• Zalo

Bộ GD-ĐT bỏ các cuộc thi không cần thiết: Phụ huynh phấn khởi, giáo viên thở phào nhẹ nhõm

Giáo dụcThứ Hai, 29/05/2017 07:20:00 +07:00 Google News

Không ít phụ huynh vui mừng, giáo viên thở phào nhẹ nhõm khi mới đây, Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh ra soát lại đồng thời tinh giảm những cuộc thi không cần thiết nhằm giảm áp lực, tránh chồng chéo cho học sinh và giáo viên.

Phụ huynh phấn khởi

Hiện nay, nhiều tỉnh xét tuyển lên các cấp sử dụng kết quả của nhiều cuộc thi để cộng điểm ưu tiên, chính vì vậy học sinh cứ mải miết chạy theo các cuộc thi, "bỏ quên" mình đang cần cái gì và học như thế nào. Khi thấy con lo lắng, chạy đua vào các cuộc thi khiến cho không ít phụ huynh đứng ngồi không yên.

Chia sẻ về những lo lắng đó, chị Trần Thị Sang (Thanh Chương, Nghệ An) nói: “Con tôi đang phấn đấu vào trường cấp 3 điểm của huyện. Để có được điểm ưu tiên khi xét tuyển cháu phải cố gắng tham gia vào các cuộc thi mặc dù bản thân cháu không hứng thú lắm. Tuy nhiên, lý do khiến cháu có động lực chính là khi đạt kết quả cao trong các cuộc thi thì xét tuyển vào lớp 10 sẽ dễ dàng hơn, đồng thời cơ hội vào lớp chọn như cháu mong muốn cao hơn”.

Bộ GD-ĐT bỏ các cuộc thi không cần thiết: Trả lại tuổi thơ đúng nghĩa cho học sinh

Học sinh sẽ giảm bớt được áp lực học hành khi không phải tham gia các cuộc thi không cần thiết. (Ảnh Ngô Chuyên) 

Cùng suy nghĩ như chị Sang, chị Nguyễn Thị Lý (ở Vĩnh Tuy, Hà Nội) chia sẻ: "Hiện nay tôi thấy ở cấp phổ thông đang lạm dụng quá nhiều cuộc thi làm cho cả thầy và trò đều mệt mỏi, khiến cho các con không có thời gian nghỉ ngơi hay một tuổi thơ đúng nghĩa. Chính những cuộc thi là nguyên nhân dẫn đến sự cạnh tranh, tình trạng chạy đua thành tích, điểm ưu tiên. Cho nên tôi nghĩ Bộ GD-ĐT bỏ những cuộc thi không cần thiết là hợp lý”. 

Theo nhiều phụ huynh, nguyên nhân sinh ra áp lực học tập chính từ những cuộc thi. Bởi để có thành tích cao trong các cuộc thi đó, ngoài học lớp, ở nhà các con phải đi học thêm ở ngoài. Vô hình chung những cuộc thi đang "cướp" đi tuổi thơ, sự hồn nhiên của các con.

Video: Lý do nhiều phụ huynh tẩy chay sách giáo khoa do trường bán

Chị Lý chia sẻ thêm: “Hiện nay, bạn bè tôi đang muốn cho con vào các trường tư thục để con được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, được sống đúng với tuổi thơ và giúp con phát triển những đam mê của mình thay vì vào các trường chuyên, trường điểm chạy đua với thành tích, các cuộc thi”.

Không kìm nén được vui mừng, anh Nguyễn Nam (ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết anh cảm thấy nhẹ người và ủng hộ cách làm này của Bộ GD-ĐT.

Anh Nam cho biết thêm: "Năm ngoái con tôi mới bước vào năm học được mấy tuần, thấy cháu về nói thầy chủ nhiệm chọn đi thi viết chữ đẹp cấp trường. Mỗi ngày ngoài giờ học trên lớp và làm bài tập ở nhà là cháu lấy vở ra… luyện chữ. Hết chữ cái, chữ thường rồi đến chữ nghệ thuật, sáng tạo. Sau cả tháng ôn luyện rồi thi xong thì ngỡ cháu được nghỉ ngơi và từ nay chỉ lo chuyên tâm bài học chính khóa thì lại thấy cháu bắt đầu luyện thi Toán và tiếng Anh qua mạng. Bởi lại được thầy chủ nhiệm và giáo dạy môn tiếng Anh chọn đi thi”.

Bộ GD-ĐT bỏ việc tính điểm cộng, điểm ưu tiên khi đạt giải trong các cuộc thi là hợp lý, tránh được tình trạng phụ huynh chỉ chăm chăm hướng cho con tham gia vào các cuộc thi giật giải nhằm được đặc cách xét tuyển vào trường điểm.

Bộ GD-ĐT bỏ các cuộc thi không cần thiết: Trả lại tuổi thơ đúng nghĩa cho học sinh

 Học sinh sẽ có nhiều thời gian vui chơi hơn khi không còn quá nhiều cuộc thi. (Ảnh Hải Nam)

Bỏ các cuộc thi không cần thiết, tăng thời gian học kỹ năng sống

Theo thầy Phan Hữu Danh – giáo viên trường THCS Xuân Diệu (huyện Can Lộc – tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Lâu nay các cuộc thi đang tạo rất nhiều áp lực cho học sinh và giáo viên. Khi Bộ GD-ĐT yêu cầu tinh giảm các cuộc thi không cần thiết thì không chỉ học sinh mà giáo viên chúng tôi cũng bớt được gánh nặng”.

Thầy Danh phân tích, những áp lực mà thầy và trò phải "gánh" khi có quá nhiều cuộc thi điều đầu tiên ai cũng biết chính là khâu tuyển chọn học sinh tham dự: “Qúa trình chọn học sinh để đi thi rất vất vả, giáo viên phải ra đề, nghiên cứu chương trình dạy cũng như định hướng cho học sinh.

Mặt khác, khi đi thi không chỉ học sinh muốn đạt giải mà nhà trường cũng kỳ vọng. Chính vì vậy áp lực rất lớn đến người trực tiếp dạy và hướng dẫn. Hơn nữa, muốn có thành tích cao giáo viên phải "thúc ép" học sinh học, vô tình lại "đè" lên vai học sinh một gánh nặng mà đáng ra các em không phải chịu".

“Hiện nay, có nhiều em sinh viên đại học ra trường viết cái CV xin việc còn chưa biết trình bày sao cho đúng, cho nên tổ chức các cuộc thi mà những cái cơ bản các em không nắm được thì không nên tổ chức làm gì. Ngoài ra, nên bỏ cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện các môn, giải toán trên máy tính casio… mà tập trung vào ôn luyện, hướng dẫn học sinh học toàn diện, hạn chế học lệch”, thầy Danh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng phải chạy đua cùng con, cùng tìm giáo viên giỏi để ôn luyện cho con, vô tình những cuộc thi lại "lây" sang cả phụ huynh.

"Tôi nghĩ, thay vì có những cuộc thi đó chúng ta nên tập trung phát triển kỹ năng, hướng nghiệp cho học sinh hơn là tổ chức ra các kỳ thi. Vì nó tốn kém, nhưng chưa chắc hiệu quả đã cao. Các phòng, Sở GD-ĐT nên khuyến khích giáo viên ngoài giảng dạy, tập trung nghiên cứu các phương pháp dạy làm sao để quá trình truyền đạt cũng như giảng dạy cho học sinh tiếp thu được tối đa kiến thức mình truyền đạt", Thầy Danh chia sẻ.

(Nguồn: Công Lý)
Bình luận
vtcnews.vn