dạy học bị hỏng, hơn 26.000 học sinh bị ướt sách vở, đồ dùng học tập.

Tỉnh Quảng Nam có 3 học sinh bị đuối nước, nhiều trường học bị ngập, đổ tường, tốc mái, sạt lở đất. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 36,5 tỷ đồng.

Nhiều cơ sở giáo dục thành phố Đà Nẵng bị ngập, khoảng 50 phòng học và 1 nhà đa năng bị hư hỏng, nhiều cổng trường, tường rào bị đổ, nhà để xe bị tốc mái (chưa đánh giá tỷ lệ hư hỏng để ước tính thành tiền).

Bình Định, khi cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, toàn bộ học sinh phải nghỉ học, nhiều trường học bị tốc mái. Thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 8,65 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Ngãi, có 19 trường THPT bị tốc mái, sập đổ nhà để xe học sinh, đổ tường rào... do bão số 9.

Như vậy, tổng thiệt hại của 8 tỉnh miền Trung hiện lên đến hơn 600 tỷ đồng, hàng triệu bộ sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học bị hư hỏng nặng và 13 học sinh, cán bộ quản lý bị thiệt mạng.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn